Người dân, doanh nghiệp “khát” vốn ngân hàng

Thanh Hà| 03/11/2022 08:59

Nhiều gia đình, doanh nghiệp tại Đắk Nông đang trong tình cảnh khó khăn vì thiếu vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, nguồn vốn giải ngân từ các tổ chức tín dụng lại vừa chậm, vừa hạn hẹp.

ADQuảng cáo

Gần 1 tháng nay, gia đình anh P.V.T, ở Nghĩa Phú (Gia Nghĩa), lúc nào cũng mong ngóng tin từ phía ngân hàng. Anh T làm hợp đồng thế chấp sổ đỏ để vay vốn từ 1 ngân hàng thương mại, với số tiền 1 tỷ đồng. Thời gian trôi qua đã lâu, nhưng phía ngân hàng vẫn chưa thể giải ngân.

Anh T tâm sự: Tôi cần tiền, nên cứ 2 - 3 ngày lại liên hệ với cán bộ tín dụng. Tuy nhiên, họ cứ hẹn sang tuần, sang tháng mới sắp xếp được. Gần cả tháng rồi mà ngân hàng vẫn chưa thể giải ngân vốn.

Cũng chờ đợi ngân hàng giải ngân, nhưng hộ kinh doanh của anh H.T.V, ở Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) còn bi đát hơn. Anh V vay 700 triệu đồng tại 1 ngân hàng thương mại ở Gia Nghĩa vào tháng 10/2021. Kỳ hạn vay là 12 tháng, lãi suất 9,5%/năm.

Nhiều người dân, doanh nghiệp đang rất cần vốn từ ngân hàng

Đến thời hạn 1 năm, anh V vay tiền làm thủ tục thanh toán để vay lại (đáo hạn). Nhưng sau khi tất toán, ngân hàng lại không giải ngân luôn cho anh V như những lần trước. Anh V đồng ý làm hồ sơ vay lại với lãi suất cao hơn và cũng phải chờ đợi lâu hơn.

“Thường thì tôi vay tiền bên ngoài, đáo hạn vài ngày là xong. Nhưng nửa tháng trôi qua mà ngân hàng vẫn báo chưa cân đối được nguồn tiền cho vay. Tiền lãi bên ngoài khá cao và hiện tôi chỉ biết chờ ngân hàng cho vay để trả”, anh V tâm sự.

Không chỉ các gia đình, cá nhân, nhiều doanh nghiệp cũng đang lay lắt chờ đợi tin từ phía ngân hàng. Theo chị V, giám đốc 1 công ty xây dựng tại phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), công ty của chị có mối liên kết lâu năm với 1 ngân hàng thương mại.

Suốt nhiều năm qua, công ty luôn nhận được sự ưu ái của ngân hàng để có cơ hội vay vốn sản xuất, kinh doanh. Nhưng vào thời điểm này, mọi chuyện đã khác. Dù hạn mức tín dụng đối với công ty còn và tài sản đã được thế chấp, nhưng việc giải ngân khá khó khăn.

ADQuảng cáo

“Cuối năm nên chúng tôi rất “khát” số tiền lớn để trang trải. Việc giải ngân năm nay rất chậm và nhỏ giọt, khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn”, chị V cho hay.

Người dân giao dịch tại một ngân hàng ở TP. Gia Nghĩa

Hiện toàn tỉnh Đắk Nông có khoảng 1.700 doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Việc sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nguồn tiền từ các tổ chức tín dụng.

Theo lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Nông, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp đang tăng cao nhằm phục vụ sản xuất, kinh doanh giai đoạn cuối năm. Nhu cầu vốn tăng cao, nhưng nguồn cung chưa đủ.

Nhiều ngân hàng đã thông báo hết hạn mức tín dụng (room) từ nhiều tháng nay. So với thời điểm trước, lãi suất ngân hàng đã tăng cao hơn trung bình khoảng 2%.

Tuy nhiên, muốn vay vốn ngân hàng cũng không phải dễ. Việc tiếp cận nguồn vay ngân hàng khó khăn trong lúc chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao đang gây trở ngại cho doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi.

Theo một lãnh đạo ngân hàng thương mại tại Ðắk Nông, phía đơn vị luôn ưu tiên cấp vốn cho các doanh nghiệp, hộ cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Trong lúc nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp tăng cao, phía ngân hàng đã đề xuất được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Nhưng kết quả vẫn phải chờ đợi cấp trên phân bổ.

“Việc giải ngân hiện tại phụ thuộc rất nhiều vào khách hàng vay. Khi họ trả thì ngân hàng mới có nguồn để xem xét, cân đối giải ngân cho những người đang có nhu cầu”, vị này cho hay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân, doanh nghiệp “khát” vốn ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO