Nông dân Đắk Mil tận dụng quỹ đất bằng việc “lấy ngắn nuôi dài”

Hồng Thoan| 02/01/2018 10:28

Những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện Đắk Mil đã đẩy mạnh việc thực hiện trồng xen canh các loại cây lương thực, thực phẩm, gia vị vào các vườn cây dài ngày chưa khép tán để có thêm thu nhập, góp phần ổn định đời sống, duy trì phát triển sản xuất các loại cây trồng chủ lực dài ngày.

ADQuảng cáo

Gia đình ông Đoàn Văn Đức, thôn Thuận Nam, xã Thuận An có 3 ha cao su mới trồng. Hơn 3 năm nay, gia đình luôn tận dụng diện tích trống giữa các hàng để trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, đậu đỗ, khoai lang, khoai môn.

Gia đình ông Đoàn Văn Đức ở thôn Thuận Nam, xã Thuận An, thu nhập 300 triệu đồng/năm từ việc trồng xen các loại cây ngắn ngày trong vườn cao su mới trồng

Theo ông Đức thì thực tế khi nhổ bỏ vườn cao su già cỗi để trồng mới gia đình cũng mất một khoản thu khá lớn, lại phải bỏ vốn đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên ban đầu cũng có tâm lý e ngại. Nhưng nhờ việc trồng xen canh, gối vụ các loại cây ngắn ngày, gia đình có thể bảo đảm trang trải đủ các chi phí sinh hoạt và tái đầu tư cho vườn cao su phát triển tốt.

Ông Đức cho biết: “Trồng cây ngắn ngày khi vườn cây chưa khép tán có thêm những cái lợi đó là giúp tôi cải tạo được đất qua cách bón phân, rồi thân cây ngô, đậu đỗ sau thu hoạch để lâu ngày gần gốc cao su thì phân hóa thành chất mùn giúp cây phát triển nhanh, tiết kiệm được một phần phân bón nhờ đất được cải tạo, tăng thêm dinh dưỡng. Hàng năm, với 3 ha đất, gia đình có thể trồng xen canh, gối vụ từ 2-3 đợt các giống ngô lai, đậu đỗ, khoai môn, bình quân thu về trên 300 triệu đồng/năm”.

ADQuảng cáo

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Oanh ở thôn 11 B xã Đắk Lao lại trồng gừng giữa vườn cà phê mới tái canh. Theo chị Oanh thì gừng là cây ngắn ngày khá dễ tính, chỉ cần chú ý trồng hơi nông, đất không quá nén, không bị ẩm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho củ sinh trưởng, không bị thối. Lượng phân bón cho gừng cũng ít, chủ yếu là bón lót bằng cách trộn N-P-K, giữa vụ bón  thêm một đợt. Mỗi năm chỉ trồng được một vụ nhưng hầu như chủ yếu chỉ mất chi phí về giống ban đầu, những vụ sau, gia đình có thể tự để giống. Hai năm nay gia đình đang duy trì việc trồng gừng xen trong 5 sào cà phê với mức thu khoảng 50 triệu đồng năm.

“Gọi là cây trồng phụ nhưng mức thu như vậy cũng là khá lớn, nó giúp cho gia đình có đủ vốn đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho cà phê, lấy ngắn nuôi dài rất hiệu quả”- chị Oanh chia sẻ.

Nhiều nông dân Đắk Mil có thu nhập khá từ việc trồng xen gừng trong vườn cà phê mới trồng

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Mil, những năm gần đây, diện tích trồng cây hàng năm theo các mùa vụ của địa phương hầu như đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2017, diện tích ngô toàn huyện đạt 14.270 ha, tăng 750 ha so với năm 2016 với mức sản lượng gần 80.000 tấn. Diện tích khoai lang cũng tăng 35 ha, đạt mức gần 400 ha với sản lượng gần 4.400 tấn. Các loại cây khác như đậu lạc, đậu xanh, đậu nành, khoai môn cũng có tăng đáng kể.

Có được kết quả này là nhờ bà con đẩy mạnh việc trồng xen canh, luân canh trên những vườn cây dài ngày chưa giao tán như cao su, cà phê. Đây là hoạt động thể hiện được sự chủ động của người dân trong việc tăng gia sản xuất, vừa bảo đảm thu nhập cho gia đình, vừa giảm bớt những khó khăn về vốn quay vòng để duy trì, nâng cao hiệu quả phát triển các loại cây trồng chủ lực của địa phương. Hiện nay, ngành nông nghiệp, các địa phương tiếp tục vận động nhân dân đưa các giống mới, ngắn ngày, năng suất cao vào sản xuất, góp phần tăng thu nhập hàng năm, “lấy ngắn nuôi dài”, tạo điều kiện để đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê và cao su trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Đắk Mil tận dụng quỹ đất bằng việc “lấy ngắn nuôi dài”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO