Người đưa măng cụt Gia Nghĩa xuất ngoại

Văn Tâm| 25/03/2019 14:24

Khai thác thế mạnh đất đai, điều kiện khí hậu phù hợp và sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, sản phẩm măng cụt của Trang trại Trái cây Gia Ân ở bon Sê Rê Ú, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa do ông Trần Quang Đông làm chủ đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

ADQuảng cáo

Câu chuyện đưa quả măng cụt xuất ngoại sang châu Âu của ông Đông được nhiều nông dân nể phục. Từ khi đặt nhát cuốc đầu tiên để xuống giống măng cụt, ông Trần Quang Đông, chủ Trang trại Trái cây Gia Ân không ngừng theo đuổi ý định sản xuất trái cây theo hướng hữu cơ.

Theo đó, từ năm 2013, ông đã quyết định sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Rồi không dừng lại ở đó, với mong muốn đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài, năm 2016, ông quyết định sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, măng cụt của Trang trại Trái cây Gia Ân ở xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa xuất khẩu đi Hà Lan

Theo ông Trần Quang Đông, trồng măng cụt tuy thời gian đầu tư ban đầu là khá dài so với một số loại cây ăn quả khác nhưng đổi lại, cây có tuổi thọ hàng trăm năm, lại không mất nhiều công chăm sóc. Vì ông sử dụng giống thực sinh và cho cây phát triển tự nhiên, không phải tỉa cành, chủ yếu bón phân định kỳ, theo dõi và xử lý một số loại bệnh hại nên bất cứ hộ dân nào cũng trồng được.

Khi đưa măng cụt đến các chợ đầu mối lớn ở các tỉnh, một số nơi hết sức thán phục trước “đẳng cấp” của măng cụt Gia Nghĩa. Thậm chí, măng cụt của trang trại hơn hẳn sản phẩm của Đồng Nai, Thái Lan tại thị trường trái cây miền Nam.

ADQuảng cáo

Hơn nữa, theo ông Đông, trồng măng cụt trên đất Gia Nghĩa có một lợi thế nữa là mùa thu hoạch măng cụt muộn hơn 3 – 4 tháng so với các vùng nên luôn bán được giá cao. Do đó, ông Đông cho rằng, đây chính là lợi thế tự nhiên mà vùng đất này ưu đãi đối với người trồng măng cụt. Chính vì vậy, để khai thác tối đa lợi thế sẵn có, ông không ngừng củng cố thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cây măng cụt thích hợp với điều kiện tự nhiên của thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông nên cho năng suất, chất lượng trái cao hơn nhiều vùng có truyền thống trồng măng cụt

Hiện nay, mỗi năm, với 8 ha đất trồng măng cụt theo tiêu chuẩn GlobalGAP, bình quân ông Trần Quang Đông xuất bán ra thị trường khoảng 70 tấn măng cụt sạch/năm, giá bán trung bình khoảng 80.000 đồng/kg. Đều đặn mỗi năm, trang trại của ông Đông thu về gần 5 tỷ đồng tiền bán măng cụt. Hiện ngoài việc xuất cho các vựa trái cây lớn ở các tỉnh, thành như: TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đà Nẵng thì 2 năm gần đây, măng cụt của ông còn được xuất khẩu sang Hà Lan, với giá trung bình 100.000 đồng/kg.

Theo ông Đông, mặc dù trang trại đang sản xuất theo quy trình chất lượng chuẩn toàn cầu, nhưng ông vẫn tiếp tục củng cố thêm để vườn cây ngày càng phát triển bền vững. Năm nay, ông thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc trên 100.000 trái măng cụt mang tên Trang trại Trái cây Gia Ân.

Ông Trần Quang Đông cho rằng: “Nếu sản phẩm bảo đảm về kỹ thuật, an toàn cho người tiêu dùng thì sản lượng dù nhiều cũng không phải lo lắng tới đầu ra. Trong đó, khi sản phẩm hàng hóa đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường thế giới thì đó là cách để có thể tồn tại, phát triển lâu dài, ổn định”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người đưa măng cụt Gia Nghĩa xuất ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO