Người tiêu dùng không nên tẩy chay thịt lợn an toàn

Hồng Thoan| 27/05/2019 10:45

Các cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân chủ động phòng dịch tả lợn châu Phi hiệu quả, không hoang mang, lo ngại quá mức hoặc tẩy chay thịt lợn an toàn.

ADQuảng cáo

Người dân chọn mua thịt lợn tại cửa hàng  thực phẩm Ánh Dương (Gia Nghĩa)

Sức mua giảm

Khoảng 1 tuần nay, chị Nguyễn Thị Hà, tổ 3, Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) ngưng việc mua thịt lợn về chế biến các món ăn cho gia đình. Theo chị Hà, thực tế thì thịt lợn là thực phẩm quen thuộc của người Việt, dễ dàng chế biến thành các món ăn ngon, phù hợp với khẩu vị của nhiều thành viên trong gia đình. Ngưng sử dụng chị cũng gặp khó khi đi chợ bởi phải suy nghĩ các thực phẩm khác thay thế phù hợp với túi tiền, bảo đảm đầy đủ, cân đối dinh dưỡng.

“Tôi lo ngại mua phải miếng thịt đã mang mầm bệnh, đã nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình”. Tương tự, chị Nguyễn Thị Mai, tổ 1, Nghĩa Trung những ngày gần đây cũng không mua thịt lợn. Theo chị Mai, tâm lý biết có lợn bị bệnh, ốm chết du nhập vào địa bàn làm cho tôi và gia đình có cảm giác ăn thịt không còn ngon, an toàn nên quyết định chuyển sang ăn các loại thực phẩm khác như cá, trứng, thịt gà, vịt...  

Theo khảo sát, những ngày qua, sau khi Đắk Nông phát hiện sự lưu hành của vi rút bệnh DTLCP trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa từ tỉnh khác vào, sức mua thịt lợn, các sản phẩm từ thịt lợn tại các chợ, siêu thị, cửa hàng đã giảm đáng kể.

Chị Đặng Thị Bích Liên, tư thương ở chợ Gia Nghĩa cho biết: Sức mua thịt lợn những ngày gần đây giảm hơn so với bình thường khoảng 30- 40%. Tuy nhiên, giá thịt lợn thành phẩm cũng không giảm do giá lợn hơi vẫn duy trì mức bình thường. Cụ thể như giá thịt lợn bày bán hiện nay loại 1 khoảng 90.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 70.000 đồng/kg... Lý giải nguyên nhân vì sao người mua ít mà giá vẫn không giảm, nhiều tiểu thương cho rằng do nguồn lợn đến tuổi bán thịt trên địa bàn tỉnh cũng như trong cả nước đang giảm.

Đẩy mạnh truyền thông sử dụng thịt lợn an toàn

ADQuảng cáo

Trong khi nhiều người không ăn thịt lợn thì không ít hộ vẫn sử dụng thịt lợn hàng ngày. Chị Nguyễn Thị Thúy, tổ 1, phường Nghĩa Thành là một ví dụ. Theo chị Thúy, là người nội trợ nên theo dõi kỹ càng về bệnh DTLCP. Qua tivi, mạng internet, báo chí chị biết rằng DTLCP không gây hại trên người. Để bảo đảm tuyệt đối an toàn, chị mua sản phẩm thịt lợn ở những địa chỉ uy tín.

Chị Thúy cũng học cách phân biệt miếng thịt sạch bằng các biểu hiện như màu sáng tươi, ấn ngón tay vào miếng thịt bị lõm vào rồi trả lại bình thường tức độ đàn hồi tốt, trên da không có các biểu hiện lạ như chấm đỏ, bầm tím…

Chị Nguyễn Thị Thúy (bên trái), tổ 1, Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) vẫn sử dụng thịt lợn hàng ngày

Cũng sử dụng thịt lợn hàng ngày trong những ngày vừa qua, chị Nguyễn Thị Thu Trang, tổ 7, phường Nghĩa Phú chia sẻ: Tôi tuân thủ ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh hay các loại thực phẩm từ thịt lợn chưa được chế biến kỹ.  Để bảo đảm an toàn, tôi rửa thịt bằng nước muối được pha loãng từ muối hạt trước khi nấu. Đặc biệt, tôi không bỏ thịt vào nước đang sôi để luộc sơ trước khi chế biến vì sẽ khiến các chất hóa học dễ dàng bị hấp thụ ngược lại vào bên trong miếng thịt.

Theo  Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh DTLCP tỉnh thì đây là bệnh rất nguy hiểm cho đàn lợn, hiện nay cả thế giới chưa tìm ra vắc xin phòng, thuốc chữa. Đàn lợn bị bệnh, tỷ lệ chết lên đến 100%, gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Đây được xem là bệnh dịch nguy hiểm nhất từ trước đến nay đối với chăn nuôi lợn nói riêng, ngành chăn nuôi nói chung. Tuy nhiên, bệnh dịch chỉ lây lan từ lợn qua lợn, cả lợn nuôi, lợn rừng, qua các nguồn trung gian như ruồi, muỗi, chim, chuột, các loài gặm nhấm, nguồn nước, không khí chứ không lây sang người… Hiện nay, do tác động của thời tiết bất thường, dịch bệnh ở Việt Nam đang lên cao, độc dược của vi rút lớn, nếu làm phát sinh mầm bệnh dễ lây lan ra diện rộng nên cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng để phòng, chống hiệu quả.

Đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống DTLCP nhấn mạnh:

"Các cơ quan thông tấn, báo chí của tỉnh, hệ thống đài truyền thanh cơ sở, đội ngũ thú y viên, cán bộ, đảng viên phải phát huy vai trò tuyên truyền đúng, rõ bản chất, diễn biến của bệnh dịch này. Đặc biệt, công tác tuyên truyền phải tập trung chỉ rõ sự nguy hiểm của DTLCP đối với đàn lợn, còn bệnh không lây sang người".

Thực tế hiện nay, một bộ phận người dân vẫn chưa hiểu rõ về dịch bệnh này nên đã có tâm lý tẩy chay thịt lợn. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, đoàn thể phải đẩy mạnh việc tuyên truyền để cộng đồng, người dân, người chăn nuôi hiểu đúng về mức độ nguy hiểm của bệnh để có cách phòng, chống hiệu quả, không quay lưng với thịt lợn bảo đảm an toàn. Vì thế, người dân không nên có tâm lý đề phòng quá mức, tẩy chay thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn an toàn. Cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng đang siết chặt việc kiểm soát quá trình vận chuyển, cơ sở giết mổ, làm tốt hoạt động kiểm dịch để bảo đảm sản phẩm thịt lợn sạch ra thị trường.

DIỄN BIẾN DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

- Nguồn gốc: Châu Phi.

- Từ năm 2017 đến nay: Lan 20 quốc gia trên thế giới.

- Tại Việt Nam:

- Ngày 1/2/2019, dịch xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Hưng Yên.

- Ngày 25/5, cả nước đã có 43 tỉnh, thành phát hiện có DTLCP.

- Số lượng lợn tiêu hủy tại các tỉnh có dịch hơn 1,7 triệu con.

VỀ LÂY TRUYỀN

- DTLCP không lây sang người.

- Lây từ lợn sang lợn, cả lợn nuôi, lợn rừng.

- Qua trung gian: Ruồi, muỗi, chim, chuột, các loài gặm nhấm, nguồn nước, không khí.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người tiêu dùng không nên tẩy chay thịt lợn an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO