Nỗi lo cây tiêu chết ở Thuận An

Ngọc Dũng| 23/02/2017 09:34

Những tháng gần đây, tại xã Thuận An (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) xảy ra tình trạng tiêu chết hàng loạt, gây lo lắng và thiệt hại về kinh tế đối với nhiều gia đình.

ADQuảng cáo

Điển hình như gia đình anh Phạm Hữu Đức ở thôn Đức An đến thời điểm này đã bị chết 220/2.000 trụ tiêu hiện có. Theo anh Đức thì anh phát hiện ra hiện tượng tiêu chết cách đây gần hai tháng. Khi mới xuất hiện, các trụ tiêu có hiện tượng thối gốc, vàng lá, rụng đốt và khoảng một tháng sau thì chết.

Nhìn trụ tiêu khô lá, rụng trái ngổn ngang dưới gốc, anh Đức lo lắng: “Ngày nào vườn tiêu của gia đình cũng có 2-3 trụ chết. Khi phát hiện tiêu có hiện tượng chết dần, gia đình cũng đã tìm mọi cách để cứu chữa như rải vôi, xịt thuốc, nhưng cũng không thể hạn chế được sự lây lan nhanh.

Tương tự, vườn tiêu của ông Lê Trường Tân ở cùng thôn cũng bị chết khoảng 200 trụ đã cho thu hoạch từ 2-5 năm và 100 trụ vừa mới trồng. Theo ông Tân, tiêu thường chết theo từng đám và khu vực, có thể là do lây lan. Năm nay, gia đình ông dự kiến thu khoảng 4 tấn nhân, nhưng với mức độ tiêu chết nhiều và nhanh như hiện nay thì năng suất dự kiến sụt giảm xuống chỉ còn khoảng một nửa so với dự kiến. Với giá thị trường hiện nay, vườn tiêu của ông bị thiệt hại khoảng trên 200 triệu đồng.

ADQuảng cáo

Vườn tiêu của ông Lê Trường Tân chết theo từng đám do lây lan

Ông Tân cho biết: “Gia đình đã bỏ rất nhiều công và chi phí cho vườn tiêu, nhưng với tình trạng tiêu chết như thế này không biết các vụ mùa sau sẽ như thế nào. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng, ngành nông nghiệp sẽ có cách thức nào đó để giúp bà con hạn chế tối đa những thiệt hại, hạn chế bệnh lây lan trong các vườn tiêu”.

Theo ông Phạm Thanh Trình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận An thì hiện nay toàn xã có 265 ha tiêu, gồm cả diện tích trồng thuần và trồng xen, tăng 100 ha so với năm 2015. Hiện tượng tiêu chết hàng năm vẫn xảy ra, nhưng năm nay số lượng tiêu chết nhiều hơn những năm trước đây. Đến thời điểm này, toàn xã có khoảng trên 3.000 trụ tiêu đã bị chết, bình quân mỗi hộ tiêu bị chết khoảng 100 - 200 trụ.

Theo như dấu hiệu ban đầu thì tiêu chết có thể là do bệnh chết nhanh, chết chậm. Với bệnh này thì hiện tại không có biện pháp cứu chữa. Vì vậy, xã chỉ mới hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp cách ly như đào rãnh để hạn chế lây lan. Đối với những trụ tiêu đã mang bệnh thì xử lý triệt để nhằm khử tuyến trùng như đào bỏ, rải vôi. Về lâu dài, xã cũng đang tăng cường khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích trồng tiêu, không lấy cây giống ở các vườn tiêu mang bệnh để tránh thiệt hại cho các vụ mùa tiếp theo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo cây tiêu chết ở Thuận An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO