Ngành chế biến gỗ khi tham gia EVFTA

Hồng Thoan| 01/08/2019 09:09

Liên minh châu Âu (EU) là một trong những thị trường xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn của Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đặt ra những thách thức cho ngành gỗ trong nước.

ADQuảng cáo

Các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cần tính toán liên kết, tạo vùng nguyên liệu ổn định trong nước. Ảnh: Doanh nghiệp thu mua gỗ keo tại xã Đắk Ha, Đắk Glong

Mở ra nhiều cơ hội

Theo Bộ Nông nghiệp- PTNT, năm 2018, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU đạt 759,07 triệu USD, tăng 3% so với năm 2017. Trong đó, Anh là một trong những quốc gia nhập khẩu gỗ từ Việt Nam lớn nhất, khoảng 289 triệu USD, tiếp đó là Pháp khoảng 130 triệu USD và Ðức khoảng 107 triệu USD.

Mặt khác, EU cũng là một trong những thị trường chính cung cấp gỗ nguyên liệu cho Việt Nam. Năm 2018, các doanh nghiệp gỗ trong nước nhập khẩu 246,47 triệu USD gỗ, sản phẩm gỗ từ EU, tăng 5% so với năm 2017. Gỗ nhập khẩu từ EU được đánh giá có mức độ rủi ro thấp, là nguồn cung hợp pháp lớn thứ hai sau thị trường Mỹ.

 Với những cam kết về ưu đãi thuế quan ở mức cao nhất, EVFTA sẽ là "cú huých" rất lớn cho xuất khẩu lâm sản của Việt Nam. Trước khi ký kết EVFTA, mức thuế của EU đối với gỗ và sản phẩm gỗ trung bình là: 0,9%. Còn mức thuế sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực là 0% cho 87% dòng sản phẩm gỗ. Còn 13% sẽ được miễn thuế  theo lộ trình về sau.

ADQuảng cáo

Với những lợi thế về thuế, ngành gỗ  Việt Nam hoàn thành có cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU đạt từ 700 đến 750 triệu USD/năm, các năm tới sẽ phấn đấu đạt 1 tỷ USD/năm.

Không ít thách thức

Việt Nam hiện có 15.429 cơ sở kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ với khoảng 4.000 doanh nghiệp, còn lại là hộ nhỏ lẻ. Gỗ nhập khẩu từ EU tăng đã tạo ra sức ép không nhỏ, buộc doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực cải thiện năng lực của mình. Các doanh nghiệp gỗ Việt Nam phải bảo đảm sử dụng gỗ nguyên liệu 100% hợp pháp (bao gồm cả gỗ nhập khẩu và gỗ trong nước).

EU là một thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Vì vậy, dù có được hưởng lợi về thuế quan thì hàng hóa Việt Nam cũng phải cải thiện rất nhiều về chất lượng để có thể vượt qua được các rào cản xuất khẩu. Các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cũng cần có một nguồn kinh phí lớn để đầu tư chiều sâu và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm để đủ sức đáp ứng yêu cầu đặt ra cũng như cạnh tranh với các quốc gia khác xuất khẩu sản phẩm gỗ vào EU.

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), sản lượng gỗ rừng trồng khai thác trong nước năm 2018 đạt mức 18,5 triệu m3. Tỷ trọng nguyên liệu gỗ sản xuất trong nước cung cấp cho công nghiệp chế biến đã tăng từ 66% trong năm 2012 lên khoảng 80% năm 2018. Thế nhưng, trong bối cảnh Chính phủ không cho phép khai thác gỗ từ rừng tự nhiên, các doanh nghiệp gỗ sẽ khó bảo đảm được nguồn nguyên liệu ổn định.

Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đang tăng cường quan tâm và hỗ trợ cộng đồng DN gỗ Việt Nam tập trung nguồn lực để đổi mới công nghệ, nhất là có kế hoạch cụ thể để triển khai khâu thiết kế sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam. Về chính sách quản lý vĩ mô, Nhà nước sẽ sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc thực hiện EVFTA ngay trong năm nay để giúp cộng đồng DN có căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành chế biến gỗ khi tham gia EVFTA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO