Nông dân cần cẩn trọng, tránh "sa lầy" với... sachi

Thanh Nga| 29/07/2019 10:41

Sachi là cây trồng mới xuất hiện ở Việt Nam, mấy năm trước, được nông dân ở các tỉnh phía Bắc trồng. Những năm gần đây, nông dân các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông đang trồng nhiều. Tuy nhiên, nông dân cần cẩn trọng với cây trồng mới này vì đến khi thu hoạch sản phẩm khó bán.

ADQuảng cáo

Bỏ bê không thu hoạch

Tháng 8/2018, gia đình bà Nguyễn Thị Bốn, ở thôn 8, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) vượt 200 km lên Đắk Lắk mua 3.000 cây giống sachi với giá 4.000 đồng/cây về trồng xen trong vườn cao su, tương đương 1,5 ha, với hy vọng sẽ giúp gia đình phát triển kinh tế. Thế nhưng, sau 1 năm trồng, cây sachi đã cho thu hoạch nhưng lại đang làm cho gia đình bà thất vọng.

Bà Nguyễn Thị Bốn, ở thôn 8, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) cho biết mặc dù tận dụng cây cao su để làm trụ cho sachi leo nhưng chi phí đầu tư gần 100 triệu đồng/ha

Bà Bốn chia sẻ: "Tôi xem trên internet thấy người ta bảo sachi là cây trồng mới và cho thu nhập cao, lên đến 150.000 đồng/kg quả khô. Cây sachi trồng không phải phun thuốc sâu, nhiều trái nhưng hiện tại giá quá rẻ nên không muốn chăm, không muốn hái, vì hái về bán rẻ không đủ tiền công. Hiện gia đình còn hơn 1 tấn quả trữ từ đầu năm đến nay chưa bán vì họ trả rẻ. Mới đây, một công ty ở Đắk Mil cũng xuống chốt giá nhưng trừ tiền đầu tư thì cũng hết nên bây giờ gia đình tôi không hái".

Cách đây 1 năm, ông Phạm Văn Khang, ở thôn 8, xã Đắk Búk So được Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ khảo sát, triển khai trồng thử nghiệm 1 ha sachi, nguồn giống từ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Nhân tiện, ông Khang mua giống trồng thêm 3 ha. Vốn là một nông dân sản xuất giỏi, nhận thấy sự bất ổn của cây sachi, ông Khang sớm bỏ 2 ha, mặc dù trước đó đã đầu tư hàng chục triệu đồng tiền giống, phân bón và thuê công chăm sóc. Với ông Khang, việc sớm bỏ, không chăm sóc 2 ha sachi là để không “lún sâu” vào thiệt hại.

Ông Khang cho biết: "Năm vừa rồi gia đình phải bỏ không chăm sóc 2 ha sachi trồng ở xã Trường Xuân (Đắk Song). Diện tích này tôi trồng trong mùa khô, cây chậm phát triển do thiếu nước. Tôi theo dõi và trao đổi kinh nghiệm với những nông dân trồng sachi thì thấy cây trồng này đòi hỏi lượng nước tưới phải nhiều, gấp 2-3 lần so với tưới cho cà phê. Vì chưa tin tưởng vào cây sachi nên tôi trồng xen cùng với cây sầu riêng. Thế nhưng, trong khi sầu riêng phát triển rất nhanh thì sachi lại không lên nổi. Mùa khô, sachi cần lượng nước nhiều, 2-3 ngày phải tưới một lần, tưới như tưới rau. Việc thu hoạch phải hái lai rai, rất mất công vì sachi không ra trái đồng loạt, mặc dù quả chính để 1 tháng mới hái cũng được nhưng rất mất thời gian".

Hiện nay, gia đình ông Khang chỉ còn lại 2 ha sachi được trồng tại Tuy Đức, trong đó có 1 ha do Hội Nông dân tỉnh chọn trồng thử nghiệm và đều phát triển tốt vì chủ động được nước tưới. Theo tính toán của ông Khang và những hộ trồng sachi, từ khi mua giống đến thu hoạch tổng chi phí hết khoảng 100 triệu đồng/ha, nếu không tận dụng vườn cao su thì còn tốn thêm vài chục triệu đồng làm trụ để cây bám. Ông Khang cũng cho biết, thời điểm ông trồng, sachi có giá 120.000 đồng/kg quả khô, nhưng hiện nay nông dân bán ra thị trường chỉ với giá 10.000 đồng/kg quả khô. Nếu tách vỏ thì sachi có giá 20.000 đồng/kg, còn không bỏ công thì đành bỏ mặc vườn cây, không thu hoạch vì giá cả quá thấp.

Sachi được Hội Nông dân tỉnh triển khai trồng thí điểm tại vườn của ông Phạm Văn Khang ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) phát triển tốt

Diện tích vẫn tăng nhanh

Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Nông dân tỉnh, đầu mùa khô vừa qua nông dân đã trồng khoảng 120 ha cây sachi. Một số công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã dự kiến trong mùa mưa năm nay sẽ mở rộng diện tích và đến nay có thể đã tăng lên khoảng 1.000 ha sachi. Sachi được người dân trồng chủ yếu tại các huyện Tuy Đức, Cư Jút, Đắk Song, Đắk Mil, Krông Nô.

ADQuảng cáo

Trong khi những nông dân từng trồng sachi nhưng thấy không có hiệu quả kinh tế nên bỏ mặc, thậm chí chặt bỏ để chuyển sang những cây trồng khác thì mới đây, Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Thịnh, thôn 7, xã Nam Bình (Đắk Song) cho biết có kế hoạch liên kết với một công ty trên địa bàn huyện Đắk Mil phát triển cây sachi.

Theo ông Lê Công Sinh, Giám đốc Hợp tác xã Nam Thịnh, giai đoạn 2018-2020, HTX có kế hoạch liên kết trồng 300 ha sachi. Hiện nay, HTX đã hợp đồng với các hộ dân trồng 100 ha sachi, trong đó 10 ha trồng từ năm 2018 bắt đầu cho thu hoạch, còn lại đa số diện tích trồng trong năm nay.

Ông Sinh chia sẻ: Sachi trồng 6 tháng thì ra trái, 9 tháng cho thu hoạch và kéo dài 15 năm. Sau khi làm việc, thỏa thuận hợp đồng, HTX vận động bà con trồng theo quy trình của công ty và được bao tiêu sản phẩm trong vòng 15 năm. Công ty này sẽ thu mua hạt ở mức thấp nhất 50.000 đồng/kg khô và thu mua lá để làm trà. Từ đầu năm đến nay, HTX mới bán cho công ty này khoảng 1 tấn hạt khô với giá 35.000 đồng/kg. Bây giờ, mỗi hộ trồng 1 ha sachi đã nhận của công ty này 20 triệu đồng gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tổng cộng lên đến 2 tỷ đồng. Công ty bán mỗi cây giống 4.000 đồng, người dân chỉ trả một nửa, khi nào thu hoạch thì khấu trừ 20%. Công ty hợp đồng với HTX hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân.

Bà Nguyễn Thị Chiến, ở thôn Thuận Hải, xã Thuận Hạnh (Đắk Song)  hợp đồng với HTX Nông nghiệp Nam Thịnh vừa trồng 1,5 ha sachi được 4 tháng cho biết: "Nghe nói năm đầu được 1,2 tấn, sang năm thì được 3-4 tấn, giá thì ổn định khoảng 40.000-50.000 đồng/kg quả khô, tôi thấy có lợi thì nên làm. Mình có hợp đồng với HTX thì mới dám làm, đất trước đây trồng hoa màu, giờ chuyển sang trồng sachi vì nghe thấy ngon hơn”.

Một phần diện tích sachi của ông Phạm Văn Khang ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) bị chết vì thiếu nước tưới

Chưa có đầu ra chắc chắn

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: "Hạt sachi có thể làm lương thực, bánh, kẹo, dầu ăn, mĩ phẩm và lá làm trà, vỏ và thân ủ làm phân bón… Tuy nhiên, sachi là cây trồng mới của Việt Nam nên hệ thống nghiên cứu về nó chưa được nhiều. Đặc điểm của cây sachi trồng ở các địa phương cũng chưa được các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn nghiên cứu đầy đủ. Đặc điểm bên ngoài nhìn thấy thì cây sachi có vẻ dễ trồng, không khó. Thế nhưng, hầu hết nông dân chưa biết gì về kỹ thuật, vì chưa được ai tập huấn, có chăng chỉ một vài doanh nghiệp nhỏ tập huấn theo hướng sử dụng các sản phẩm của họ. Mấy năm trước, cây sachi được các doanh nghiệp đưa vào trồng ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk… và hầu hết bị thất bại do sau đó các doanh nghiệp không thu mua. Họ nói một đường làm một nẻo, cứ vun vào để cho nông dân trồng, trồng rồi không có đầu ra, chủ yếu là để mua giống, mua phân bón của họ”.

Thực tế, theo tính toán của những hộ dân ở Tuy Đức đã trồng sachi, đầu tư trong 1 năm hết khoảng 100 triệu đồng/ha, đó là gia đình đã tận dụng cọc, trụ hồ tiêu bị chết, máy móc phục vụ sản xuất sẵn có. Ông Phạm Văn Khang, ở thôn 8, xã Đắk Búk So cho rằng, nếu người dân liên kết với các công ty mua cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dây làm giàn… thì không khéo còn lỗ nặng so với tự mua. Nếu bà con mua hạt sachi với giá 120.000 đồng/kg và về tự ươm giống thì chỉ mất khoảng 1.000 đồng/cây. Trong khi nông dân sản xuất theo hợp đồng với công ty thì mua 1 cây giống với giá từ 4.000-6.000 đồng là quá đắt. 1 kg hạt sachi có tới 200 hạt và nếu 1 ha trồng tới 2.000 cây thì chỉ bán giống thôi các công ty cũng đã quá lời.

Ông Hồ Gấm cho biết: “Các doanh nghiệp bây giờ vẫn chơi kiểu không công bằng đối với nông dân. Phân bón, thuốc, giống của họ không có người kiểm định, không ai định giá. Tôi ví dụ, 1 kg phân bón thực chất giá chỉ 2.000 đồng nhưng doanh nghiệp tính 4.000 đồng và họ thu về 2.000 đồng trước, cho nông dân nợ 2.000 đồng thì cũng đã có lời. Mục đích của công ty, doanh nghiệp chủ yếu bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cây giống, rồi sau đó họ tìm lý do nông dân không sản xuất đúng quy trình để không mua sản phẩm. Thực tế, một số doanh nghiệp cố tình “thổi” quy mô, năng lực của mình để nông dân trồng các loại cây trồng theo mục đích trục lợi của họ và sau đó để mặc nông dân "tự bơi"".

Chỉ mới thử nghiệm

Cũng theo ông Hồ Gấm, trong các năm 2017 và 2018, nhiều doanh nghiệp, công ty đến địa bàn các huyện để chèo kéo nông dân trồng cây sachi và vận động Hội Nông dân tỉnh hợp tác, vận động nông dân trồng, nhất là ở huyện Tuy Đức. Thấy “nóng” như thế nên Hội Nông dân tỉnh đề xuất Sở Khoa học-Công nghệ xây dựng đề án trồng 1 ha sachi trên đất của nông dân để thử nghiệm. Giống của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cung cấp và trồng theo quy trình của viện. Mô hình được triển khai trồng tại đất của gia đình ông Khang cho thấy sinh trưởng khá nhưng chưa dám khuyến khích phát triển vì thiếu doanh nghiệp có đủ năng lực để hợp tác, liên kết sản xuất. Vì vậy, nếu nông dân biết được có doanh nghiệp, công ty, HTX nào muốn vận động trồng sachi thì nên báo cáo với các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn và các cấp hội nông dân để kiểm tra năng lực thực tế, từ đó có giải pháp hỗ trợ nên trồng hay không.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân cần cẩn trọng, tránh "sa lầy" với... sachi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO