Nhãn lồng Hưng Yên trĩu quả trên đất Thuận Hạnh

Đức Hùng| 10/08/2021 09:06

Cây nhãn lồng Hưng Yên tỏ ra rất phù hợp với vùng đất Thuận Hạnh (Đắk Song). Do đó, nhiều bà con nơi đây đã mạnh dạn phát triển loại cây trồng này để tạo nguồn thu nhập mới.

ADQuảng cáo

Chỉ còn vài tuần nữa là 400 cây nhãn lồng Hưng Yên của gia đình ông Nguyễn Đình Lắp, ở thôn Thuận Nghĩa, xã Thuận Hạnh cho thu hoạch.

Vườn nhãn của ông Lắp (áo đỏ) bắt đầu vào vụ thu hoạch

Ông Lắp dự kiến, năm nay thu về khoảng 30 tấn nhãn. Dù đang xảy ra dịch bệnh Covid-19, tiêu thụ các loại nông sản khó khăn, nhưng thương lái vẫn đến tận vườn của ông hỏi mua nhãn.

"Thương lái ra giá 20.000 đồng/kg nhãn tươi. Nếu bán với giá này, mùa nhãn năm nay gia đình tôi dự kiến thu về tầm 600 triệu đồng chưa trừ chi phí", ông Lắp cho biết.

Theo ông Lắp, vụ nhãn năm nay được mùa, có những cây thu khoảng 1 tạ quả. Ngoài thời tiết thuận lợi, kinh nghiệm sau hơn 6 năm chăm sóc nhãn đã giúp ông tạo ra năng suất, chất lượng tốt hơn.

Ông Lắp cho biết, năm 2002, gia đình ông từ Hưng Yên vào xã Thuận Hạnh lập nghiệp. Sau khi mua đất, ông học hỏi người dân trên địa bàn trồng cây ngắn ngày, cà phê, hồ tiêu để phát triển kinh tế.

Năm 2015, ông mang một số cây nhãn từ quê hương Hưng Yên vào trồng trong vườn. Cây nhãn nhanh chóng tỏ ra phù hợp với khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng ở Thuận Hạnh.

Sau một thời gian, những cây nhãn mà ông trồng đều phát triển tốt, cho nhiều quả. "Đó là cơ sở để tôi mạnh dạn mang giống nhãn từ quê vào trồng với quy mô lớn", ông Lắp chia sẻ.

ADQuảng cáo

Vụ mùa năm nay, vườn nhãn của ông Lắp dự kiến đạt 30 tấn quả, doanh thu 600 triệu

Gia đình ông Lắp có truyền thống trồng nhãn ở Hưng Yên, nên ông nắm khá rõ các khâu kỹ thuật chăm sóc loại cây này. Theo kinh nghiệm của ông Lắp, khí hậu ở Đắk Song rất phù hợp với cây nhãn. Vườn nhãn của ông phát triển mạnh, ít sâu bệnh, tỷ lệ ra hoa, đậu quả đạt cao, quả đẹp và ngọt.

Thế nhưng, để nhãn ra hoa, đậu quả nhiều, cần nắm vững kỹ thuật gây ức chế sinh trưởng. Hằng năm phải cắt vỏ 1 vòng quanh thân nhãn để kích ứng cho cây ra hoa đồng loạt. Việc kích ứng này đòi hỏi phải khéo léo, đúng kỹ thuật và không làm tổn thương cây.

Ngoài ra, vào mùa nhãn đậu quả thường bị dơi tấn công, nên cần sử dụng các công cụ để bẫy, đuổi dơi. Một trong những lợi thế lớn nhất của cây nhãn là không cần tưới nước nhiều.

Vào giai đoạn mùa khô ở Đắk Nông cũng là thời gian cây nhãn cần phải "cắt" nước theo chu kỳ sinh trưởng. Do đó, người trồng nhãn không phải lo đến việc chống hạn cho nhãn, đồng thời giảm chi phí đầu tư.
Nhãn có thể cho neo quả trên cây khoảng 1 tháng, nên giúp người dân có thêm sự lựa chọn thời điểm tiêu thụ phù hợp. Quan trọng hơn, nguồn cung nhãn ở thị trường trong tỉnh và các tỉnh phía Nam còn ít, nên dễ tiêu thụ.

Hiện nay, gia đình ông Lắp đã trồng 1.000 cây nhãn trên 3 ha đất, trong đó có 400 cây trồng từ năm 2015 và đang cho thu hoạch chính. Ông Lắp áp dụng quy trình chăm sóc nhãn theo hướng hữu cơ, sinh học, nên chi phí đầu tư khoảng 20 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài ông Lắp, tại xã Thuận Hạnh đã có nhiều hộ dân khác trồng nhãn lồng Hưng Yên, với tổng diện tích khoảng 15 ha. Ông Lắp đang liên kết với các hộ dân để mở rộng diện tích trồng nhãn, tạo vùng nguyên liệu, bảo đảm đầu ra ổn định, lâu dài.

Với kinh nghiệm vốn có, ông Lắp đã hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc nhãn cho nhiều bà con trên địa bàn. Ông cũng giúp người dân tìm nguồn giống nhãn chất lượng tốt để trồng...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhãn lồng Hưng Yên trĩu quả trên đất Thuận Hạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO