Những doanh nghiệp khởi nghiệp từ sản phẩm cà phê “sạch”

Nguyễn Lương - Lê Dung| 22/03/2017 09:32

Từ việc liên kết với nông dân để chủ động nguồn nguyên liệu, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã và đang tập trung chuyển hướng kinh doanh bằng việc chế biến ra sản phẩm cà phê nguyên chất, phục vụ thị hiếu người tiêu dùng. Đây đang được xem là hướng đi mới, góp phần “nâng tầm” giá trị cho sản phẩm cà phê trong thời kỳ hội nhập.

ADQuảng cáo

Đón đầu nhu cầu người tiêu dùng

Bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2015, đến nay, sản phẩm cà phê của Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông (Gia Nghĩa) đã tạo dựng được “tên tuổi” trên thị trường. Hiện tại, không chỉ khách hàng trong tỉnh, mà ở nhiều tỉnh, thành khác trong nước đã tìm đến mua, thưởng thức sản phẩm.

Quá trình rang, xay sản phẩm cà phê của Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông được thực hiện kỹ lưỡng. Ảnh: Nguyễn Lương

“Nâng cao giá trị sản phẩm cà phê nhưng không làm mất đi hương vị tự nhiên vốn có của nó - Đó là phương châm mà chúng tôi luôn hướng đến trong quá trình sản xuất, chế biến cà phê. Do vậy, từ khâu lựa chọn nguyên liệu, chế biến, đến đóng gói sản phẩm luôn được đơn vị thực hiện kỹ lưỡng”- Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông chia sẻ.

Được biết, thời gian đầu đi vào sản xuất, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Ngoài nguồn nguyên liệu “khiêm tốn” thì máy móc, thiết bị phục vụ cho việc chế biến cà phê “sạch” cũng là vấn đề lớn đối với một doanh nghiệp vừa mới khởi nghiệp.

Tuy nhiên, với quyết tâm xây dựng một sản phẩm cà phê mới, đón đầu yêu cầu người tiêu dùng, doanh nghiệp đã từng bước vượt qua những “rào cản”. Trước hết, với nguồn nguyên liệu, đích thân các thành viên trong công ty đến từng nhà dân để thu mua cà phê chín, chất lượng tốt. Quá trình sàng lọc, phơi, sấy, rang, xay… cũng được đơn vị thực hiện khá nghiêm ngặt.

Để “thử sức” cho sản phẩm cà phê nguyên chất mới “ra lò”, đơn vị đã mở một vài quán cà phê trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa. Phương án kinh doanh này cũng đã giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận được một lượng khách hàng tiêu thụ sản phẩm cà phê nguyên chất không nhỏ. Bên cạnh đó, đơn vị đã lên ý tưởng và bắt tay hợp tác với một số cá nhân, đơn vị để tham gia vào quá trình tìm kiếm nguyên liệu, chế biến và phát triển thị trường.

Ông Hoàng cho biết thêm: “Hiện tại, công ty đang phát triển thị phần ở thành phố Hồ Chí Minh nên mỗi tháng cung cấp liên tục từ 4-5 tạ cà phê bột. Ngoài ra, đơn vị cũng đang thử nghiệm phân phối và quảng bá sản phẩm ở một số tỉnh, thành khác như: Bình Dương, Đồng Nai…”.

ADQuảng cáo

Hiện tại, bình quân mỗi tháng, đơn vị đưa ra thị trường từ 2 đến 3 tấn cà phê bột, với doanh thu đạt được hàng trăm triệu đồng. Với mong muốn mở rộng thị trường tiêu thụ, trong năm 2017, đơn vị đang tập trung sản phẩm cho các tỉnh khu vực miền Tây Nam bộ, khu vực phía Bắc…

Tương tự, cùng với việc đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, Công ty TNHH MTV Hoàng Phát (Ðắk Mil) cũng đã chú trọng tới việc xây dựng hình ảnh cho sản phẩm cà phê bột của mình. Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, đến nay, sản phẩm cà phê bột mang nhãn hiệu “Hoàng Gia Phát” của doanh nghiệp đã có mặt ở trên 20 tỉnh, thành trong cả nước.

Bà Trương Thị Thanh Lam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Phát chia sẻ: Xuất phát từ một doanh nghiệp nhỏ, nhưng với phương châm “chậm mà chắc”, chúng tôi từng bước giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. Ban đầu, với số lượng ít, sản xuất bằng phương pháp thủ công nên sản phẩm cà phê nguyên chất khá “kén” người tiêu dùng. Dần dần, đơn vị đầu tư khá nhiều chi phí cho việc lắp đặt các thiết bị, máy móc như lò rang, máy xay, máy đóng gói… Nhờ đó, sản phẩm được chế biến bài bản, nhãn mác nhã nhặn, hiện đại nên nhiều khách hàng thưởng thức xong rồi “nghiện” đến bây giờ. Hiện tại, mỗi tháng, đơn vị sản xuất được gần 3 tấn sản phẩm cung cấp ra thị trường. Doanh thu mang về cho đơn vị gần  3,6 tỷ đồng/năm; đóng góp cho ngân sách gần 50 triệu đồng/năm. Năm 2017, doanh nghiệp đang phối hợp với một doanh nghiệp ở Hà Nội để trực tiếp chế biến, cung ứng 1 tấn sản phẩm cà phê “sạch” trong 1 tháng phục vụ cho khách du lịch trong và ngoài nước. Đây cũng là “kênh” tiếp thị mới giúp sản phẩm của doanh nghiệp từng bước tiếp cận thị trường xuất khẩu trong thời gian tới…

Hỗ trợ phát triển sản phẩm

Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có trên 10 doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất sản phẩm cà phê bột. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp đều hoạt động ở quy mô vừa và nhỏ. Sản phẩm làm ra phục vụ chủ yếu cho thị trường trong nước. Để giúp các cơ sở đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, thời gian qua, ngành Công thương của tỉnh đã có chương trình hỗ trợ cụ thể.

Theo đó, thông qua nguồn quỹ khuyến công, từ năm 2011-2016, toàn tỉnh đã có 3 đơn vị được tham gia các đề án hỗ trợ ứng dụng các máy móc, thiết bị tiên tiến vào trong quá trình sản xuất, với tổng kinh phí thực hiện là hơn 1,6 tỷ đồng. Nhờ đó, các doanh nghiệp sản xuất cà phê đã được đổi mới công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa nâng cao rõ rệt. Đặc biệt, chi phí chế biến của nhiều doanh nghiệp được giảm đáng kể, sản phẩm cà phê sau chế biến đẹp, có độ khô đồng đều, chất lượng khi tham gia xuất khẩu tăng cao. Cùng với hỗ trợ thiết bị, công nghệ, hoạt động xúc tiến thương mại cũng đã được ngành Công thương quan tâm.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Lên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) thì trong năm 2016, để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, đơn vị đã tổ chức được 3 đoàn tham gia chương trình kết nối giao thương ở các tỉnh phía Nam; đồng thời, tham gia 2 chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hoạt động đó đã giúp doanh nghiệp tiếp cận, thăm dò được nhiều hơn với các thị trường mới. Trong đó, riêng ở các tỉnh miền Tây, sản phẩm cà phê của tỉnh Đắk Nông được người tiêu dùng đánh giá rất cao và bán khá chạy. Đây cũng được xem là mẫu sản phẩm “chuẩn” giúp họ so sánh và phân biệt với các sản phẩm cà phê trôi nổi trên thị trường. Sau các hội chợ, phiên chợ, nhiều hợp đồng kết nối giao thương giữa doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông và tỉnh bạn đã được ký kết.

Trong năm 2017, song song với hoạt động giao thương, kết nối thị trường, ngành sẽ tập trung cho việc mở các lớp tập huấn đào tạo khả năng bán hàng cho doanh nghiệp. Đây cũng là một nội dung mới, nhằm trang bị thêm các kỹ năng về chiến lược quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho các doanh nghiệp cà phê nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh nói chung trên thị trường trong nước và thế giới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những doanh nghiệp khởi nghiệp từ sản phẩm cà phê “sạch”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO