Ngành chăn nuôi từng bước dịch chuyển theo hướng hàng hóa

Hồng Thoan| 13/12/2016 11:07

Năm 2016, lĩnh vực chăn nuôi đã có bước bứt phá mạnh mẽ, đạt được những kết quả quan trọng cả về quy mô đàn cũng như chất lượng sản phẩm.

ADQuảng cáo

Chuyển dịch chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tổng đàn bò trên địa bàn hiện đạt 29.400 con. (Ảnh: Nông dân xã Buôn Choáh (Krông Nô) nuôi bò theo hình thức nhốt chuồng kết hợp chăn thả ). Ảnh: Hồ Mai

Trừ tổng đàn trâu có sự giảm nhẹ thì đàn bò, heo, dê, cừu, gia cầm đều tăng mạnh. Cụ thể, tổng đàn bò có gần 29.400 con, tăng gần 11.000 con so với năm 2015; đàn heo hơn 200.400 con, tăng hơn 76.000 con; dê và cừu trên 9.600 con, tăng hơn 2.200 con và tổng đàn gia cầm là 2,1 triệu con, tăng 419.000 con. Cùng với quy mô đàn thì tổng sản lượng thịt xuất chuồng cũng tăng cao, cụ thể  sản lượng thịt bò xuất chuồng là 1.470 tấn, tăng 64%; sản lượng heo xuất chuồng đạt 32.064 tấn, tăng 66% và sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng đạt 6.448 tấn, tăng 32% so với năm 2015.

Theo ông Đoàn Văn Đáp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh Đắk Nông) thì người dân đã chú trọng nhiều hơn đến công tác phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, quy mô lớn. Năm qua cũng là năm lực lượng chức năng siết chặt hơn công tác kiểm soát dịch bệnh nên không xảy ra dịch bệnh nào lớn gây ảnh hưởng đến chăn nuôi. Trong đó, nhận thấy nhiều lợi ích nên bà con ở các địa phương đã mở rộng hình thức nuôi gia công cho Công ty Chăn nuôi C.P nên góp phần tăng tổng đàn heo. Toàn tỉnh hiện có 98 trang trại chăn nuôi heo, tăng 28 trang trại so với năm 2015. Phần lớn các trang trại có đàn heo cao từ 500- 2.500 con.

Heo của Hợp tác xã Đồng Tiến, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) được nuôi trong điều kiện cách ly an toàn với các mầm bệnh. Ảnh: Đức Diệu

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc HTX Đồng Tiến, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) cho biết: Năm nay cũng là năm đơn vị xuất bán heo giống với số lượng tăng hơn so với mọi năm, đạt khoảng 2.000 con đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Lắk với giá ổn định và cao hơn. Hiện tại, đơn vị đang mở rộng quy mô trang trại thêm 1.000 m2 để tăng đàn, tăng doanh thu.

Đối với đàn bò thì các địa phương đã đẩy mạnh việc triển khai Dự án cải tạo, nâng cao chất lượng giống bò thịt. Đến nay, tổng số bê lai sinh ra thuộc dự án trên địa bàn toàn tỉnh đạt 9.966 con, trong đó có 9.258 con bê lai F1 và 708 bê lai F2. Hơn thế, năm 2016 cũng là năm ngành chức năng ghi nhận sản lượng các loại động vật và sản phẩm động vật bán ra ngoài tỉnh đều tăng. Trong đó, heo giống tăng 37.192 con, heo giết mổ tăng 31.570 con, gia cầm giống tăng 108.900 con, trâu bò giết mổ tăng 36 con.

Theo ông Đáp thì đây quả là một thành quả lớn mang tính đột phá cho ngành chăn nuôi, thú y của tỉnh, xứng đáng đạt "điểm 10". Bởi từ nhiều năm nay, Đắk Nông vẫn nhập các giống, sản phẩm từ chăn nuôi từ các tỉnh khác. Nhưng nay tỉnh đã xuất với số lượng ngày càng lớn chứng tỏ chăn nuôi đang phát triển bền vững theo hướng hàng hóa. Hoạt động kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cũng được đơn vị chuyên môn tiến hành thường xuyên nên đã góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm các sản phẩm chăn nuôi. Theo đó, Chi cục Thú y đã chỉ đạo các trạm thú y ở tất cả các huyện, thị xã tổ chức cho các hộ chăn nuôi ký cam kết không sử dụng chất cấm, kháng sinh trong sản xuất. Lực lượng chuyên môn cũng đã tiến hành lấy hàng trăm mẫu nước tiểu, thức ăn, thuốc thú y tiến hành xét nghiệm phát hiện chất cấm. Công tác tiêu độc khử trùng, tiêm vắc xin cũng đã được triển khai hiệu quả hơn trong năm 2016.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp - PTNT cho thấy, năm 2016, lĩnh vực chăn nuôi có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về chất và lượng. Qua đó, giá trị của ngành chăn nuôi đã góp phần tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế nội ngành. Dự kiến tăng trưởng của ngành chăn nuôi sẽ đạt khoảng 12%, tăng 3% so với kế hoạch đề ra.
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành chăn nuôi từng bước dịch chuyển theo hướng hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO