Nhận diện rõ hơn những tồn tại, thách thức để phát triển cây bơ bền vững

Hồng Thoan| 30/07/2018 10:20

Trong khuôn khổ Chương trình “Đắk Nông - Mùa bơ chín” năm 2018 (được tổ chức từ 18 đến 22/7 vừa qua), Hội thảo phát triển bơ bền vững do UBND tỉnh tổ chức là sự kiện chuyên sâu đầu tiên trong cả nước về cây bơ, quy tụ các nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo và cả người nông dân để cùng nhau nhận diện rõ hơn những tồn tại, thách thức nhằm đưa ra hướng phát triển bền vững cho cây bơ Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Anh Vũ Văn Đức, phường Nghĩa Thành (TX. Gia Nghĩa) mua giống bơ Trịnh Mười (Đắk Lắk) tại Hội chợ thương mại kết nối cung cầu bơ và sản phẩm nông nghiệp

Cẩn trọng về quy mô, diện tích

Tại hội thảo này, vấn đề làm sao phát triển đúng hướng, quy mô, diện tích cây bơ ở Đắk Nông trong từng giai đoạn cụ thể là bao nhiêu được các nhà khoa học hàng đầu trong nước, chuyên gia một số nước, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nông dân quan tâm, đưa ra bàn thảo. Trong đó, quy hoạch vùng sản xuất gắn với từng tiểu vùng khí hậu được nhiều người đề cập.

Được đánh giá là cây trồng tiềm năng, diện tích phát triển nhanh trong những năm gần đây nhưng đến nay, Đắk Nông vẫn chưa có quy hoạch riêng về phát triển cây bơ cả quy mô lẫn chủng loại. Hiện quy hoạch cây bơ cũng mới chỉ dừng lại ở quy hoạch chung về các loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, theo quy hoạch cây ăn quả của tỉnh được thực hiện từ năm 2013, diện tích bơ quy hoạch tập trung đến năm 2020 của toàn tỉnh là 1.253 ha. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, diện tích bơ toàn tỉnh vào khoảng 2.600 ha (bao gồm cả diện tích trồng tập trung và diện tích trồng xen canh), vượt  khoảng 1.300 ha so với quy hoạch đến năm 2020. Câu hỏi đặt ra là với tiềm năng, lợi thế về cây bơ, trong một vài năm tới, Đắk Nông nên duy trì quy mô về tổng diện tích loại cây này ở mức nào là phù hợp?.

Một thực tế đang diễn ra là hiện nay, diện tích bơ trên địa bàn tỉnh chủ yếu người dân  trồng tự phát, kiểm nghiệm qua thực tiễn chứ chưa có một công trình khoa học nghiên cứu bài bản về chủng loại, vùng, tiểu vùng và cả diện tích phù hợp với nhu cầu phân khúc của từng thị trường, thời điểm. Chính vì vậy, khả năng làm chủ về giá của quả bơ chưa cao. Các chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng Đắk Nông nên cẩn trọng về quy mô diện tích cây bơ bằng những khuyến cáo mang tính tin cậy để nông dân không mở rộng diện tích một cách ồ ạt, phong trào, dẫn đến thiếu tính bền vững.

Tập trung khâu giống và quản lý kỹ thuật

Song song với sự phát triển mạnh về diện tích thì việc nông dân trồng bơ còn theo kiểu tự phát trong những năm qua cũng bộc lộ nhiều vấn đề về giống và kỹ thuật. Theo ông Vũ Văn Thủy, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) thì giống bơ của gia đình trồng chủ yếu mua của người bà con, mới trồng dễ chết, bệnh thối thân, thối quả, rụng quả kể cả lúc nhỏ và lớn làm gia đình chịu thiệt hại khá lớn.

ADQuảng cáo

Còn bà Võ Hạnh Vinh, thôn 8, xã Đắk Ha (Đắk Glong) cho biết: Gia đình hiện có 12 ha bơ booth nhưng vài năm gần đây quả ít, nhất là trong năm 2018 này. Nguyên nhân là do lúc cây ra hoa gặp mưa trái mùa, gia đình cũng chưa biết cách để bảo vệ cây,  hoa trước những tác động của thời tiết nên hầu như thu không đủ bù chi. Không chỉ gia đình ông Thủy, bà Vinh, nhiều nông dân trồng bơ trên địa bàn tỉnh đang gặp những rủi ro do nguồn giống chưa qua kiểm định thực tiễn, chưa nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc nên ảnh hưởng đến kinh tế vườn cây.

Điều này cũng đã được ông Nguyễn Quang Khải, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp - PTNT) cho biết: Theo kết quả điều tra của đơn vị, trong năm 2017, toàn tỉnh có 231 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Đặc điểm chung là các loại giống chủ yếu hoạt động theo mùa vụ nên khó quản lý về chất lượng, nguồn gốc. Số cơ sở có giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh còn ít với tỷ lệ 40/231 cơ sở. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngành chức năng khó kiểm soát về chất lượng sản phẩm cây giống nói chung và giống bơ nói riêng. Việc nông dân mua giống chất lượng kém là điều đương nhiên. Và từ đó, nhiều vườn cây sẽ nảy sinh sâu bệnh hại, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, thực tế, hoạt động tập huấn, xây dựng mô hình quản lý dịch hại trên cây bơ những năm qua vẫn chưa được cơ quan chuyên môn triển khai nhiều. Vì vậy, việc hình thành những cơ sở sản xuất giống bơ tin cậy, tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong trồng và chăm sóc cây bơ là việc Đắk Nông cần làm trước tiên để làm chủ về chất lượng, sản lượng đầu ra của sản phẩm tiềm năng này.

Liên kết là xu hướng bắt buộc

Thực tiễn nông dân sản xuất bơ của tỉnh hiện nay còn tự phát, nhỏ lẻ nên chưa tạo ra lượng hàng hóa lớn, sản phẩm đồng đều về chất lượng. Vì thế sản phẩm bơ của tỉnh khó đáp ứng các nhu cầu về tiêu thụ trong hệ thống các chợ đầu mối nông sản, siêu thị và xuất khẩu. Do đang thiếu yếu tố liên kết nên việc tiêu thụ bơ hằng năm chủ yếu qua tư thương nên dễ bị ép giá.

Trước những khởi động của tỉnh qua Chương trình “Đắk Nông - Mùa bơ chín” năm 2018 cho thấy xu hướng liên kết đang là vấn đề tất yếu để bảo đảm tính bền vững cho sản phẩm bơ Đắk Nông. Tiến sỹ Trương Hồng, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: Nông dân liên kết hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sẽ dễ dàng có được sự đồng bộ về áp dụng chế độ bón phân, tưới nước, quản lý sâu bệnh hại, chất lượng, mẫu mã sản phẩm đồng đều... Các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP… cũng sẽ thuận lợi khi thực hiện ở quy mô lớn, tập trung với những chủng loại nhất định. Liên kết theo vùng cũng đang là yêu cầu để truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý gắn với thương hiệu quốc tế.

Cũng đồng quan điểm này, ông Vũ Tuấn Hoàng, Phó Giám đốc Công ty  cổ phần SAM nông nghiệp công nghệ cao (SAM Agritech) cho biết: "Nếu nông dân tạo được vùng nguyên liệu ổn định thì doanh nghiệp cũng mạnh dạn xây dựng các nhà xưởng, đầu tư máy móc chế biến sản phẩm từ quả bơ tươi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm".

Còn tiến sĩ Emmet McElhatton, chuyên gia cây ăn quả đến từ Newzealand cũng khẳng định: Đất nước chúng tôi đã có truyền thống về xuất khẩu quả bơ. Qua sự liên kết, chúng tôi có thể giúp đỡ các bạn bảo vệ tốt những giá trị của đất đai trong điều kiện biến đổi khí hậu- yếu tố làm nên tính đặc trưng riêng kết tinh trong sản phẩm quả bơ của tỉnh. Tuy nhiên, để làm được điều này là cả một quá trình với sự quyết tâm, quyết liệt, có quy trình khoa học phù hợp với thực tiễn…

Có thể nói, qua hội thảo Phát triển bơ bền vững đã giúp Đắk Nông nhìn nhận được những vấn đề căn cơ trước mắt cũng như lâu dài về phát triển cây bơ. Đây là tiền đề để các bên gồm nông dân, nhà doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học cùng bắt tay hợp tác, đưa cây bơ trở thành cây xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nông dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận diện rõ hơn những tồn tại, thách thức để phát triển cây bơ bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO