Nhiều doanh nghiệp chọn thương mại, dịch vụ để khởi nghiệp

Lương Nguyên| 27/09/2018 09:37

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển chung trên các lĩnh vực, khu vực thương mại, dịch vụ đang cho thấy sự phát triển nhanh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Nắm bắt xu thế này, nhiều người đã lựa chọn khu vực thương mại, dịch vụ để khởi nghiệp và bước đầu gặt hái thành công.

ADQuảng cáo

Nhiều mô hình hoạt động hiệu quả

Đi vào hoạt động từ đầu năm 2016, đến nay, Công ty TNHH Ô tô Xe máy Ánh Dương, thị trấn Đức An (Đắk Song) đã trở thành địa chỉ tin cậy đối với người tiêu dùng trên địa bàn. Hiện tại, bình quân mỗi tháng, đơn vị bán ra thị trường trên 60 sản phẩm xe máy, mang về doanh thu trên 2 tỷ đồng.

Nhân viên Công ty TNHH Ô tô Xe máy Ánh Dương (Đắk Song) tư vấn khách hàng lựa chọn sản phẩm

Theo ông Nguyễn Quốc Vượng, Quản lý Trưởng Công ty TNHH Ô tô Xe máy Ánh Dương thì bước vào khởi nghiệp, nhà nước đã hỗ trợ tích cực về mặt thủ tục thuế, tiền thuê đất, mặt bằng nhưng khó khăn lớn nhất mà đơn vị phải đối mặt đó là tìm kiếm khách hàng. Bởi trước đó, qua tìm hiểu thực tế của công ty, hầu hết người dân tại địa bàn thường mua xe tại các cửa hàng lớn ở thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) hoặc ở huyện Đắk Mil. Trước khó khăn đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên công ty đã xuống từng địa bàn phát tờ rơi, quảng cáo để người dân biết đến doanh nghiệp. Để tạo uy tín khách hàng, trong quá trình bán sản phẩm, công ty đã tư vấn và có chế độ chăm sóc, nhằm giúp khách hàng lựa chọn được những sản phẩm ưng ý nhất.

“Hiện nay, cùng với việc xuất bán ra thị trường các loại xe gắn máy, chúng tôi còn mở rộng thêm nhiều dịch vụ khác để tăng doanh thu. Các dịch vụ như tư vấn bảo hiểm xe; chăm sóc, sửa chữa xe gắn máy bằng những phụ tùng chính hãng… đã, đang được đơn vị triển khai. Đi cùng với những dịch vụ này, đội ngũ cán bộ, nhân viên luôn nhiệt tình, chu đáo để cung cấp đến cho khách hàng những sản phẩm ưng ý nhất”.

Cũng chọn lĩnh vực thương mại, dịch vụ để khởi nghiệp, doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ Thương mại Hoàng Phát, ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) đã bước đầu có doanh thu, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Bắt đầu hoạt động từ tháng 6/2017, lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp lựa chọn đó là chuyên sỉ, lẻ các loại bánh kẹo, nước giải khát.

Chị Lê Hoàng Nguyên, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ Thương mại Hoàng Phát chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống là buôn bán tạp hóa nhỏ. Để thành lập một doanh nghiệp chuyên sỉ, lẻ các loại hàng hóa như hiện nay là ước mơ từ lâu của bản thân. Bởi theo quan niệm của tôi, ngoài việc nỗ lực kiếm thêm lợi nhuận, tôi mong muốn có thể giúp một số bạn trẻ có công ăn việc làm và thu nhập”.

ADQuảng cáo

Có lẽ xuất phát từ ý tưởng này, cộng với sự chịu khó nên những khó khăn ban đầu như chọn đầu mối lấy hàng, thành lập hệ thống phân phối ở các xã, thị trấn đã từng bước được doanh nghiệp giải quyết. Hiện tại, bình quân mỗi tháng, doanh nghiệp xuất ra thị trường hơn 200 đơn hàng, doanh thu lên đến hàng trăm triệu đồng. Không những có doanh thu ổn định, đơn vị còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 lao động, với mức thu nhập ổn định hơn 4 triệu đồng/tháng.

Không chỉ hai doanh nghiệp trên, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đang ghi nhận sự mở rộng về hệ thống các kênh phân phối hàng hóa từ hệ thống siêu thị đến các cửa hàng, đại lý cấp I, cấp II... với những ý tưởng đầu tư mang tính khả thi cao. Chưa kể, đáp ứng yêu cầu phát triển, nhiều doanh nghiệp trẻ đã lựa chọn khu vực thương mại để khởi sự ý tưởng như kinh doanh ngành hàng giải khát, ăn uống, bán hàng qua mạng...

Khách hàng lựa chọn sản phẩm cà phê sạch tại Công ty TNHH MTV Cà phê Ba Zan Đắk Nông

Hỗ trợ từ ngành chức năng

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để giúp cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ nói riêng, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ. Hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan huy động các nguồn lực để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho các dự án quan trọng. Việc tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu ở một số địa bàn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động; đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng được các địa phương triển khai.

Ngoài ra, nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đơn vị phối hợp với các ngân hàng thương mại tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, qua đó giới thiệu các gói cho vay đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, cũng như từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhiều chính sách thuộc các lĩnh vực về thuế, thị trường… cũng được các đơn vị liên quan tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp. Nhờ đó, bước đầu tỉnh đã tạo được bước đệm, giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, cùng với việc hỗ trợ kịp thời các chính sách tiền đề, để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhằm bảo đảm môi trường đầu tư, phát triển thương mại dịch vụ công bằng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2016 đến hết tháng 9/2018, toàn tỉnh có 1.246 doanh nghiệp đựợc thành lập mới, với tổng vốn đăng ký trên 7.800 tỷ đồng; trong đó, lĩnh vực thương mại, dịch vụ có trên 590 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ hơn 48% trong tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều doanh nghiệp chọn thương mại, dịch vụ để khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO