Người tiêu dùng "đánh đu" theo giá cả

Thanh Hà| 21/07/2022 09:16

Giá cả các mặt hàng thiết yếu, hàng tiêu dùng tăng đã tác động không nhỏ đến kinh tế và đời sống người tiêu dùng.

ADQuảng cáo

6 tháng đầu năm 2022 , giá xăng dầu trong nước liên tục tăng. Tháng 2/2022, giá xăng RON 95 chỉ ở mức trên 26.000 đồng/lít thì đến giữa tháng 6/2022, giá loại nhiên liệu này đã vượt mốc trên 32.000 đồng/lít.

Giá xăng dầu tăng đã tác động trực tiếp đến những doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhất là nguồn cung hàng hóa và sức mua.

Khảo sát tại nhiều siêu thị, đại lý bán lẻ, tạp hóa trên địa bàn TP. Gia Nghĩa, không khó để thấy sự tăng giá đồng loạt của hầu hết các mặt hàng. Từ lương thực, rau củ quả, gia vị… đều tăng từ 10-30%.

Người dân mua sắm hàng tiêu dùng tại một tạp hóa trên địa bàn TP. Gia Nghĩa

Theo chị Trần Anh Thư, ở phường Nghĩa Trung, ngày nào chị cũng đi chợ, nhưng vẫn thấy “chóng mặt” vì vật giá “leo thang”. Giá gạo, mắm, muối, rau củ quả… đều tăng giá. Tổng chi phí của gia đình đội lên khoảng 30% so với trước Tết Nguyên đán 2022.

“Giờ đi mua sắm đều phải tính toán, cân nhắc thật kỹ. Mong sao thị trường được kiểm soát tốt để người dân vượt qua được giai đoạn khó khăn này”, chị Thư tâm sự.

Chị Sâm, chủ tạp hóa trên phường Nghĩa Tân chia sẻ: “Cứ khi nào giá xăng tăng là hàng hóa lại tăng giá. Từ cọng hành, quả chanh, trái ớt… đều tăng cả. Giá đầu vào tăng thì giá bán ra phải tăng theo”.

ADQuảng cáo

Giá cả leo thang cũng đã tác động mạnh đến việc làm, thu nhập của nhiều lao động tự do. Anh Trần Văn Nghĩa, chuyên chạy xe hợp đồng tuyến Gia Nghĩa - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tâm sự: Xăng tăng giá, nhưng giá cước tăng có sự kiểm soát, không thể tự ý tăng lên quá cao được. Thu nhập của cánh tài xế chúng tôi vì thế mà cũng eo hẹp.

Hàng hóa tăng giá ảnh hưởng tới sức mua và gây nhiều khó khăn cho người tiêu dùng

Từ đầu năm đến nay, chi phí xăng dầu, gas, nguyên liệu đồng loạt tăng liên tục. Chi phí nguyên liệu tăng kéo chi phí vận tải, logistics tăng theo. Một số ngành nghề xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ.

Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, chưa phục hồi được sau dịch bệnh Covid-19. Nguồn cung thiếu hụt cũng là nguyên nhân gây ra áp lực về giá cả nói riêng, nền kinh tế nói chung.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, tình hình quốc tế vẫn sẽ có nhiều rủi ro, thách thức. Kinh tế thế giới và trong nước thời gian tới có sự phục hồi, nhưng chậm. Giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao, tạo áp lực lạm phát, chi phí sản xuất hàng hóa tăng cao.

Thời gian tới, Nhà nước sẽ tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu giá cả. Từ Trung ương đến địa phương sẽ tập trung theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời.

Các bộ, ngành liên quan tăng cường phối hợp chặt chẽ trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào và kiểm tra, kiểm soát chặt để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.

Xăng dầu đang được điều tiết giảm

Ngày 11/7, Liên Bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng dầu trong nước. Theo đó, giá xăng RON 95 giảm 3.088 đồng/lít, xuống mức 29.675 đồng/lít; Xăng E5 RON 92 giảm 3.103 đồng/lít, xuống mức 27.788 đồng/lít. Giá dầu Diesel giảm 3.022 đồng/lít, xuống mức 26.593 đồng/lít…

Nhiều chuyên gia nhận định, giá xăng dầu sẽ tiếp tục giảm trong lần điều chỉnh tới. Nếu xăng dầu ổn định ở mức 26.000 - 27.000 đồng/lít, giá cước vận tải và các hàng hóa sẽ giảm từ 5-10%.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người tiêu dùng "đánh đu" theo giá cả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO