Nỗ lực giảm nghèo

Hoài An (t.h)| 25/04/2018 10:44

Trong thời gian qua, việc triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương về công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có nhiều diễn biến tích cực. Qua đó, bà con được tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập.

ADQuảng cáo

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thôn 6, xã Đắk R’măng (Đắk Glong) được Dự án Giảm nghèo Tây Nguyên hỗ trợ giống lúa, phân bón, tập huấn kỹ thuật để cải thiện sinh kế

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, để có cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, ngày 10/1/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 40/QĐ-UBND công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017. Theo đó, tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 25.144 hộ, với 112.150 nhân khẩu, chiếm 16,57% dân số.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,63% so với năm 2016, trong đó: Hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ năm 2017 là 6.383 hộ, giảm 9,34% so với năm 2016. Như vậy, kết quả giảm nghèo năm 2017 vượt khá xa chỉ tiêu mà Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra là phấn đấu giảm 2% hộ nghèo, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm 4% trở lên so với năm trước, tạo nên một năm với dấu ấn giảm nghèo đậm nét so với các năm trước đó.

Để có kết quả đó, ngoài việc thực hiện tốt cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đặc thù như: Hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2016 -2020; chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2016 - 2020. Đặc biệt, tỉnh cũng rất quan tâm đến công tác giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ với các chính sách hỗ trợ lãi suất cải thiện nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, hỗ trợ lãi suất phát triển sản xuất, bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo...

Năm 2017, tỉnh đã huy động được gần 70 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác nhau để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Cụ thể, các chương trình, dự án thuộc Chương trình 135 như: Dự án hỗ trợ cơ sở hạ tầng đã thực hiện 36 công trình, trong đó,  trường học là 16 công trình, nước sạch 2 công trình, nhà sinh hoạt cộng đồng  51 công trình, 3 sân bóng đá. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã giải ngân trên 10,4 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Các chính sách hỗ trợ về nhà ở, y tế, tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, chính sách giảm nghèo đặc thù… được thực hiện đạt nhiều kết quả.

ADQuảng cáo

Công trình tiêu nước trên cánh đồng xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô được xây dựng từ nguồn vốn lồng ghép

Để triển khai hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững, tỉnh đã có nhiều biện pháp để huy động nguồn lực từ nhiều kênh khác nhau. Cụ thể, dùng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp để “làm mồi” thu hút các nguồn lực khác cùng tham gia đầu tư các hạng mục công trình theo kế hoạch đưa ra. Trong đó, đặc biệt  là huy động vốn tài trợ của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, huy động từ con em xa quê, sự đóng góp của người dân bằng ngày công, tiền mặt, hiến đất…

Đồng thời, tỉnh cũng thực hiện chủ trương khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để tạo việc làm cho lao động nông thôn, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương cũng đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn khác nhau để đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong đó, nổi bật nhất là việc lồng ghép giữa các chương trình ODA, NGO và các chương trình đầu tư khác của Trung ương, của tỉnh trên địa bàn.

Từ các nguồn đầu tư trên, đến nay, đời sống người dân từng bước được cải thiện, một số nhu cầu dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin được đáp ứng. Cùng với đó, điều kiện cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn đã được cải thiện, đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc lưu thông hàng hóa, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.

Năm 2018, tỉnh tiếp tục phấn đấu giảm 2% hộ nghèo trở lên, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3% và hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ giảm 4% trở lên theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều; 100% hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập được hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm để tăng thu nhập; hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ để từng bước cải thiện và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nước sạch…

Khái niệm giảm nghèo đa chiều được Liên Hợp Quốc đề cập chính thức trong tuyên bố vào tháng 6/2008. Theo đó, nghèo được đo lường không chỉ bằng nhóm tiêu chí thu nhập mà bằng cả nhóm tiêu chí “phi thu nhập” bao gồm khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường và thông tin. Cho đến nay, đã có trên 32 nước tiếp cận phương pháp nghèo đa chiều thay cho phương pháp tiếp cận nghèo đơn chiều. Phương pháp tiếp cận giảm nghèo đa chiều là cuộc đổi thay lớn trong quan điểm về công tác giảm nghèo.

Đối với Việt Nam, khái niệm nghèo đa chiều được đề cập chính thức trong đường lối, chủ trương của Đảng từ năm 2013 tại Nghị quyết số 15-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Nghị quyết này đã đề ra nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, chú trọng đến việc làm, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội cho những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc ít người, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập và một số dịch vụ xã hội cơ bản như khám chữa bệnh, học hành, nhà ở, nước sạch, thông tin, truyền thông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO