Nỗi đau "Cây tỷ phú"

Nhóm P.V Kinh tế| 23/08/2019 10:41

Từng được ví von là "cây tỷ phú", nhưng vài năm trở lại đây hồ tiêu đã không đem lại sự sung túc cho người trồng, mà thay vào đó là nỗi đau buồn cay đắng vì giá cả xuống thấp; hàng ngàn ha hồ tiêu trên địa bàn tỉnh chết do dịch bệnh, khiến cho nhiều hộ nông dân rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần hoặc phá sản...

ADQuảng cáo

Đầu tư tiền tỷ rồi... sạt nghiệp

Chỉ sau hai tháng mùa mưa, hơn 2 ha hồ tiêu của gia đình chị Nguyễn Thị Oanh, ở xã Quảng Tâm (Tuy Đức) đã chết gần như hoàn toàn. Theo chị Oanh, vườn tiêu là nguồn thu nhập chính của cả gia đình nhiều năm qua. Để phát triển được hơn 2 ha hồ tiêu, gia đình chị đã đầu tư hơn 1,4  tỷ đồng, cùng với bao mồ hôi công sức. Nay vườn tiêu chết trắng, coi như mọi chuyện đều đổ ra sông, ra biển. Cay đắng hơn, gia đình phải "gánh" khoản nợ ngân hàng 600 triệu đồng và giờ đây không biết lấy đâu để hoàn trả. Hiện nay, gia đình chị đang phải cật lực đi làm thuê để lấy tiền trả lãi cho ngân hàng và duy trì khoản nợ.

Lãnh đạo địa phương đến tìm hiểu tình hình tiêu chết tại gia đình chị Nguyễn Thị Oanh, xã Quảng Tâm

"Đó chỉ là giải pháp tạm thời. Tới đây, khi đến thời gian đáo hạn ngân hàng, gia đình tôi chỉ còn cách đi "vay nóng" ở ngoài để đắp vào. Nếu trong trường hợp ngân hàng không cho đáo hạn, gia đình tôi chắc chắn sẽ lâm vào đường cùng, không còn cách nào để cứu vãn", chị Oanh buồn bã chia sẻ.

Tượng tự, gia đình anh Trần Văn Cảnh, ở xã Quảng Tâm, cũng phải bỏ xứ tha phương cầu thực vì vườn tiêu chết do bệnh. Vài năm về trước, do chạy theo phong trào trồng hồ tiêu ở địa phương, gia đình anh Cảnh dồn hết vốn liếng và vay thêm ngân hàng 400 triệu đồng để trồng 2 ha tiêu. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, 2 ha hồ tiêu của anh Cảnh đã bị nhiễm bệnh và chết hoàn toàn. Lâm vào cảnh trắng tay, cộng thêm khoản nợ ngân hàng 400 triệu đồng, cuộc sống của gia đình anh trở nên bi đát.

Anh Cảnh chua chát: Hiện nay, tôi phải cho đứa con lớn đang học lớp 11 nghỉ học giữa chừng để cùng bố mẹ xuống tỉnh Bình Phước làm phụ hồ để có tiền đóng lãi cho ngân hàng. Điều lo sợ nhất là không trả được nợ cho ngân hàng, toàn bộ nhà cửa, đất đai của gia đình tôi sẽ bị "siết nợ" và không biết bấu víu vào đâu để sống.

Người dân Tuy Đức cay đắng dọn dẹp cây hồ tiêu  bị chết trên trụ gỗ

ADQuảng cáo

Các đây 2 năm, gia đình chị Nguyễn Thị Đào, ở xã Nâm N’jang (Đắk Song) đã thế chấp ngân hàng 4 ha hồ tiêu cùng với nhà cửa, xe cộ để vay 2,5 tỷ đồng đầu tư phát triển 7 ha hồ tiêu. Đến đầu năm nay, vườn hồ tiêu của gia đình chị Đào bị nhiễm bệnh, chết không còn một cây. Hiện nay, khoản vay 2,5 tỷ đồng của chị Đào đã rơi vào khoản "nợ xấu", gia đình không còn khả năng trả nợ. Vừa qua, chị Đào đã ký bàn giao tài sản cho ngân hàng để chuẩn bị thanh lý, phát mại.

Chị Đào cho biết: Qua phân tích của cán bộ ngân hàng, tài sản của gia đình tôi bán không đủ để trả khoản nợ 2,5 tỷ đồng và lãi phát sinh. Do đó, gia đình tôi sẽ tiếp tục mắc nợ ngân hàng phần còn thiếu. Bàn giao tài sản cho ngân hàng, gia đình tôi mất trắng tất cả, không biết bám vào đâu để sống.

Nhiều người dân phải treo biển bán nhà, bán rẫy để cứu vãn tình hình nợ xấu ngân hàng sau khi vườn tiêu chết

Nông dân chịu tổn thất nặng nề

Qua tính toán của người dân, chi phí để phát triển 1 ha hồ tiêu vào tầm 500 triệu đồng, chưa kể tiền mua đất. Trong đó gồm các khoản đầu tư tốn kém như trụ 250 triệu đồng; giống 20 đồng; phân bón, múc hố, cải tạo đất, thuốc bảo vệ thực vật, công cán 230 triệu đồng. Như vậy, với gần 5.000 ha hồ tiêu bị chết, nông dân trên địa bàn tỉnh đã phải chịu thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, chưa kể tới các hệ lụy khác như nợ ngân hàng, phá sản, bị siết nợ...

Cụ thể, diện tích tiêu chết tại 3 huyện Đắk R’lấp, Đắk Song, Tuy Đức tổng cộng là 4.475 ha. Còn ở những huyện không phải trọng điểm về hồ tiều chịu thiệt hại ít hơn, như Cư Jút 250 ha;  Đắk Glong 81,29 ha; thị xã Gia Nghĩa 46,3 ha; Krông Nô trên 60 ha.

Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Nông, tính đến tháng 6/2019, dư nợ mà các ngân hàng đã cho vay đầu tư vào hồ tiêu trên địa bàn Đắk Nông là hơn 4.300 tỷ đồng. Có trên 21.000 khách hàng đã tham gia vay vốn, với diện tích hồ tiêu mà người dân đem ra thế chấp là hơn 26.000 ha. Hiện nay, rất nhiều khoản vay ngân hàng để đầu tư vào cây hồ tiêu đã trở thành "nợ xấu".

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức Đoàn Lê Anh cho biết, việc cây hồ tiêu bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt đã lặp đi lặp nhiều năm nay, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra phương án để đặc trị. Đối với người trồng hồ tiêu, giờ đây ranh giới giữa được và mất là hết sức mong manh. Đây cũng là cái kết đắng lòng của thực trạng chạy theo phong trào trong sản xuất nông nghiệp đã xảy ra trong nhiều năm qua...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi đau "Cây tỷ phú"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO