Ngành chăn nuôi từng bước “chuyển mình” để hội nhập

Hồng Thoan| 02/05/2018 10:31

Với "làn sóng" đẩy mạnh xuất khẩu thịt từ các nước châu Âu vào Việt Nam đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho ngành Chăn nuôi Việt Nam nói chung cũng như chăn nuôi của Đắk Nông nói riêng. Trước thực tế này, ngành chăn nuôi của tỉnh cũng đã có sự “chuyển mình” để dần hội nhập.

ADQuảng cáo

Toàn tỉnh hiện có 117 trang trại chăn nuôi. (Trong ảnh: Một trang trại nuôi heo ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) đầu tư hệ thống máng ăn, uống, vệ sinh khép kín)

Xu hướng liên kết trong sản xuất

Trong hai năm nay, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là việc giá cả xuống thấp. Nhưng qua đây cũng đã cho thấy một thực tế là những trường hợp thua lỗ, thậm chí “bỏ chuồng” trống đều là hộ nuôi ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết từ đầu vào đến khâu đầu ra của sản phẩm.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT Đắk Nông thì xu thế nông dân liên kết với các đơn vị cung cấp giống, thức ăn gia súc, bao tiêu sản phẩm đang phát triển mạnh ở những năm gần đây. Đó là sự chuyển dịch từ quy mô nhỏ, lẻ sang quy mô lớn, công nghiệp với sự đầu tư lớn hơn về cả về hạ tầng cũng như kỹ thuật, công nghệ thông qua việc liên kết. Ở các huyện, thị xã đã có những trang trại được thành lập, đi vào hoạt động, nhất là những trang trại liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam sản xuất với quy mô hàng ngàn đến hàng chục ngàn con heo, gà mỗi lứa. Với hình thức này, nông dân tham gia vào chuỗi nuôi gia công để bán sản phẩm cho công ty theo hợp đồng làm ăn.

Số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 117 trang trại chăn nuôi, trong đó gồm: 5 trang trại nuôi trâu, bò, 26 trang trại gia cầm và 86 trang trại nuôi heo. Trong số các trang trại chăn nuôi heo có 60 trang trại quy mô lớn từ 500 - 2.500 con/lứa, thậm chí là 3.000-4.000 con/lứa. Với mức thu nhập trung bình của mỗi trang trại đạt từ 1 tỷ đồng/ năm trở lên.

Theo Chi nhánh Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam tại Đắk Nông, đơn vị hiện đã liên kết với hơn 50 hộ dân phát triển chăn nuôi theo hình thức nuôi gia công với quy mô trang trại nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định. Theo đó, qua quá trình khoảng 10 năm liên kết với nông dân Đắk Nông, đơn vị ngày càng khẳng định uy tín khi cung ứng con giống, vật tư và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Cụ thể, ở Gia Nghĩa, Chi nhánh cũng đã mở các cửa hàng bán sản phẩm thịt heo, gà sạch góp phần hình thành quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị.

ADQuảng cáo

Chị Lê Thị Cúc, thôn 6, xã Đắk Ha (Đắk Glong) vốn đã duy trì việc chăn nuôi heo hơn chục năm nay. Nhận thấy những khó khăn, thách thức khi phát triển chăn nuôi theo kiểu tự phát, phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố may rủi như dịch bệnh, thị trường làm giảm hiệu quả kinh tế, từ hai năm nay chị đã liên kết với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam để nuôi heo gia công. Theo đó, mỗi năm gia đình xuất chuồng hai lứa heo với khoảng 8.000 con, đạt mức lãi khoảng 700 triệu đồng.

Nói về những lợi ích của sự liên kết, chị Cúc cho biết: “Cùng với những sự bảo đảm về kỹ thuật thì liên kết còn đem lại hai cái lợi ích lớn đó là vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm và đầu ra ổn định. Thời gian qua, có những lúc giá cả xuống thấp nhưng khi liên kết, gia đình không phải chịu cảnh thương lái ép giá như trước đây và vẫn có lãi”.

Phát triển tập trung gắn với an toàn thực phẩm

Cùng với liên kết trong sản xuất chăn nuôi, vấn đề về rà soát, quy hoạch chăn nuôi theo hướng tập trung cũng đang được tỉnh, ngành chức năng, các địa phương đặc biệt quan tâm. Nhiều địa phương như Krông Nô, Chư Jút, Đắk R’lấp đã từng bước triển khai tốt quy hoạch, dần hình thành các vùng chăn nuôi tập trung. Cụ thể như chăn nuôi bò thịt tại Quảng Phú, gia cầm tại Nam Đà (Krông Nô), nuôi heo thịt ở xã Đắk Wil (Chư Jút).

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp - PTNT) thì những năm qua, đơn vị cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, và phối hợp kiểm soát chất lượng vật tư chăn nuôi, thú y nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Nếu như năm 2015, tình trạng tồn dư chất cấm trong chăn nuôi được cơ quan chuyên môn phát hiện thì đến năm 2016 tình trạng trên đã giảm hẳn. Năm 2017 đến những tháng đầu năm nay, qua lấy mẫu, phân tích đã không còn phát hiện tồn dư chất cấm trong thức ăn gia súc hay thịt gia súc, gia cầm.

Có được kết quả trên, bên cạnh những biện pháp mạnh tay của cơ quan quản lý nhà nước thì cũng phải khẳng định rằng nhận thức của các chủ cơ sở nuôi, giết mổ, kinh doanh đã có sự chuyển biến tích cực. Cụ thể, đối với sản phẩm thịt heo, sau thời gian bị người tiêu dùng “bỏ rơi” thì nay xu hướng sử dụng đã tăng dần trở lại. Hay đối với đàn bò thịt, Đề án phát triển nhanh đàn đàn bò thịt chất lượng của tỉnh triển khai từ năm 2013 đến nay đã mang lại những hiệu quả to lớn. Với những ưu điểm vượt trội về tăng trọng, thể trạng cũng như chất lượng thịt xẻ nên đang được nhân dân tích cực hưởng ứng. Thống kê toàn tỉnh đã thay thế hoàn toàn bò đực giống địa phương và lai tạo được 16.435 con bò lai F1 và F2.

Có thể nói, dù quy mô chăn nuôi của tỉnh chưa lớn, nhưng một số doanh nghiệp và nhiều người dân đã và đang rút ra được những bài học, thấy rõ phải liên kết để sản xuất bền vững. Cùng với đó, sự vào cuộc của các cấp, ngành đã và đang góp phần giúp cho người chăn nuôi, ngành chăn nuôi của tỉnh bước đầu có những sự chuyển mình để nâng cao sức cạnh tranh trong nền kinh tế hội nhập.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành chăn nuôi từng bước “chuyển mình” để hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO