Những trở ngại trong sản xuất hữu cơ

Hồng Thoan| 26/04/2022 09:15

Sản xuất hữu cơ là xu hướng tất yếu, mang tính bền vững. Tuy nhiên, ở Đắk Nông, việc triển khai, nhân rộng phương thức sản xuất này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

ADQuảng cáo

Nhiều năm nay, gia đình bà Trương Thị Đạm Tuyết, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) đã sản xuất các loại rau, củ theo quy trình hữu cơ. Bà tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về sản xuất sạch, an toàn.

Quá trình sản xuất rau, bà Tuyết không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, không dùng chất kích thích tăng trưởng. Thay vào đó, bà sử dụng các chế phẩm được làm từ rơm, rạ, bã đậu, phân bò, trái cây… để chăm sóc vườn rau.

Khi các loại rau, củ xuất hiện sâu bệnh hại, bà chủ yếu dùng các biện pháp thủ công, an toàn để phòng trừ. Vì thế, vườn rau của bà luôn bảo đảm an toàn thực phẩm, đạt chất lượng cao.

Khách hàng tìm đến với các sản phẩm rau của bà ngày càng nhiều. Bà cũng bán sản phẩm với giá cao hơn so với các loại rau được sản xuất thông thường.

Bà Trương Thị Đạm Tuyết (Gia Nghĩa) sản xuất rau củ theo hướng hữu cơ nhiều năm qua

Theo bà Tuyết, sản xuất hữu cơ mang lại rất nhiều lợi ích. Thế nhưng, phương thức sản xuất này cũng gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là người dân còn thiếu trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ.

Vì thế, người sản xuất hữu cơ phải mất nhiều chi phí đầu tư, công lao động hơn so với thông thường. Giá bán sản phẩm hữu cơ dù cao hơn giá thị trường, nhưng thực tế lợi nhuận có khi lại thấp hơn.

Cũng sản xuất 2 ha hồ tiêu theo các tiêu chuẩn hữu cơ, ông Phạm Ngọc, thôn 6, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) cho biết, đây là phương thức sản xuất tất yếu trong xu thế hiện nay.

Thế nhưng, cách sản xuất này còn nhiều thách thức. Trước hết là chi phí đầu tư, ngày công lao động phải bỏ ra nhiều, năng suất lại không cao. Trong khi đó, giá bán hồ tiêu hữu cơ thường chỉ cao gấp rưỡi so với hồ tiêu thông thường.

ADQuảng cáo

"Sản xuất hữu cơ còn nhiều "rào cản" khiến nhiều người còn e ngại theo đuổi quy trình này", ông Ngọc chia sẻ.

Sản xuất hữu cơ còn gặp nhiều "rào cản", khó nhân rộng

Theo ông Hồ Trọng Tín, Giám đốc HTX Tín True (Krông Nô), sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ tạo ra sản phẩm tốt, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn giúp duy trì sự đa dạng sinh học của môi trường sản xuất.

Thế nhưng, quy trình sản xuất này cũng đang khó triển khai, áp dụng trong thực tế. Có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là do người sản xuất thiếu chuyên môn, trang thiết bị, kỹ thuật; lợi nhuận đem lại cũng không nhiều.

Theo Sở NN - PTNT, những năm qua, sản xuất hữu cơ, thuận tự nhiên đã được người dân quan tâm. Ở một số địa phương, có nhiều hộ đã kiên trì bám trụ với phương thức sản xuất này.

Tuy nhiên, trên thực tế, sản xuất hữu cơ vẫn chiếm tỷ lệ rất ít so với tổng diện tích sản xuất của tỉnh. Cụ thể, Đắk Nông hiện chỉ có 21 cơ sở sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ, với diện tích 654,33 ha. Trong khi tổng diện tích cây hằng năm của tỉnh là trên 87.600 ha; cây lâu năm là trên 226.900 ha.

Tỉnh vẫn chưa hình thành được các vùng sản xuất hữu cơ tập trung, số lượng lớn. Quy mô sản xuất hữu cơ còn nhỏ lẻ, sản phẩm chưa để lại nhiều dấu ấn trên thị trường.

Cũng theo Sở NN-PTNT, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ đưa ra những giải pháp tích cực để thúc đẩy sản xuất hữu cơ. Ngoài tập trung tuyên truyền, ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ sản xuất hữu cơ.

Ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường chuyển giao kỹ thuật, phổ biến kiến thức sản xuất hữu cơ cho người dân. Việc sản xuất hữu cơ cũng được khuyến khích theo hướng tập trung, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những trở ngại trong sản xuất hữu cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO