Nỗi niềm với giống cây trồng (kỳ 3): Siết chặt khâu quản lý

Phan Tuấn| 30/07/2021 10:46

Hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng đang thiếu quy củ, công tác quản lý chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả. Do đó, việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý lĩnh vực này là nhiệm vụ quan trọng, mang lại hiệu quả lâu dài cho ngành nông nghiệp.

ADQuảng cáo

Còn yếu nhiều khâu

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều hộ gia đình, cá nhân tự thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.

Nông dân cần trang bị thêm kiến thức về giống cây trồng để sàng lọc bớt rủi ro

Hầu hết các cơ sở này đều có quy mô nhỏ lẻ, không có hồ sơ pháp lý như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hợp chuẩn, hợp quy chứng nhận cây đầu dòng; vườn đầu dòng các loại giống; giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chất lượng cây giống...

Trong quá trình hoạt động, nhiều cơ sở chưa đăng ký danh mục sản xuất, không tiến hành kiểm định chất lượng giống cây trồng trước khi xuất ra thị trường. Mặt khác, nhiều cơ sở lén lút kinh doanh cây giống, không thông báo với ngành chức năng theo như quy định.

Theo Tiến sỹ Trần Vinh, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, các mặt hạn chế này đã gây khó khăn trong công tác đánh giá chất lượng cây giống, không loại bỏ được các cây có phẩm chất xấu, sâu bệnh.

Nhiều người dân chọn giống hồ tiêu Srilanka, amazon để trồng, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro

Vấn đề đáng lo ngại hơn, việc nhiều cơ sở kinh doanh cây giống không có nguồn gốc, chưa khảo nghiệm đã tạo ra môi trường sản xuất không lành mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người dân.

Còn theo anh Nguyễn Minh Thư, một chủ trang trại ở huyện Tuy Đức cho biết, nếu người dân mua giống cây trồng tại các cơ sở không có chứng từ, nguồn gốc xuất xứ thì sẽ gặp rất nhiều rủi ro về mặt chất lượng.

Thế nhưng, thực tế hiện nay, ngay cả những cơ sở kinh doanh giống cây trồng có đăng ký, được quản lý thì cũng rất khó để kiểm chứng về mặt chất lượng cây giống.

Bởi hầu hết các giống cây trồng chủ yếu được người dân nhập về từ các tỉnh khác nhau, thậm chí nhập từ nước ngoài về và cơ quan chức năng rất khó để quản lý, giám sát…

Nhiều cơ sở sản xuất, buôn bán cây giống hiện nay vẫn bán những dòng giống chưa được khảo nghiệm, đánh giá

Anh Thư phân tích: "Các giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chỉ là phần ngọn. Còn phần gốc là quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm thì chưa thể kiểm soát. Chỉ có cách đến tận nơi mới biết được".

Người dân trải qua nhiều năm đầu tư, chăm sóc cây trồng mới biết mình mua phải cây giống kém chất lượng. Khi đó, chỉ còn cách "ngậm bồ hòn làm ngọt", chấp nhận thiệt hại.

Thời gian qua, một số cơ sở kinh doanh cây giống khi bị kiểm tra thì không hợp tác, chủ cơ sở báo vắng, không xuất trình các giấy tờ liên quan… Một số cơ sở không có giấy phép kinh doanh, không xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc cây giống.

Người nông dân cần trang bị thêm kiến thức về giống cây trồng để sàng lọc bớt rủi ro

Chia sẻ về vấn đề quản lý cây giống cây trồng, ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, theo quy định, các cơ sở sản xuất cây giống tự chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Do đó, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, lực lượng làm công tác quản lý, kiểm tra giống cây trồng còn mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu.

ADQuảng cáo

Thời gian qua, việc kiểm tra về hoạt động sản xuất, kinh doanh cây giống chủ yếu dừng lại ở các cơ sở có đăng ký, nhưng với số lượng rất ít. Đối với các cơ sở buôn bán nhỏ lẻ, không có bảng, biển hiệu khi bị kiểm tra thường đối phó theo kiểu gia đình tự ươm để trồng chứ không buôn bán.

Về góc độ kiểm tra, đơn vị chỉ kiểm tra về mặt giấy tờ hàng hóa, đầu ra, đầu vào… chứ chưa thể đánh giá về mặt chất lượng. Bởi để đánh giá chất lượng phải về tận vườn giống đầu dòng, tận nơi sản xuất, phải lấy mẫu cây giống rồi phân tích, đánh giá…

Việc này trải qua rất nhiều thời gian, công đoạn. Kể cả việc các cơ sở bán giống trà trộn cây giống kém chất lượng thì cũng rất khó phân biệt và khâu xử lý càng khó hơn.

Đồ họa: N.T

Hoàn thiện hơn cơ chế, chính sách

Theo Tiến sĩ Trần Vinh, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, công tác quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng hiện nay còn thiếu khá nhiều yếu tố.

Nói cách khác, việc quản lý các hoạt động liên quan đến giống cây trồng còn chưa hiệu lực, hiệu quả. Lấy ví dụ, việc sản xuất, kinh doanh cây giống phải có các yếu tố như: Có vườn cây giống đầu dòng được công nhận; cây giống phải có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng; cơ sở sản xuất cây giống phải có giấy phép, có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật...

Thế nhưng, trên thực tế, ngoài các viện khoa học, trung tâm nghiên cứu giống, trên thị trường vẫn có rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng không tuân thủ các quy định này.

Thậm chí, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống kém chất lượng, cây giống ngoại lai chưa khảo nghiệm, thậm chí trà trộn cây giống giả để trục lợi...

Các ngành chức năng cần tăng cường các biện pháp quản lý cây giống, xây dựng lại chế tài xử phạt

Cũng theo Tiến sỹ Vinh, để quản lý tốt lĩnh vực giống cây trồng, trước hết, cần phải hoàn thiện hơn các cơ chế, chính sách, các quy định đối với tình hình mới hiện nay.

Các địa phương, ngành nông nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế mạnh dạn xây dựng, đề xuất, tham mưu các bộ quy tắc, quy định quản lý lĩnh vực này một cách hiệu quả.

Để từ đó, giúp Bộ Nông nghiệp và PTNT, Chính phủ bổ sung, hoàn thiện, ban hành các quy định về quản lý lĩnh vực giống cây trồng phù hợp, đồng thời tạo điều kiện cho ngành nghề này phát triển tốt hơn.

Còn trong tình hình hiện nay, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tổ chức sản xuất, kinh doanh cây giống. Những hành vi vi phạm cần phải xử lý nghiêm minh, tránh hậu quả lâu dài cho bà con nông dân.

Ngoài ra, các cấp, các ngành cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về giống cây trồng cho Nhân dân, giúp họ có thể tự nhận diện, phát hiện được giống tốt, giống xấu…

Ngành Nông nghiệp, các địa phương cần tạo cơ chế, khuyến khích phát triển những cơ sở kinh doanh, sản xuất cây giống được cấp phép, có uy tín, chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu cho Nhân dân.

Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, trước những thực tế đang diễn ra, cần có quy định phân cấp quản lý về hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng một cách rõ ràng.

Ngoài ra, cần phải nâng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, giống cây trồng để đủ sức răn đe, hạn chế các mặt tiêu cực.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi niềm với giống cây trồng (kỳ 3): Siết chặt khâu quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO