Nguồn vốn đầu tư nước ngoài, động lực thúc đẩy nền kinh tế

Thùy Dương| 08/10/2018 09:27

Năm 2018 đánh dấu chặng đường 30 năm thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài (ÐTNN). Thực tiễn 30 năm qua cho thấy, ÐTNN luôn đóng vai trò là một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

ADQuảng cáo

Hầu hết các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến của Việt Nam đều có sự tham gia của khu vực FDI với các mức độ khác nhau. Ảnh tư liệu

Mở cửa hợp tác là quyết sách đúng đắn

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì trong 30 năm qua, cả nước đã có 184 tỷ USD được giải ngân, bổ sung nguồn vốn quan trọng vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Tỷ trọng vốn ÐTNN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ gần 15% năm 2005 lên 23,7% năm 2017. ÐTNN đóng góp vào GDP ngày càng cao. Nếu như năm 1995, khu vực ÐTNN mới chiếm 6,3% trong GDP thì đến năm 2017 đã chiếm tới 19,6%. Khu vực này cũng đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách, với giá trị nộp ngân sách tăng từ 1,8 tỷ USD giai đoạn 1994 - 2000 lên  3,7 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách giai đoạn 2011 - 2015. Riêng năm 2017, ÐTNN  đạt 8 tỷ USD, chiếm khoảng 17% tổng thu ngân sách nhà nước.

Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút nhiều nhất với 58,2% vốn ÐTNN, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Số liệu thống kê cho thấy khu vực này đang tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, như: Dầu khí, viễn thông, điện, điện tử... ÐTNN cũng góp phần phát triển nhiều ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, tư vấn luật, vận tải biển, logistics, giáo dục - đào tạo, y tế, du lịch...; chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu; mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và từng bước đưa Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Những thành tựu nêu trên đã khẳng định đường lối mở cửa hợp tác với nước ngoài của Ðảng và nhà nước là một quyết sách đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại.

ADQuảng cáo

Nâng tầm hợp tác đầu tư nước ngoài

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút và sử dụng ÐTNN thời gian qua cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như, liên kết của khu vực ÐTNN với khu vực trong nước và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao. Chuyển giao công nghệ chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Tỷ trọng đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) còn thấp; đầu tư từ Hoa Kỳ, EU vào Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng. Một số dự án ÐTNN chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Một số doanh nghiệp có vốn ÐTNN chấp hành chưa nghiêm quy định của pháp luật về thuế, lao động…

Tại Hội nghị tổng kết 30 năm ĐTNN tại Việt Nam mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế tồn tại, cả những thua thiệt trong thu hút ĐTNN. Nêu rõ quan điểm Việt Nam đối với ĐTNN, Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam khẳng định nhất quán khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế.

Sau 30 năm thu hút ĐTNN, nay Việt Nam thực hiện chính sách “hợp tác ĐTNN” với nội hàm mở rộng hơn. Hợp tác ĐTNN là hợp tác cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập lẫn nhau, đặc biệt hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm các lợi ích xã hội. Hợp tác ĐTNN là mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn, không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì vào ta chấp nhận nấy và điều quan trọng là có lựa chọn, dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia. Hợp tác ĐTNN là hợp tác cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập lẫn nhau, đặc biệt hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm các lợi ích xã hội.

Trên cơ sở các quan điểm, nhiệm vụ trong thu hút ĐTNN, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần rà soát và hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách, giải pháp trong lĩnh vực quản lý của mình. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo tổng kết 30 năm thu hút ĐTNN, trình Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Chương trình hành động cụ thể để thực hiện tốt hơn nữa công tác thu hút ĐTNN nhằm nâng tầm hợp tác ĐTNN thời gian tới.

Năm 1987, Quốc hội đã ban hành luật Ðầu tư nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1988. Trong 30 năm qua, đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển quan hệ đối ngoại, hợp tác, hội nhập quốc tế và nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài, động lực thúc đẩy nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO