Nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất

Lê Dung| 30/05/2017 10:30

Theo Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ (Sở KH&CN) thì hoạt động ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu KH&CN của tỉnh Đắk Nông đã và đang từng bước gắn với thực tiễn. Nhiều kết quả nghiên cứu được áp dụng, nhân rộng vào thực tế và đạt hiệu quả cao về giá trị kinh tế, xã hội.

ADQuảng cáo

Nông dân xã Thuận An (Đắk Mil) chăm sóc vườn cà phê ghép bằng giống cà phê dây

Ở lĩnh vực trồng trọt, trong giai đoạn 2010-2015, từ nhiệm vụ “Chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống cà chua ghép và xây dựng mô hình trồng cà chua ghép tại tỉnh Đắk Nông”, ngành KH&CN đã cung cấp cho nông dân trong toàn tỉnh gần 32.000 cây giống cà chua ghép cũng như về mặt kỹ thuật. Cũng trong khoảng thời gian này, các cơ quan chuyên môn đã cung cấp hơn 8.200 cây giống sa nhân tím, được đưa vào trồng thử nghiệm tại huyện Đắk Song và Đắk R’lấp.

Ngoài ra, ngành KKH&CN lựa chọn 3 giống khoai môn có triển vọng tại huyện Đắk Mil và nhân giống 1.700 bịch nuôi cấy mô cây lan gấm, trồng thử nghiệm 9.600 cây giống lan gấm… phục vụ nhu cầu sản xuất giống mới, hiệu quả kinh tế cao của người dân. Ở lĩnh vực chăn nuôi, đến nay, ngành KH&CN triển khai xây dựng được 10 mô hình nuôi ong tiên tiến, với quy mô 400 đàn ong Ý tại các xã thuộc huyện Đắk Mil.

Hoạt động công nghệ sinh học của tỉnh thời gian qua đạt được nhiều kết quả khích lệ. Nhiều địa phương đã tiếp nhận các chủng vi sinh vật và làm chủ được các quy trình công nghệ sản xuất vi sinh vật đa chức năng. Hoạt động này thuộc Dự án nông thôn miền núi, áp dụng công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật đa chức năng và phân bón hữu cơ vi sinh vật đa chức năng tại tỉnh Đắk Nông.

Dự án triển khai đã tạo ra các chế phẩm sinh học, phục vụ sản xuất nông nghiệp trong toàn tỉnh. Hay như Dự án Nông thôn miền núi xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học để canh tác ngô, lúa, cà phê bền vững tại huyện Chư Jút và Krông Nô đã giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững…

ADQuảng cáo

Hướng dẫn bà con xã Đắk Som (Đắk Glong) sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh vật đa chức năng

Ngành cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tiếp nhận quy trình công nghệ sản xuất giống Nấm linh chi đỏ và quy trình công nghệ sản xuất 2 giống hoa cúc thuộc nhiệm vụ “Ứng dụng công nghệ sản xuất giống nấm linh đỏ tại tỉnh Đắk Nông”.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp và chuyển giao công nghệ luôn được ngành đẩy mạnh thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân tại các địa phương. Trong đó, nhiều nội dung tập huấn bám sát nhu cầu thực tế, được ngành và các địa phương tập trung tổ chức như: Quy trình kỹ thuật sử dụng chế phẩm vi sinh vật đa chức năng; chuyển giao kỹ thuật khai thác mủ cao su cho đồng bào dân tộc thiểu số; chuyển giao kỹ thuật ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi tại Đắk Mil, Đắk Glong và Tuy Đức…

Ngoài những lớp tập huấn, các kết quả triển khai nghiên cứu còn được chuyển tải tới cán bộ, người dân trên địa bàn thông qua nhiều kênh khác như hội thảo chuyển giao công nghệ, thông tin truyền thông... giúp cho những tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày một nhân rộng…

Theo ông Lê Xuân Quả, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH&CN thì trong thời gian tới, ngành KH&CN sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư về tiềm lực và phát triển tổ chức KH&CN của tỉnh; đồng thời, nâng cao tính tự chủ của tổ chức này và khuyến khích các doanh nghiệp thành lập doanh nghiệp KH&CN. Ngành cũng sẽ chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật trình độ cao trong các doanh nghiệp và có giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp trích lợi nhuận trước thuế đầu tư cho KH&CN. Hoạt động cải cách hành chính tiếp tục được ngành tăng cường, nhằm tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận với nguồn vốn KH&CN...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO