Nguồn lao động thời vụ giúp giảm "sức ép" thu hoạch hồ tiêu

Phan Tuấn| 09/03/2020 09:01

Vào vụ thu hoạch hồ tiêu hàng năm, nhiều lao động phổ thông tại các tỉnh khác lại tìm đến Đắk Nông để hái tiêu thuê. Nguồn lao động thời vụ này đã giúp nông dân giảm được "sức ép" thu hoạch hồ tiêu hàng năm...

ADQuảng cáo

Những ngày này, vườn tược của gia đình bà Nguyễn Thị Thủy, ở xã Đắk N’Drung (Đắk Song), lúc nào cũng có người đi ra, đi vào tấp nập.

Bà Thủy chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 ha hồ tiêu đang bước vào thời kỳ thu hoạch. Vụ mùa năm nay gia đình tôi thuê được 10 nhân công ở các tỉnh miền Tây lên làm việc thời vụ. Để người làm công có thời gian, điều kiện làm việc thuận lợi, tôi đã bố trí cho họ ở trong nhà và chủ động nấu cơm cho họ dùng chung bữa với gia đình luôn”.

Nghề hái hồ tiêu tuy không quá nặng nhọc, nhưng do thường xuyên phải trèo cao nên có nguy cơ tai nạn lao động nếu không cẩn trọng

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Hanh, cũng ở xã Đắk N’Drung, có 4 ha hồ tiêu đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Do chỉ có hai vợ chồng, nên gia đình anh Hanh cần thuê nhiều lao động để thu hái hồ tiêu cho kịp thời vụ. Sau tết Nguyên đán, anh Hanh đã thuê được 12 lao động ở các tỉnh Phú Yên, Bến Tre, Kon Tum… để thu hái hồ tiêu.

Anh Hanh cho biết: “Một công lao động lành nghề chỉ hái được từ 4 – 6 trụ tiêu/ngày, với sản lượng chừng 20 – 30 kg hạt tiêu tươi. Như vậy, với 4 ha hồ tiêu, tôi đang động viên người làm công tích cực đẩy nhanh tiến độ với mong muốn đến giữa tháng 3 này sẽ thu hoạch xong hồ tiêu”.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có gần 20.000 ha hồ tiêu đang ở vào thời kỳ thu hoạch. Đây cũng là thời điểm hàng ngàn lao động từ các tỉnh khác đổ xô về Đắk Nông để tìm kiếm công việc thời vụ. Nguồn lao động từ các tỉnh khác đã góp phần giải phóng bớt "sức ép" thu hoạch hồ tiêu cho nông dân trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, do giá hồ tiêu liên tục xuống thấp, nhưng giá thuê nhân công lao động vẫn duy trì hoặc tăng cao hơn so với trước. Do đó, đến mùa thu hoạch tiêu, nông dân đều phải có sự cân nhắc, tính toán kỹ trong vấn đề thuê người thu hoạch hồ tiêu chứ không còn "xông xênh" như trước đây...

Nghề thu hái hồ tiêu không quá vất vả, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động do phải thường xuyên làm việc trên cao, ở những địa hình phức tạp. Do đó, để sống được với nghề này, đòi hỏi người hái tiêu phải có sức khỏe bền bỉ, siêng năng, chịu khó.

Anh Y Đức, ở tỉnh Đắk Lắk, đến xã Nâm N’Jang (Đắk Song) hái hồ tiêu thuê được hơn một tháng nay. Hàng ngày, công việc của anh Y Đức là mang theo những chiếc thang bằng sắt để leo lên những trụ tiêu sống có độ cao từ 4 -5 m.

Theo anh Đức, hiện nay chi phí thu hoạch một ha hồ tiêu rơi vào khoảng 30 triệu đồng. Thay vì nhận ngày công lao động như trước, anh lựa chọn hình thức hái khoán cả vườn để có thu nhập cao hơn. Nếu mọi thứ thuận lợi, với hai tháng làm việc cật lực, tôi có thể kiếm được hơn 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Số tiền này là rất lớn đối với những người lao động chân tay, thời vụ như anh.  

Tương tự, anh Nguyễn Ngọc Thiện, ở tỉnh Đồng Nai, đang hái tiêu thuê tại xã Đắk Wer (Đắk R'lấp). Anh Thiện làm nghề hái tiêu thuê đã được hơn 5 năm nay. Hàng ngày, từ lúc 7 giờ sáng, anh Thiện đã bắt đầu đứng trên những chiếc thang để hái hồ tiêu. Theo anh Thiện, để tránh rủi ro ngã té, trước khi leo thang hái tiêu, anh đều cẩn thận quan sát, kiểm tra, đánh động để xua đuổi những con vật đang ẩn nấp bên trong.

"Tuy vất vả, có rủi ro, nhưng hái tiêu thuê cũng mang lại thu nhập từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Cả vụ thu hoạch tiêu, tôi cũng có thể kiếm được từ 25-30 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí. Số tiền này giúp tôi trang trải được nhiều thứ cho gia đình”, anh Thiện tâm sự.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn lao động thời vụ giúp giảm "sức ép" thu hoạch hồ tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO