Những cánh đồng vàng no ấm

Văn Tâm| 01/09/2017 11:00

Trong những ngày cuối tháng Tám, chúng tôi có dịp về lại những vùng đất cách mạng, thăm những làng quê đang từng ngày đổi thay, bắt gặp những cánh đồng vàng trải rộng hút tầm mắt như minh chứng cho sự no ấm của người dân.

ADQuảng cáo

Thu hoạch lúa theo mô hình VietGAP tại cánh đồng xã Buôn Choáh (Krông Nô). Ảnh tư liệu

Những năm trước đây, nhiều gia đình người M’nông, Ê đê, Mạ  sinh sống ở vùng căn cứ cách mạng như Khu căn cứ cách mạng B4 – Liên tỉnh IV Nâm Nung hay Di tích lịch sử N’Trang Gưh, xã Buôn Choáh (Krông Nô), xã Đắk R’tíh (Tuy Đức)... việc trồng lúa chủ yếu chỉ để đáp ứng nhu cầu lương thực hàng ngày. Nhưng giờ đây, bà con đã chuyển sang sản xuất lúa hàng hóa. Thậm chí có nơi như ở xã Buôn Choáh, người dân đang bắt tay vào xây dựng thương hiệu lúa gạo, giá trị thu nhập có thể so sánh với cây công nghiệp như cà phê, điều...

Ở xã Đắk R’tíh, trên cánh đồng rộng hàng chục ha nằm gọn giữa trung tâm xã, vào những ngày mùa, không khí hối hả của thợ gặt ra đồng, xe cộ vận chuyển lúa về, làm cho khung cảnh làng quê thêm rộn ràng, tươi mới.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Đắk R’tíh cho biết: Những năm qua, Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ người dân trong xã phát triển cây lúa, nhất là các mô hình khuyến nông hỗ trợ giống mới, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Từ đó nông dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không còn cảnh thiếu đói, từng bước tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Gia đình ông Điểu Hùng, ở bon R’Muôn trồng trên 3 sào lúa cho biết: Được các cán bộ của khuyến nông của huyện, tỉnh... về tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn từ khâu làm đất đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh... Vì thế, công việc gieo sạ, chăm sóc lúa đối với tôi không còn bỡ ngỡ như trước đây nữa.

Còn gia đình bà Thị B’rơi cũng có 2 sào ruộng lúa. Bằng biện pháp gieo sạ tiết kiệm giống theo quy trình “3 giảm, 3 tăng” (ICM), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nên ruộng lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Bà Thị B’rơi vui mừng cho hay: “Nhờ áp dụng đúng quy trình sản xuất tiên tiến nên ruộng lúa của gia đình tôi đạt trên 8,5 tạ/sào, cao hơn so với mọi năm từ 4 – 5 tạ/sào”.

Cán bộ Dự án Giảm nghèo Tây Nguyên tỉnh Đắk Nông kiểm tra mô hình sản xuất lúa tại xã Đắk R'tíh (Tuy Đức)

ADQuảng cáo

Còn tại huyện Krông Nô, những năm qua, địa phương không chỉ quan tâm về năng suất, chất lượng mà còn hình thành vùng chuyên sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 1.270/5.000 ha. Trong đó, xã Buôn Choáh 500 ha, xã Nâm N’đir 300 ha, xã Nam Đà 150 ha, xã Đức Xuyên 100 ha…

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện, trong thời gian qua, huyện đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp giúp nông dân sản xuất lúa theo hướng hàng hóa. Huyện đã tuyển chọn một số loại giống thông qua các mô hình trình diễn, với các chủng loại giống lúa chất lượng như giống RVT, VS1 và một số giống chịu hạn đưa vào bộ giống chủ lực để nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân. Đến nay huyện Krông Nô đã triển khai mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong quá trình triển khai, phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Krông Nô đã tổ chức các lớp tập huấn giúp nông dân tiếp cận các quy trình chăm sóc, thực hiện các biện pháp IPM, ICM trong chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch.

Bà Chu Thị Mười, tổ viên Tổ sản xuất lúa VietGAP xã Buôn Choáh cho biết: “Chúng tôi là người sản xuất lúa VietGAP. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình mà cán bộ kỹ thuật hướng dẫn. Đây không chỉ là nỗ lực của riêng bản thân tôi mà còn là nguyện vọng của 27 hộ dân trên “cánh đồng mẫu lớn” trong việc xây dựng thương hiệu lúa gạo xã Buôn Choáh và của cả huyện Krông Nô”.

Nhờ áp dụng đúng các quy trình trong sản xuất, hiện nay sản phẩm lúa gạo Krông Nô đươc xem là sản phẩm đặc sản, với ưu điểm thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng đã và đang được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Nông dân xã Đắk R’tíh thu hoạch lúa

Theo ông Nguyễn Văn Hòe, chủ một cơ sở xay xát gạo ở thôn K62, xã Đắk D’rô thì từ năm 2010, khi sản phẩm lúa gạo Buôn Choáh chưa ai biết đến, ông đã đầu tư cơ sở xay xát gạo Buôn Choáh để bán ra thị trường. Nhờ đặc điểm thơm ngon, dẻo và giàu chất dinh dưỡng, giờ đây sản phẩm gạo Buôn Choáh đã và đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Bình quân mỗi ngày, cơ sở của gia đình ông cung ứng ra thị trường 5-6 tấn gạo. Ngoài cung ứng ra thị trường trong huyện, trong tỉnh, gia đình anh Hòe còn bán ra thị trường các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, thành phố Hồ Chí Minh… với số lượng khá lớn.

Trước yêu cầu của thực tế, hiện nay, huyện Krông Nô đã triển khai đề án Xây dựng, quản lý, phát triển nhãn hiệu lúa gạo với mục đích khẳng định và nâng cao giá trị sản phẩm gạo, từng bước xây dựng thương hiệu lúa gạo Krông Nô vươn ra các thị trường xa hơn. Và đồng nghĩa với việc các địa phương tiếp tục biến những thửa ruộng trở thành những cánh đồng vàng mang lại no đủ cho bà con nông dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những cánh đồng vàng no ấm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO