Nhiều nông dân xã Nhân Cơ áp dụng hiệu quả tưới nước tiết kiệm

Văn Tâm| 01/04/2019 09:19

Nhận thấy việc tưới tràn theo cách truyền thống không bảo đảm cho cây trồng, nhiều hộ dân xã Nhân Cơ (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) đã áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm để mang lại hiệu quả sử dụng nguồn nước một cách hợp lý, bền vững hơn.

ADQuảng cáo

Theo các hộ dân nơi đây, kỹ thuật sử dụng béc mi ni phun sương và tưới nhỏ giọt bằng công nghệ Israel trên các diện tích cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, mít… đã được bà con trong xã áp dụng được từ nhiều năm nay. Qua kiểm chứng từ thực tế sản xuất, cách làm này đã phát huy tốt hiệu quả sản xuất, giúp giảm nhân công lao động, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, tăng thu nhập cho bà con.

Việc sử dụng béc tưới mi ni đã giúp ông Đoàn Hùng Thịnh ở thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) dễ dàng điều tiết cho vườn sầu riêng ra hoa, đậu quả đúng quy trình

Vườn sầu riêng trồng xen trong diện tích cà phê của ông Đoàn Hùng Thịnh ở thôn 8, xã Nhân Cơ, tuy đang trong đợt cao điểm nắng nóng nhưng những cây sầu riêng vẫn tươi tốt, nở hoa đồng loạt. Theo ông Thịnh thì trên địa bàn xã có hàng ngàn ha cà phê, cây ăn trái sử dụng nước từ các khe, suối. Mỗi đợt tưới, bà con tập trung máy móc bơm hút đồng loạt nên nguồn nước cạn kiệt sớm. Không những vậy, bà con lại sử dụng cách tưới tràn nên tốn nhiều công lao động, không khống chế được lượng nước tưới, dư nước, gây lãng phí, thất thoát nước nhiều. Do đó, ông Thịnh cùng một số hộ trồng cà phê, cây ăn trái trên địa bàn đã tìm hiểu cách lắp đặt hệ thống béc tưới mi ni từ tài liệu và thực tế từ các địa phương về áp dụng tại vườn nhà. Hệ thống tưới này sử dụng toàn bộ bằng ống nhựa PE từ ống dẫn nước chính đến nhánh rẽ. Ống dẫn nước đi theo hàng và tại mỗi gốc cây được gắn một béc mi ni có chiều cao khoảng 1 m.

Ông Thịnh cho biết: “Tiền đầu tư cho mỗi ha cây cà phê, ăn trái chi phí hết khoảng 20 – 25 triệu đồng. So với ống nước nhựa thì giá tiền cao hơn không nhiều, tuổi thọ ống FE chôn dưới đất lại có độ bền cao hơn”.

Cũng theo ông Thịnh, nếu tưới tràn, mỗi ha phải tưới hết 6 giờ, với 2 công lao động cầm ống tưới liên tục. Trong khi béc tưới mi ni thời gian tưới chỉ mất khoảng 2 giờ và chỉ cần một người đi vận hành các khóa mở nước cho khu vực muốn tưới. Loại béc này tiết kiệm được nước nhờ đầu phun nhỏ, áp lực nước đồng loạt, khi mặt đất thấm đều, đạt độ ẩm thì có thể chủ động ngưng tưới.

ADQuảng cáo

Còn gia đình ông Nguyễn Quốc Khánh cũng ở thôn 8, xã Nhân Cơ, trồng trên 3,6 ha cây ăn trái, trong đó, có 200 cây  sầu riêng, 600 mít Thái, 150 cây mít không hạt, 50 cây  bơ 034… mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. Hơn 2 năm qua, để vườn cây mang lại hiệu quả, ông Khánh đã đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm bằng béc tưới mi ni nên vườn cây cho năng suất, chất lượng hơn hẳn các năm trước.

Ông Khánh cho biết: “Từ khi sử dụng béc tưới mi ni đã giúp gia đình tôi thuận lợi hơn rất nhiều trong việc bố trí công việc làm ăn. Qua thời gian áp dụng biện pháp tưới này đã giúp tôi tiết kiệm được nước, tiết kiệm được sức lao động và đạt hiệu quả cao hơn”.

Béc tưới mi ni được sử dụng tại gia đình ông Nguyễn Quốc Khánh ở thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp)

Thực tế cho thấy, sử dụng béc tưới ni mi cũng khá phù hợp với các hộ sử dụng máy nổ, điện bơm hút từ giếng, ao hồ tự đào, đồng thời bà con có thể tưới bất kỳ thời điểm nào theo quy trình chăm sóc của vườn cây chứ không vất vả chạy nước như tưới tràn. Ngoài các hộ trên, tại xã Nhân Cơ còn có nhiều hộ áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm như hộ ông Lê Văn Quang ở thôn 12, trồng trên 200 cây trồng sầu riêng; hộ ông Hồ Văn Giang thôn 12, trồng xen hơn 500 cây sầu riêng trên diện tích 14 ha cà phê, hồ tiêu; hộ ông Lê Văn Lân ở thôn 8...

Với vai trò là khuyến nông viên của xã, ông Đoàn Hùng Thịnh cho rằng muốn thực hiện biện pháp tưới tiết kiệm nước hiệu quả, trước hết nông dân phải áp dụng đồng bộ các biện pháp, quy trình trong sản xuất. Trong đó, việc sử dụng béc mi ni, tưới nhỏ giọt mới chỉ là một công đoạn trong khâu tiết kiệm nước. Cái mấu chốt là bà con làm sao cải tạo, bổ sung được nguồn hữu cơ sau nhiều năm canh tác để giữ được độ ẩm cho đất. Đây là biện pháp canh tác quan trọng, quyết định đến lượng nước cung cấp và chu kỳ tưới cho cây kéo dài hay rút ngắn lại.

Mặt khác, rễ cây sau nhiều năm có xu hướng ăn lên nhưng mặt đất không có thảm thực vật, cây che bóng, đất thoái hóa do canh tác hóa học, có tưới nhiều nước vào đó nó cũng bị bốc hơi hoặc rút hết vào lòng đất, làm cho bề mặt mau khô, cây nhanh thiếu nước. Do đó, ngoài đầu tư các biện pháp kỹ thuật tưới tiết kiệm nước, nông dân cần chú trọng các bước nâng cao hiệu quả sử dụng đất thông qua việc tạo độ mùn, trồng cây che bóng cho cây trồng một cách hợp lý.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều nông dân xã Nhân Cơ áp dụng hiệu quả tưới nước tiết kiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO