Nhân Cơ, nông dân liên kết với doanh nghiệp trồng cà phê 4C

Thanh Nga| 03/04/2017 13:59

Hiện nay, tại thôn 9, xã Nhân Cơ (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) có 84 hộ nông dân tham gia nhóm sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C với tổng diện tích lên đến 173 ha. Hàng năm, các hộ dân cung ứng khoảng 5.400 tấn cà phê theo tiêu chuẩn này và được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn thị trường.

ADQuảng cáo

Nhóm cà phê 4C của thôn 9 được thành lập năm 2011 và được Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng (xã Nhân Cơ) hỗ trợ về nhiều mặt. Ban đầu, nhóm chỉ có khoảng 30 hộ và gia đình ông Đặng Bá Lĩnh là một trong những hộ đầu tiên tham gia.

Ông Lĩnh cho biết: “Trước đây, 3 ha cà phê của gia đình tôi chỉ thu được 6-7 tấn, nhưng 3 năm nay áp dụng kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn 4C thì năng suất và chất lượng vượt trội rõ rệt. Niên vụ vừa rồi, mặc dù khô hạn, thiếu nước tưới, nhưng nhờ gia đình chăm sóc bài bản nên vẫn thu về trên 12 tấn nhân. Quyền lợi lớn nhất của nông dân khi tham gia sản xuất cà phê 4C, đó là được doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật về cách trồng, chăm sóc nên năng suất, chất lượng tăng cao. Hiện nay, tỷ lệ quả chín đạt trên 90%, nông dân mới thu hoạch nên quả nặng ký hơn, chất lượng cà phê tốt”. Bà Trương Thị Liễu, một hộ dân khác cho biết thêm: “Nông dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C thì không phải lo lắng, băn khoăn gì về đầu ra. Khác với trước đây, sản phẩm hay bị ép giá, kể từ khi liên kết sản xuất, doanh nghiệp đều thu mua hết mà giá còn cao hơn thị trường từ 300-500 đồng/kg”.

Đặc biệt, nhận thức của nông dân trong việc sản xuất sản phẩm bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng, bảo hộ lao động, bảo vệ môi trường ngày càng được nâng lên.

ADQuảng cáo

Ông Trần Văn Ngụ, Trưởng nhóm cà phê 4C của thôn 9 chú trọng bảo hộ lao động để bảo đảm sức khỏe, bảo vệ môi trường

Ông Trần Văn Ngụ, Trưởng nhóm cà phê 4C của thôn 9 cho biết: “Sau khi được tập huấn kỹ thuật, mỗi lần làm cỏ hay phun thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cây, các hộ dân đều trang bị bảo hộ lao động đầy đủ. Đơn cử, khi phun thuốc, nông dân sử dụng đầy đủ bảo hộ chống độc, ủng, kính, bao tay cao su, áo mưa để giữ gìn sức khỏe cho bản thân và bảo vệ môi trường. Trong quá trình bón phân, phun thuốc, bà con chọn đúng thời điểm, đúng lượng để cây phát triển, năng suất ổn định. Trong quá trình tưới nước cho cà phê, các hộ đều có ý thức tiết kiệm nguồn nước, bảo vệ tài nguyên đất để tránh ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống cộng đồng… Những điều này trước đây ít ai để ý, nhưng từ khi áp dụng sản xuất cà phê 4C, bà con đều chú trọng thực hiện nghiêm túc”.

Theo nhiều hộ dân cho biết, hiện nay, nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ thì việc buôn bán giữa doanh nghiệp và nông dân cần phải kết nối chặt chẽ để tạo ra chuỗi giá trị cho sản phẩm cà phê. Nông sản đạt chất lượng cao thì người dân cũng có lợi mà doanh nghiệp cũng có lợi.

Về phía doanh nghiệp, ông Trương Công Toàn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng cũng bày tỏ quan điểm: Doanh nghiệp muốn có sản phẩm tốt thì phải tập huấn cho người nông dân về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, thu hái, phơi sấy và chế biến để có hàng phục vụ xuất khẩu và nâng cao giá trị. Hiện nay, doanh nghiệp đang mở rộng liên kết với nông dân trong sản xuất cà phê 4C để tạo vùng nguyên liệu ổn định cho thời gian tới. Sự liên kết này đang góp phần tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm cà phê của Đắk Nông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhân Cơ, nông dân liên kết với doanh nghiệp trồng cà phê 4C
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO