Nhiều khó khăn trong bảo đảm an toàn hồ đập

Hồng Thoan| 02/08/2019 09:31

Bảo đảm an toàn hồ, đập là vấn đề được quan tâm chỉ đạo thời gian qua. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên công tác quản lý an toàn hồ, đập còn nhiều hạn chế và bất cập.

ADQuảng cáo

Nhiều công trình thủy lợi mất an toàn

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh đang có 237 công trình đập, hồ chứa và 25 đập dâng. Trong đó, hồ chứa lớn chỉ có 6 công trình, 139 công trình vừa, còn lại là công trình nhỏ. Hầu hết các đơn vị quản lý hồ đập hiện nay chưa thực hiện các nội dung quy định về an toàn hồ, đập.

Cụ thể, các đơn vị quản lý hồ, đập chưa kê khai, đăng ký an toàn đập, hồ chứa nước; chưa lắp đặt hệ thống giám sát, vận hành. 100% công trình hồ, đập chưa có thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập, vùng hạ du đập…

Công nhân Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông nâng cấp các công trình phòng, chống lũ vùng hạ du ở huyện Krông Nô

Từ năm 2011 -2017, toàn tỉnh đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp và làm mới được 63 công trình hồ, đập thủy lợi, với tổng vốn đầu tư 925,9 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương: 450,3 tỷ đồng; ngân sách tỉnh: 53,8 tỷ đồng, còn lại là vốn khác. Theo ông Lê Trung Kiên, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp - PTNT), toàn tỉnh đang có 174 công trình đập, hồ chứa nước bị xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn.

Thế nhưng hiện nay mới chỉ có 56 công trình được đưa vào các dự án đầu tư, nâng cấp. Còn lại 118 công trình chưa có nguồn kinh phí để sửa chữa nâng cấp và đang có nguy cơ mất an toàn rất cao. Cũng do thiếu kinh phí, nên các đơn vị quản lý hồ, đập đang gặp nhiều khó khăn trong việc lập, xây dựng quy trình vận hành hồ chứa, lắp đặt các thiết bị quan trắc giám sát an toàn hồ, đập.

ADQuảng cáo

Siết chặt quản lý các hồ thủy điện

Toàn tỉnh hiện có 21 công trình hồ thủy điện của 15 chủ đầu tư. Những năm qua, cơ quan chức năng cũng đã có sự theo dõi, giám sát, đôn đốc các chủ đầu tư thủy điện triển khai các hoạt động về bảo đảm an toàn hồ đập. Các đơn vị đã có sự đầu tư về hệ thống thiết bị để theo dõi dòng chảy, rò rỉ từ thân đập; thống kê, nghiên cứu cụ thể các yếu tố mất an toàn. Đến nay đã có 15/15 hồ thủy điện được lắp đặt cột thủy trí để quan trắc thủy văn tại các vị trí như cửa nhận nước, cửa xả lũ, cửa xả tại nhà máy. 14/15 nhà máy thủy điện có sổ nhật ký vận hành theo dõi đầy đủ các thông số thủy văn theo quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt…

Công trình hồ Sadaco ở xã Quảng Tín (Đắk R'lấp) bị xuống cấp nghiêm trọng

Tuy nhiên, Theo Sở Công thương, hiện nay vẫn còn nhiều nội dung về bảo đảm an toàn hồ đập chưa được các nhà máy thủy điện thực hiện tốt. Đó là các nội dung về quy trình vận hành hồ chứa, phương án bảo vệ đập, phòng chống lũ lụt vùng hạ du. Một số nhà máy thủy điện chưa có hệ thống camera theo dõi, quan trắc thông số thủy văn lưu vực hồ chứa. Cột thủy trí quan trắc thủy văn tại nhiều hồ thủy điện hiện nay đã mờ, khó nhận biết thông số kỹ thuật. Nhiều đơn vị thủy điện không thực hiện công tác quản lý, sửa chữa mốc giới, phạm vi bảo vệ đập thủy điện. Việc cắm mốc vùng phụ cận đập, vùng không được xâm phạm đập chưa được các nhà máy thủy điện làm đúng quy định. Có những đơn vị chưa lập phương án phòng, chống lũ lụt; không tập kết, chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng cho hoạt động phòng, chống lụt bão…

Để siết chặt tình trạng nói trên, mới đây, Sở Công thương đã tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính đối với 3 đơn vị chủ đập thủy điện có hành vi vi phạm về lĩnh vực an toàn đập ở mức nghiêm trọng, với số tiền tổng cộng 108 triệu đồng. Sở Công thương cũng thực hiện việc nhắc nhở, kiểm tra, theo dõi hoạt động khắc phục của các chủ công trình thủy điện.

Tập trung nâng cấp, sửa chữa công trình cấp bách

Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT

Trước thực tế nhiều công trình bị hư hỏng, xuống cấp, ngành Nông nghiệp tỉnh đang triển khai giải pháp là huy động tối đa nguồn lực từ các chương trình, dự án để tập trung sửa chữa, nâng cấp các công trình, hạng mục cấp bách, mất an toàn cao để không xảy ra sự cố gây hậu quả lớn. Cụ thể như các công trình ở hồ Cư Pu, Đắk Diêr (Cư Jút), công trình hồ Đắk R'la, hồ Nông trường Thuận An (Đắk Mil)... Sở cũng chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng các phương án bảo vệ đập, vùng hạ du, phòng chống lụt bão sát với tình hình thực tế.

***

Tăng cường theo dõi, quản lý đập trong mùa mưa lũ

Ông Trịnh Văn Tường, Giám đốc Công ty TNHH  MTV Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông

Trong mùa mưa lũ, tại mỗi công trình thủy lợi mà đơn vị quản lý đều bố trí nhân viên, lao động thường xuyên theo dõi, quản lý đập. Cùng với nhiệm vụ nắm tình hình, dự báo tốt các tình huống thì nhân viên này có trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương, đồng thời triển khai các kế hoạch, phương án cụ thể.

***

Nhanh chóng lập bản đồ ngập lụt vùng hạ du

Ông Trương Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương

Theo Nghị định 114/2018/NĐ-CP, ngày 4/9/2018 của Chính phủ về Quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, hiện ngành Công thương, chủ đập đang gặp khó trong việc triển khai điều 27 của Nghị định. Điều 27 quy định về lập bản đồ ngập lụt vùng hạ du. Bản đồ ngập lụt là bản đồ thể hiện phạm vi và mức độ ngập của vùng hạ du đập khi hồ xả nước theo quy trình, xả lũ trong tình huống khẩn cấp hoặc vỡ đập. Trong đó, vùng hạ du đập bị ảnh hưởng ngập lụt của nhiều đập trên địa bàn một tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng, phê duyệt bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập và chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước có liên quan xây dựng phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên hiện nay, nhiệm vụ này chưa biết sẽ giao cho ngành Nông nghiệp - PTNT, hay ngành Công thương chủ trì. Bởi theo quy định, bản đồ ngập lụt vùng hạ du đập phải được xây dựng, phê duyệt chậm nhất sau 3 năm kể từ ngày Nghị định ban hành. Với khối lượng công việc lớn nếu không quyết liệt triển khai khó đạt hiệu quả cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều khó khăn trong bảo đảm an toàn hồ đập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO