Những hạn chế khi triển khai OCOP

Nguyễn Lương| 20/08/2021 09:45

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem là cú huých để nâng tầm nông sản địa phương. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, những "rào cản" đã khiến Chương trình này chưa đạt được kết quả như mong muốn.

ADQuảng cáo

Khó tìm sản phẩm đặc trưng

Xã Đắk D’rô (Krông Nô) là địa phương có nhiều ưu thế về phát triển nông nghiệp. Trên địa bàn, nông dân sản xuất theo hướng đa cây, đa con rất phong phú. Thế nhưng, địa phương vẫn chưa thể tìm được sản phẩm chủ lực để tham gia Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025.

Số lượng chủ thể là doanh nghiệp tham gia vào Chương trình OCOP còn hạn chế. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Theo ông Phạm Ngọc Thiệu, Chủ tịch UBND xã Đắk D’rô, lợi thế nông nghiệp rất lớn, nhưng toàn xã chưa có sản phẩm nào thực sự đặc sản. Hầu hết, nông dân đang sản xuất theo kiểu tự phát.

Trong quá trình nghiên cứu, địa phương chú ý đến một số sản phẩm như: rau hữu cơ, lúa, dưa lưới... Tuy nhiên, diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa phù hợp để tham gia OCOP.

“Mô hình nhỏ, nên để yêu cầu nông dân đầu tư vào máy móc, thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm là rất khó. Điều này lý giải vì sao chúng tôi vẫn chưa thể có sản phẩm tham gia OCOP của huyện”, ông Thiệu cho biết.

Một số xã khác cũng đang rơi vào tình trạng tương tự như Đắk R'rô, tức là chưa tìm ra được sản phẩm đặc trưng để tham gia OCOP.

Tại huyện Đắk Mil, đến nay mới có 4/9 xã, thị trấn tìm ra được sản phẩm đặc trưng. Tuy nhiên, kể cả những xã có sản phẩm, việc tham gia OCOP cũng là vấn đề nan giải.

Chẳng hạn, xã Đắk Gằn (Đắk Mil), với lợi thế về trồng nhiều giống xoài có chất lượng cao. Giai đoạn 2021-2025, xã đăng ký sản phẩm này tham gia Chương trình OCOP của huyện. Thế nhưng, vụ mùa vừa qua, giá xoài sụt giảm nghiêm trọng, nên xã chưa đủ điều kiện để tham gia.

Theo ông Lê Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn, toàn xã có khoảng 800 ha xoài. Sản lượng xoài trung bình đạt trên 14.000 tấn/năm. Vụ mùa năm vừa rồi, giá xoài giảm, nông dân lỗ nặng.

Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Thị trường tiêu thụ xoài cũng gặp khó khăn. Các nhà vườn tại đây vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.

“Một vài năm tới, giá cả ổn định thì không phải nói. Còn nếu giá xoài vẫn như vụ mùa vừa rồi thì khó khăn. Nếu còn như vậy, chúng tôi chưa biết tìm sản phẩm gì để thay thế”, ông Hà chia sẻ.

Còn nhiều hạn chế

Trong thực tế, chủ thể tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh hiện nay hầu hết là các hộ nông dân, hợp tác xã. Còn số lượng doanh nghiệp tham gia vào Chương trình chưa nhiều.

ADQuảng cáo

Tại huyện Krông Nô, giai đoạn 2021-2025, địa phương đưa vào 30 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Trong số này, có 17 hợp tác xã và 13 hộ dân đăng ký. Riêng doanh nghiệp không có đơn vị nào.

Theo ông Nguyễn Huy Phong, Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô, hạn chế của chủ thể tham gia OCOP vẫn là những mô hình sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Năng lực tài chính, định hướng kinh doanh là những vấn đề họ đang thiếu. Điều này lý giải vì sao các sản phẩm thường gặp rủi ro khi thị trường biến động.

Ông Phong cho biết: “Đặc thù sản xuất manh mún, sản phẩm có nhiều, nhưng chất lượng, cạnh tranh thấp. Do đó, để nâng tầm sản phẩm, nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP vẫn là vấn đề nan giải của địa phương”.

Nhiều xã vẫn đang loay hoay trong việc tìm sản phẩm chủ lực để tham gia OCOP. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Ngoài hạn chế của các chủ thể, nhiều địa phương vẫn chưa nhận thức đầy đủ về chương trình OCOP. Theo ông Cao Đức Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Mil, về mặt cơ chế, Chương trình OCOP đã tương đối tốt.

Tuy nhiên, sự phối hợp của các ngành trong quá trình triển khai OCOP vẫn có sự chệch choạc nhất định. Sự tham gia của các đoàn thể trong tuyên truyền, vận động các chủ thể tham gia Chương trình còn hạn chế.
“Nhiều cấp, ngành bây giờ cứ đinh ninh OCOP là nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp. Thậm chí, nhiều xã cứ thấy “ấn nút là chạy", chứ không hiểu rõ về chương trình OCOP là gì. Đây là một hạn chế lớn”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Vào cuộc quyết liệt hơn

Chương trình OCOP đã tạo “làn gió mới” cho các sản phẩm địa phương. Để Chương trình thực sự hiệu quả, sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp, ngành là yếu tố rất quan trọng.

Cũng theo ông Cao Đức Nguyên, trước hết, chủ thể cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn để nâng tầm sản phẩm tại các kỳ đánh giá OCOP.

Các cấp, ngành liên quan đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP. Sự kết nối sản phẩm OCOP của tỉnh với các sàn thương mại điện tử cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, với vai trò chủ lực, đơn vị tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ chủ thể giới thiệu sản phẩm thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Sở sẽ tổ chức đưa chủ thể OCOP tham gia hội chợ, hội nghị OCOP trong, ngoài tỉnh. Thông qua các hoạt động này, các chủ thể tham gia OCOP có cơ hội giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp lớn về thu mua, chế biến, tiêu thụ hàng hóa.

Ngoài nỗ lực của ngành Nông nghiệp, các cấp, ngành khác cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về Chương trình OCOP.

Trong giai đoạn 2018-2020, Đắk Nông có 36 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận OCOP hạng từ 3 - 4 sao. Đối với mục tiêu phát triển, công nhận sản phẩm OCOP, tỉnh đưa ra 6 nhóm sản phẩm, gồm: Thực phẩm; đồ  uống; thảo dược; vải, may mặc; đồ lưu niệm, nội thất, trang trí; nhóm du lịch, dịch vụ nông thôn, bán hàng. Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ phát triển thêm 40 sản phẩm OCOP có lợi thế khác.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những hạn chế khi triển khai OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO