Nhiều ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp có tính sáng tạo, khả thi cao

Thanh Nga| 24/07/2019 10:03

Mới đây, lần thứ 2 Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Đắk Nông tổ chức Cuộc thi “Phụ nữ với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2019 và nhiều ý tưởng được đánh giá có tính sáng tạo, khả thi cao; hướng đến mục tiêu tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương và hướng tới chế biến, xuất khẩu sản phẩm.

ADQuảng cáo

Tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động

Cuộc thi “Phụ nữ với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2019 thu hút 40 ý tưởng khởi nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, chăn nuôi, kinh doanh. Qua 4 vòng thi, 10 ý tưởng xuất sắc nhất của chị em đến từ các cơ sở hội, công ty, hợp tác xã, tổ hợp tác được chọn vào vòng chung kết.

Sản phẩm của các chị tham gia đề án khởi nghiệp của các địa phương giới thiệu tại Cuộc thi "Phụ nữ với ý tưởng khởi nghiệp" năm 2019

Đáng chú ý, các ý tưởng khởi nghiệp đều hướng đến mục tiêu tạo việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương. Trong đó, ý tưởng của nhóm trồng dâu nuôi tằm ở xã Quảng Hòa (Đắk Glong) vừa góp phần giúp địa phương chuyển đổi sản xuất vừa tạo việc làm cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Chị Nguyễn Thị Ngoan, Nhóm trưởng nhóm trồng dâu nuôi tằm xã Quảng Hòa cho biết: “Ở xã, đa số các hộ dân trồng lúa nhưng do biến đổi khí hậu nên năng suất kém. Tuy nhiên, xã Quảng Hòa giáp tỉnh Lâm Đồng có nghề trồng dâu nuôi tằm nên chúng tôi đã học hỏi và áp dụng vào thực tế. Hiện nay, nhóm đã thu hút 26 hộ tham gia, trong đó 25 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa nước sang trồng dâu, nuôi tằm. Trồng dâu nuôi tằm giải quyết được việc làm nhàn rỗi cho người dân và hàng tháng mỗi hộ thu nhập từ 5-7 triệu đồng, có hộ thu nhập trên 10  triệu đồng”

Chị Lê Thị Thu Chuyên, xã Đắk Ha (Đắk Glong)  với ý tưởng thành lập và phát triển Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp tổng hợp Đắk Ha đã giành giải nhất cuộc thi. Chị Chuyên chia sẻ: “Sản xuất nông nghiệp là nguồn thu nhập chính của nông dân trên địa bàn xã. Vì vậy, việc thành lập HTX sẽ thu hút được đông đảo nông dân tham gia cùng sản xuất các sản phẩm đồng đều về chất lượng, thuận lợi về đầu ra. Bên cạnh đó, HTX sẽ giúp nông dân liên kết trong sản xuất và hưởng lợi từ các dịch vụ đầu vào, đầu ra để tăng thu nhập. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX hướng tới bền vững và tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên”.

Chiến lược sản xuất, kinh doanh thuyết phục

ADQuảng cáo

Các ý tưởng lọt vào vòng chung kết đa dạng ở nhiều lĩnh vực nhưng đều hướng tới sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tốt để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của thị trường, người tiêu dùng.

Điển hình, HTX Nông nghiệp an toàn Hòa Hưng, ở thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) tập hợp 15 chị em đang trồng 20 ha rau xanh, cây ăn trái theo các tiêu chuẩn VietGAP và đang hướng tới sản xuất hữu cơ. Hiện nay, HTX đã xây dựng được thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Chị Nguyễn Thị Minh Khai, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp an toàn Hòa Hưng chia sẻ: “Giá trị sản phẩm của chúng tôi là sản xuất theo chuỗi từ đầu vào đến tiêu dùng. HTX mới thành lập 1 năm nhưng sản phẩm đã cung cấp cho 40 bếp ăn, trường học bán trú và 30 nhà hàng ở Krông Nô. Ngoài ra, chúng tôi còn mở 1 sạp hàng bán tại chợ huyện cung cấp sản phẩm cho tất cả người tiêu dùng trên địa bàn huyện. Thời gian tới, HTX tiếp tục thu hút thêm thành viên và mở rộng quy mô sản xuất cũng như áp dụng khoa học mới vào sản xuất với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm”.

Nhiều ý tưởng của các chị đã hướng tới chế biến, xuất khẩu sản phẩm, góp phần xây dựng thương hiệu cho nông sản Đắk Nông.

Chị Trần Thị Dịu (bên phải), Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại và dịch vụ An Phát (Gia Nghĩa) giới thiệu sản phẩm mắc ca

Chị Trần Thị Dịu, Giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại và dịch vụ An Phát (Gia Nghĩa), Đắk Nông cho biết: “Tôi đến với sản phẩm mắc ca từ năm 2014, với mục đích cung cấp thêm các loại đặc sản của tỉnh Đắk Nông. Với đam mê kinh doanh và nắm bắt cơ hội, tôi tìm hiểu kỹ lưỡng hơn về mắc ca và thành lập công ty, bắt tay vào chế biến, đóng gói, đưa sản phẩm cung ứng rộng rãi, được thị trường chấp nhận, tiêu thụ mạnh. Chiến lược sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là hướng tới đưa sản phẩm mắc ca vươn ra thị trường thế giới. Để làm được điều này, trước tiên tôi muốn đưa sản phẩm của mình xâm nhập toàn bộ thị trường trong nước, sau đó đưa ra chiến lược maketting kỹ càng hơn. Tôi dự định thông qua các kênh xuất khẩu nông sản hoặc bên thứ 3 làm trung gian có nhiều kinh nghiệm lâu năm để đưa sản phẩm mắc ca Đắk Nông ra nước ngoài”.

Cuộc thi “Phụ nữ với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2019 tiếp tục phát hiện, khơi dậy tinh thần, sự sáng tạo của phụ nữ và thông qua đó, các ngành, các cấp tiếp tục quan tâm, có các hoạt động hỗ trợ giúp chị em thực hiện ý tưởng khởi sự, khởi nghiệp thành công.

Bà Hà Thị Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh-Trưởng Ban tổ chức cuộc thi đánh giá: Qua cuộc thi, chúng tôi thấy chị em đã thể hiện ý tưởng, niềm đam mê và đã phần nào thực hiện ý tưởng của mình để khởi nghiệp. Chúng tôi mong muốn qua ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ, các doanh nghiệp, ngân hàng có thể lựa chọn, tạo điều kiện cho chị em tiếp cận vay vốn để khởi nghiệp thành công.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp có tính sáng tạo, khả thi cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO