Ngành Ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số

18/08/2022 11:11

Để phục vụ người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới. Những bước chuyển trong công nghệ vừa giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa giúp công cuộc chuyển đổi số trong toàn ngành diễn ra mạnh mẽ hơn.

ADQuảng cáo

Đa dạng các dịch vụ

Những năm gần đây, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phục vụ thanh toán điện tử được các ngân hàng chú trọng đầu tư. Hệ thống máy rút tiền tự động (ATM) được lắp đặt tại tất cả ở các huyện, thành phố.

Ngoài phát triển nguồn vốn, việc cung ứng dịch vụ, phương tiện thanh toán hiện đại, đa dạng cũng là một xu thế tất yếu để các tổ chức tín dụng khẳng định uy tín. Hàng loạt ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như: áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã QR Code, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... được các ngân hàng ứng dụng.

Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Đắk Nông là một trong những đơn vị đi đầu triển khai giao dịch trực tuyến. Theo ông Lê Văn Cường, Giám đốc Chi nhánh BIDV Đắk Nông, hiện nay, đơn vị đang cung cấp các kênh thanh toán đa dạng, tiện ích cho khách hàng như: Internet Banking, BIDV Smartbanking...

Khách hàng có thể dễ dàng đăng ký, thực hiện dịch vụ ngân hàng điện tử mọi lúc, mọi nơi như: chuyển khoản trong, liên ngân hàng; thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, học phí, viễn thông; tra cứu các thông tin về sản phẩm dịch vụ…

Nhân viên BIDV Đắk Nông hướng dẫn khách hàng làm thủ tục đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử

“Hàng năm, chúng tôi thường xuyên cập nhật phần mềm, ứng dụng vào quá trình hoạt động. Đẩy mạnh áp dụng công nghệ vừa tạo thuận lợi cho ngân hàng, khách hàng, vừa thực hiện chủ trương của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Cường cho biết.

Việc ngân hàng ứng dụng công nghệ số đã được các tổ chức, người dân đánh giá cao. Gần 1 năm nay, chị Nguyễn Thị Thu Hương, phường Nghĩa Tân (TP. Gia Nghĩa) đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử. Thông qua ứng dụng này, chị có thể thực hiện nhiều giao dịch như: thanh toán tiền điện, tiền nước, dịch vụ internet, truyền hình...

ADQuảng cáo

“Từng bước làm quen với dịch vụ ngân hàng điện tử, tôi càng thấy tiện ích của thanh toán không tiền mặt. Ngồi ở nhà, tôi có thể dễ dàng mua được hàng hóa, thanh toán dịch vụ mình cần qua các thao tác trên điện thoại di động hoặc nhấp chuột máy tính”, chị Hương cho hay.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HD Bank) hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ Iternet Banking trên thiết bị di động thông minh

Còn những khó khăn

Theo ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, hiện nay, tất cả các tổ chức tín dụng trên địa bàn đều đưa ứng dụng tiện ích ngân hàng điện tử phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, ngành Ngân hàng còn đối mặt với khá nhiều khó khăn.

Các quy định pháp lý hiện hành liên quan về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử chưa thực sự đồng bộ. Việc định danh, xác thực khách hàng điện tử, chia sẻ dữ liệu, bảo mật thông tin khách hàng, quy trình nghiệp vụ... còn nhiều hạn chế.

Chưa kể, quá trình chuẩn hóa hạ tầng kỹ thuật, nhằm tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác còn nhiều bất cập. Nhận thức, thói quen ở một bộ phận người tiêu dùng cần có thời gian để tiếp cận và thích ứng..

Theo ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, ngành Ngân hàng đang tập trung nhiều giải pháp. Trước tiên, toàn ngành tập trung ưu tiên các nội dung liên quan đến ứng dụng các công nghệ số như: thu thập, khai thác, xử lý và chia sẻ dữ liệu khách hàng. Việc giao dịch điện tử; xây dựng, triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng đang được đẩy mạnh.

“Toàn ngành chúng tôi mở rộng, phát triển hệ thống chuyển mạch, bù trừ điện tử cho các giao dịch thanh toán bán lẻ hướng tới thiết lập hạ tầng thanh toán đồng bộ. Quá trình triển khai hạ tầng tập trung để phục vụ chuyển đổi số, cũng như cho phép kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu sẽ được chú trọng triển khai mạnh mẽ hơn”, ông Minh cho biết thêm.

Ðắk Nông hiện có 75 máy ATM, 234 máy POS đang hoạt động. Doanh số thanh toán bình quân mỗi năm qua POS đạt trên 250 tỷ đồng. Hơn 550.000 thẻ được các ngân hàng thương mại phát hành; 665.000 tài khoản đã mở cho khách hàng còn hoạt động.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO