Ngăn ngừa bệnh cho cây hồ tiêu: Cần những biện pháp phòng, trừ đồng bộ

Văn Tâm| 27/12/2017 09:38

Hiện nay, cây hồ tiêu đang trong giai đoạn nuôi trái, chuẩn bị cho vụ thu hoạch sau hơn 2 tháng nữa. Tuy nhiên, cứ vào thời điểm này trong năm, nhiều vườn tiêu lại bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, khiến nông dân đứng trước nguy cơ thất thu. Để xử lý bệnh “nguy cấp” này, nông dân cần áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng trừ cho vườn hồ tiêu của mình.

ADQuảng cáo

Bệnh lây lan trên diện rộng

Những ngày qua, ông Nguyễn Văn Hưng, ở xã Nam Bình (Đắk Song) đứng ngồi không yên bởi vườn tiêu đang xanh tốt bỗng nhiên vàng lá, rụng trái và chết khô hàng loạt. Theo ông Hưng, khi thấy tiêu chết rải rác, gia đình đã tìm cách chữa trị bằng nhiều loại thuốc nhưng cũng không đạt hiệu quả, tiêu vẫn chết với số lượng lớn.

Ông Hưng cho biết: "Ban đầu, khi mới xuất hiện bệnh, một số cây tiêu trong vườn có vài lá bị vàng. Sau 2 – 3 hôm, toàn bộ lá trên cây bị bệnh đổ vàng và rũ xuống như bị thiếu nước trong mùa khô". Mặc dù ông đã tìm hiểu, hỏi thăm nhiều người trong vùng và các chủ tiệm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhưng không có cách nào cữu vãn được vườn tiêu. Một cái khó nữa đối với ông Hưng là cây tiêu bị nhiễm bệnh không tập trung ở một chỗ trong vườn mà xuất hiện rải rác khắp vườn tiêu nên không chỉ gây khó khăn trong phòng trừ bệnh mà dẫn đến nguy cơ lây lan khắp vườn.

Ông Trần Thế Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Hồ tiêu Thuận Phát, xã Thuận Hà (Đắk Song) kiểm tra vườn tiêu bệnh của xã viên

Cách vườn tiêu của ông Hưng một quả đồi, hơn 2.500 trụ tiêu 15 năm tuổi của ông Huỳnh Văn Tám cũng có nguy cơ bị xóa sổ bởi dịch bệnh “chết nhanh, chết chậm”. Ông Tám cho hay: Vụ thu hoạch năm ngoái, vườn tiêu của gia đình tôi vẫn mạnh khỏe, xanh tốt và cho năng suất rất cao. Thế mà từ đầu năm đến nay, trong vườn đã có hơn 1.000 trụ tiêu bị nhiễm bệnh, nhiều trụ đã chết khô. Tôi đã dồn hết sức để cứu vườn cây nhưng dịch bệnh phát sinh không có cách gì trị được”. Dịch bệnh không chỉ tấn công ở các vườn tiêu trên địa bàn xã Nam Bình mà tại nhiều vùng trồng tiêu trọng điểm của huyện Đắk Song như: Nâm N’Jang, Đắk N’Rung, Thuận Hạnh, Thuận Hà… các vườn tiêu cũng bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt trong vài năm trở lại đây. Ông Trần Thế Hải,  Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Hồ tiêu Thuận Phát, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song cho biết: “Từ khi người dân trên địa bàn trồng tiêu là dịch bệnh cũng đồng thời xuất hiện chứ không phải đến bây giờ bệnh trên cây tiêu mới xuất hiện. Tuy nhiên, dịch bệnh mỗi năm một nhiều, nghiêm trọng và khó phòng trừ hơn". Điều nay cho thấy, hiện nay, người trồng tiêu vẫn chưa nhận thấy mình còn tồn tại một “lỗ hổng” lớn trong khâu canh tác. Bởi nhiều người muốn tiêu cho năng suất là đổ phân bón xuống gốc, thấy cây bị bệnh thì nghe ai chỉ thuốc gì là phun xịt thuốc đó mà không biết có đúng bệnh, có hại cây hay không? 

Còn tại huyện Chư Jút, theo Phòng Nông nghiệp -PTNN huyện, đến cuối tháng 11/2017, toàn huyện có hơn 110 ha tiêu nhiễm bệnh và chết khô. Nguyên nhân được xác định là năm nay mưa nhiều dẫn đến bị ngập úng, tiêu trồng trên các chân đất chưa phù hợp. Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học không đúng cách cũng là nguyên nhân khiến cây tiêu bị bệnh.

Theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp thì bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora spp gây ra. Trong đó, 2 loài nấm Phytophthora tropicalis và Phytophthora capsici gây hại nặng nhất. Bệnh chết chậm là do sự kết hợp gây hại của tuyến trùng và nấm trong đất. Một số loài tuyến trùng nội ký sinh, ngoại ký sinh gây hại như Meloidogyne spp, Meloidogyne incognita… trong đó gây hại chủ yếu là giống Meloidogyne spp gây ra các nốt u sưng trên rễ. Ngoài ra, các loài nấm trong đất, rệp sáp hại rễ cũng làm tăng thêm mức độ bệnh. 

ADQuảng cáo

Biện pháp canh tác là yếu tố quyết định

Theo Tiến sỹ Bùi Xuân Phong, Cục BVTV thuộc bộ Nông nghiệp – PTNT thì tính chất quyết định trong việc phòng bệnh, hạn chế bệnh chết nhanh, chết chậm là cần áp dụng biện pháp canh tác phù hợp.

Theo đó, quy trình, biện pháp canh tác cây hồ tiêu nhằm hạn chế lây nhiễm bệnh “chết nhanh, chết chậm”, trước hết, bà con cần chú ý thoát nước trong mùa mưa như đào hệ thống thoát nước theo ô bàn cờ, độ sâu 40 - 50cm (3 hàng ngang một rãnh, 3 hàng dọc 1 rãnh). Nếu đất có độ dốc cao thì đào theo hình xương cá, rãnh thoát nước chính sâu trên 50cm xung quanh vườn. Vào đầu mùa mưa phải phá bồn giữ nước quanh gốc tiêu (nếu có) để chống đọng nước. Trụ trồng nên sử dụng cây keo dậu, bông gòn, muồng, lồng mức... thay thế trụ bê tông hoặc trụ gỗ. Việc bón phân NPK cần chú ý theo tỷ lệ cân đối, chú trọng bón phân hữu cơ, tủ xác thực vật vào gốc tiêu để bổ sung chất hữu cơ cho đất, vừa có tác dụng giữ ẩm đất vào mùa khô, vừa phát huy hệ vi sinh vật có ích và hạn chế bệnh. Nông dân thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện bệnh sớm, thu gom tàn dư cây bị bệnh mang ra khỏi khu vực vườn tiêu rồi tiêu hủy, xử lý đất tại các gốc tiêu bị bệnh bằng vôi bột. Cắt cành, dây lươn sát mặt đất để gốc tiêu thông thoáng, hạn chế lây lan nguồn nấm bệnh từ đất lên. Sau khi thu hoạch, người dân cần tiến hành dọn vườn, khử trùng bề mặt và nâng cao độ pH của đất bằng vôi bột với lượng 1.000kg/ha, chia làm 2 lần, mỗi lần 500kg (không rắc trực tiếp vào gốc và rễ cây) hoặc rắc xuống hệ thống rãnh thoát nước (500 - 700kg/ha) để khử trùng nguồn bệnh.

Vườn tiêu của bà Nguyễn Thị Lan ở xã Trường Xuân (Đắk Song) áp dụng đúng quy trình canh tác ngay từ lúc mới trồng nên phát triển khỏe mạnh

Song song với các biện pháp canh tác, cần ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc BVTV an toàn để phòng, trừ bệnh. Cũng theo quy trình hướng dẫn canh tác cây hồ tiêu của Cục BVTV, bà con nên phòng bệnh cho tiêu bằng chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng Trichoderma, xạ khuẩn Streptomyces; các sản phẩm thảo mộc trừ tuyến trùng chứa hoạt chất Saponin, Ankanoid; phòng chống rệp sáp gốc bằng các chế phẩm nấm ký sinh côn trùng Metarhizium, vi khuẩn Bacillus… Các chế phẩm sinh học trên kết hợp với các đợt bón phân cho cây, rắc chế phẩm trong vùng rễ tiêu rồi phủ lớp đất lên, tưới đủ ẩm. Đặc biệt, cần lưu ý sử dụng các thuốc BVTV an toàn, thời gian cách ly ngắn như hoạt chất Phosphorous acid… để phòng chống bệnh và tăng sức đề kháng cho cây tiêu, liều lượng và cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. 

Riêng đối với các trụ tiêu bị bệnh nặng, năng suất không đáng kể (2 năm liền chỉ thu được dưới 1 kg/trụ/năm) hoặc cây chết, nên thu gom, tiêu hủy để vệ sinh đồng ruộng; xử lý hố trồng bằng chế phẩm sinh học tối thiểu 30 ngày trước khi trồng lại.

Năm 2016, Cục BVTV thuộc Bộ Nông nghiệp - PTNT đã ban hành Quy trình kỹ thuật quản lý “bệnh chết nhanh, chết chậm” hại hồ tiêu, quy trình kỹ thuật này được đánh giá là một trong các công trình khoa học công nghệ tiêu biểu nhất của năm. Vì thế, các địa cần tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân áp dụng phòng chống bệnh hiệu quả, an toàn và bền vững cho cây tiêu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn ngừa bệnh cho cây hồ tiêu: Cần những biện pháp phòng, trừ đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO