Niềm vui mùa gặt ở Đắk R’tíh

Văn Tâm| 25/05/2017 09:41

Một ngày trung tuần tháng Năm, đến thăm cánh đồng bon R'Muôn, xã Đắk R'tíh (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) đang trong những ngày cao điểm của vụ thu hoạch lúa, chứng kiến tiếng nói cười râm ran cùng không khí hối hả, tất bật với công việc của bà con trên khắp cánh đồng.

ADQuảng cáo

Người dân bon R'Muôn, xã Đắk R'tíh (Tuy Đức) thu hoạch lúa

Anh Điểu Hùng, phó bon R’Muôn, Trưởng nhóm sản xuất lúa lai và kết hợp dinh dưỡng bon R'Muôn cho hay: Đây là lần đầu tiên bà con trong bon thực hiện hợp phần “Phát triển Sinh kế bền vững” của Dự án Giảm nghèo Tây Nguyên. Khi tham gia dự án, bà con được tập huấn, hướng dẫn từ khâu làm đất đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên cây lúa sinh trưởng, phát triển khá tốt. Vì vậy, vụ đông xuân này được đánh giá là vụ lúa được mùa cao nhất của nhiều năm trở lại đây.

Cũng như nhiều gia đình trong bon R’Muôn, gia đình bà Thị T’roi có 2 sào ruộng lúa. Khi được mọi người trong bon bình chọn để tham gia vào nhóm sản xuất lúa lai, bà Thị R’roi hết sức phấn khởi. Bởi vì, được sinh hoạt trong nhóm “đồng sở thích”, bà có cơ hội được đi tập huấn kỹ thuật, được trao đổi, học tập kinh nghiệm của các thành viên trong nhóm.

Bà Thị T’roi cho biết: Mấy vụ trước, bước vào vụ gieo cấy nào gia đình tôi cũng rất chú trọng công việc làm đất, chăm bón nhưng cây lúa mới bén rễ đã xuất hiện bệnh vàng lá, rồi sâu bệnh, ốc bươu vàng cắn phá làm ruộng lúa không phát triển được. Tôi cố hết sức bám đồng chăm sóc phòng bệnh nhưng vụ nào năng suất cũng chỉ đạt 4 – 5 tạ/sào.

Theo bà Thị T’roi thì với năng suất như vậy, số lương thực làm ra không đủ cho gia đình sử dụng đến vụ lúa hè thu kế tiếp. Còn vụ đông xuân này, khi chuẩn bị bước vào vụ sản xuất gia đình bà cùng 9 hộ tham gia “Tiểu hợp phần sản xuất lúa lai”  được Dự án tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách làm đất, xử lý mầm bệnh, triệt phá các ổ trú ẩn của  chuột, bọ, bươu vàng… nên giai đoạn đầu cây lúa sinh trưởng, phát triển rất tốt. Cứ như vậy, khi ruộng lúa đến giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng bà con lại được tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách bón phân, phun thuốc phòng bệnh, vì vậy, ruộng lúa phát triển không ngừng.

Bà Thị T’roi cho hay: “Nhờ áp dụng đúng quy trình sản xuất nên ruộng lúa của gia đình tôi đạt trên 8,5 tạ/sào, cao hơn so với mọi năm từ 4 – 5 tạ/sào đấy”.

ADQuảng cáo

Cán bộ Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Đắk Nông thẩm định năng suất lúa của bon R’Muôn, xã Đắk R’tíh

Gia đình ông Điểu Luân ở Ja Lú cũng có 2 sào lúa nước, như mọi năm thì lúa gặt về chỉ phơi trên vài tấm bạt nhỏ trên sân. Vậy mà vụ đông xuân này năng suất lúa của gia đình ông đạt “kỷ lục” là 1 tấn/sào.

Đứng bên thửa ruộng sắp sửa gặt, anh Điểu Nhắc ở bon Bu Dâng phấn khởi: “Chưa năm nào chuyện gặt lúa được bà con bàn tán như năm nay. Việc nhà nào cũng đạt trên 8 tạ/sào đã vui rồi, vậy mà có hộ còn đạt cả 1 tấn/sào bảo sao mọi người không quan tâm. Ruộng lúa của gia đình tôi cũng sắp gặt, thấy năng suất lúa của nhiều người trúng mùa nên tôi cũng nôn nóng lắm. Nhìn bông lúa chắc mẫm trên ruộng, tôi tin tưởng vụ này nhà mình cũng được mùa”.

Đi qua những ruộng lúa đang gặt, thửa ruộng nào cũng đông đảo những người nông dân tham gia thu hoạch lúa. Qua tìm hiểu, vụ này, bà con không phải thuê nhân công gặt mà đa số họ là những người trong “nhóm đồng sở thích” tự trao đổi công, giúp nhau thu hoạch lúa. Do vậy, không khí lao động hết sức sôi nổi, vui vẻ và hiệu quả.

Việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, giúp năng suất lúa của người dân xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) đạt trên 8,5 tạ/sào

Chị Nguyễn Thị Thùy Trinh, hướng dẫn viên cộng đồng (CF), hỗ trợ xã Đắk R'tíh cho biết, Đắk R’tíh là xã có diện tích trồng lúa nước khá lớn, nhưng hiện nay do khuôn khổ của dự án hạn hẹp nên năm 2016 mới triển khai được 10 tiểu dự án sản xuất lúa lai và kết hợp dinh dưỡng cho 100 hộ, với diện tích hơn 20 ha. Dự án hỗ trợ toàn bộ từ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để bà con phát triển cây lúa, với tổng kinh phí là 400 triệu đồng. Có thể nói, từ kết quả bước đầu của vụ đông xuân này, hy vọng những vụ sau số hộ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa của xã Đắk R’tíh sẽ được nhân rộng.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Đắk R’tíh cho rằng, những năm qua, Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ người dân trong xã phát triển cây lúa. Từ đó mở ra hướng phát triển kinh tế giúp bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo, tăng thu nhập gia đình, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, các cấp, ngành, đơn vị khi triển khai các gói hỗ trợ cần nghiên cứu thật kỹ các phương án, giải pháp đầu tư nhằm tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Niềm vui mùa gặt ở Đắk R’tíh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO