“Nghề” hái cà phê

Phan Đinh| 16/11/2017 09:03

Hàng năm, cứ vào khoảng giứa tháng 10 trở đi, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông cần nhiều nhân công để hái cà phê cho kịp thời vụ. Với nhiều lao động phổ thông, việc thu hoạch cà phê cũng được xem là một “nghề” trong lúc nông nhàn, có thêm nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống.

ADQuảng cáo

Chị Bùi Thị Nhàn ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) cũng có trồng cà phê, nhưng năm nào cũng sắp xếp thời gian để đi hái thuê cho người dân quanh vùng.

Chị Nhàn chia sẻ: “Tuy có 5 sào cà phê, nhưng điều kiện kinh tế của gia đình vẫn còn nhiều khó khăn. Vì muốn dành dụm cho con học hành và tích góp thêm ít vốn, nên năm nào tôi cũng đi hái cà phê thuê để có thêm thu nhập. Những người có thời gian rảnh rỗi như tôi tập hợp lại thành nhóm 5-6 người, đi hái liên tục suốt mấy tháng liền, nên thu nhập tăng đáng kể. Năm nay, công hái cao hơn, nhóm của tôi vừa nhận hái khoán cả vườn, vừa nhận hái tính theo ngày”.

Chị Nhàn và các lao động trong nhóm có nhiều kinh nghiệm trong hái cà phê nên được nhiều người thuê. Theo chị Nhàn, mỗi mùa cà phê, các chị cũng có thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Số tiền này, các chị gom góp để mua sắm phương tiện sản xuất hoặc giải quyết những công việc lớn khác của gia đình.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Lo, quê ở Bến Tre đã có nhiều năm lên Đắk Nông hái cà phê

Nhiều năm nay, cứ đến mùa thu hoạch là hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Lo và Lê Thị Khoa từ Bến Tre lại bắt xe lên Đắk Nông để hái cà phê thuê.

ADQuảng cáo

Anh Lo chia sẻ: “Ở quê, gia đình tôi trồng lúa nên mùa này công việc rảnh rỗi. Cách đây 7 năm, tôi có đến các tỉnh Tây Nguyên hái cà phê, trong đó có Đắk Nông. Từ đó đến nay, năm nào tôi cũng lên đây. Ở Đắk Nông, vùng Gia Nghĩa, Đắk R’lấp, Đắk Song, vườn cà phê thường chín trước, nên hái xong là quay vòng đi các huyện khác. Những năm trước, tôi có hái thuê ở một số vùng, nhưng mấy năm nay chủ yếu làm cho các gia đình ở thị xã Gia Nghĩa. Mùa này, chúng tôi rủ thêm 2 người bà con cùng lên đây hái cà phê thuê. Chúng tôi nhận hái khoán theo diện tích, nên tranh thủ thời gian làm nhanh, chủ vườn rất thích vì kịp thời vụ”.

Chị Lê Thị Khoa cũng tâm sự: “Tuần vừa rồi, 4 người chúng tôi vừa hái xong 5 sào cà phê của một gia đình với giá 8 triệu đồng. Tính ra mỗi ngày mỗi người cũng kiếm được hơn 280.000 đồng. Đa số các gia đình thuê chúng tôi hái đều làm việc ở các cơ quan hoặc doanh nghiệp. Làm lâu năm rồi nên các gia đình liên lạc qua điện thoại và đến mùa vụ là gọi chúng tôi lên thôi. Hiện nay, chúng tôi đang nhận thu hoạch hơn 1 ha cà phê với giá 12 triệu đồng. Sau mỗi vụ cà phê, vợ chồng tôi cũng tích góp được kha khá”.

Từ nhu cầu cần lao động thu hoạch cà phê nên hiện nay ở thị xã Gia Nghĩa và các huyện đã có những hộ dân làm thêm “dịch vụ” hái cà phê. Họ tập trung những lao động nhàn rỗi ở địa phương và các tỉnh khác đến và ai cần công hái cà phê thì cùng làm.

Anh Nguyễn Văn Hiếu ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) chia sẻ: “Ở quê, tôi thường đi làm thuê hoặc đi biển nhưng công cũng thấp hơn đi hái cà phê. Mùa này ở quê cũng ít việc, lại hay bị bão lụt, nên 2 năm nay tôi thường lên hái cà phê cho một gia đình ở thị xã Gia Nghĩa, mỗi tháng được trả 6 triệu đồng tiền công. Gia đình mà tôi đang tá túc có khoảng 10 người được thuê hái cà phê, trong đó chủ yếu người miền Tây lên. Chúng tôi có việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định như vậy là rất tốt. Mình làm tốt nên khi về quê, chủ vườn thường biếu thêm tiền xe, quà cáp, còn tiền công thì đem về trang trải cuộc sống của gia đình”.

Theo chia sẻ của nhiều người, sau mỗi mùa vụ, “tay nghề” hái cà phê lại càng nâng lên, bảo đảm kỹ thuật, nên nhiều chủ vườn rất thích. Vì vậy, không những có thêm việc làm, thu nhập, nhiều lao động phổ thông là lực lượng  góp phần giúp cho các nhà vườn thu hoạch cà phê kịp thời vụ, bảo đảm chất lượng sản phẩm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nghề” hái cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO