Nông dân Đắk Mil tích cực tham gia sản xuất cà phê bền vững

Văn Tâm| 09/06/2015 09:36

Hiện nay, diện tích cà phê toàn huyện Đắk Mil là 21.102 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 44.000 tấn. Để khắc phục thói quen “chạy” theo số lượng hơn là chất lượng sản phẩm, huyện đang sắp xếp và quy hoạch lại việc sản xuất cà phê theo hướng bền vững, bằng việc áp dụng các quy trình thực hành nông nghiệp tốt.

ADQuảng cáo

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, cây cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của huyện Đắk Mil. Hàng năm, lĩnh vực sản xuất cà phê đã góp phần giải quyết việc làm cho hơn 60.000 lao động trực tiếp và 20.000 lao động gián tiếp.

Với quy mô diện tích, lực lượng lao động như vậy, nên việc triển khai chương trình sản xuất “cà phê sạch” mà huyện đang hướng tới không chỉ nhằm mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng cà phê mà còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người lao động.

"Cà phê sạch" ở xã Đắk Lao

Về xã Đắk Lao, đi vào các ngõ xóm sẽ thấy trên tường nhà của nhiều hộ dân nơi đây có gắn tấm biển xanh mang dòng chữ “Chương trình cà phê hạnh phúc và đến năm 2020, chúng tôi sẽ trở thành doanh nhân trồng cà phê”. Để thực hiện mục tiêu trên, hiện nông dân đã và đang đồng hành cùng Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) áp dụng bộ tiêu chuẩn 4C và Utz để sản xuất cà phê theo hướng bền vững.

Gia đình ông Trần Đoàn ở thôn 9A hiện có trên 2 ha cà phê kinh doanh. Trước đây, khi chưa tham gia chương trình cà phê bền vững, vườn cà phê của gia đình ông cho năng suất rất thấp, lại luôn bị dịch bệnh tấn công, có năm gặp thời tiết bất lợi, chỉ thu được 3-4 tấn.

Tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững, năng suất vườn cà phê của ông Trần Đoàn đạt 8 tấn nhân/ha

Ông Đoàn cho biết: “Năm 2013, tôi cùng với các hộ trong thôn tham gia chương trình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C do Công ty 2/9 triển khai tại địa phương. Chỉ sau 3 năm áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn, năng suất vườn cà phê của gia đình đạt 8 tấn/ha, cao hơn trước 2 tấn”.

ADQuảng cáo

Còn ông Đồng Quốc Tuấn ở thôn 10 A cũng cho hay: “Tôi thích nhất là khi tham gia chương trình được tham dự nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, nên giờ đây đã nắm chắc được tất cả các khâu chăm sóc, từ cách bón phân, tưới nước, cắt cành, tạo tán cho đến thu hoạch… Khi thực hiện đúng các quy trình, tôi thấy chi phí giảm hơn hẳn so với cách chăm sóc truyền thống trước đây”.

Theo ông Đoàn Văn Quyền, Trưởng nhóm sản xuất cà phê bền vững xã Đắk Lao thì bộ tiêu chuẩn 4C tập trung vào 3 phương diện: xã hội, môi trường và kinh tế. Có nghĩa là, việc trồng cà phê phải đúng theo quy trình, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón gây lãng phí, ảnh hưởng tới môi trường sản xuất và khó tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, tổng diện tích cà phê trên địa bàn xã Đắk Lao là trên 1.400 ha; trong đó có 256 hộ tham gia sản xuất cà phê bền vững được chia thành 5 tổ, với 356 ha, sản lượng hàng năm vào khoảng 1.250 tấn đạt tiêu chuẩn.  

Theo ông Hoàng Ngọ, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Lao thì qua thực tế sản xuất tại các tổ thời gian qua cho thấy, nếu áp dụng đúng theo các bước của bộ tiêu chuẩn 4C đưa ra, nông dân không chỉ hạn chế được tình trạng lãng phí các loại nông dược, phân bón, nguồn nước tưới, hạ giá thành đầu tư mà còn nâng cao được chất lượng cà phê nguyên liệu. Vì vậy, xã luôn khuyến khích, động viên nông dân tiếp cận, thực hiện hình thức canh tác tiên tiến này cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai chương trình một cách thuận lợi.

Nhiều hộ trồng cà phê ở xã Đắk Lao (Đắk Mil) treo biển sản xuất “cà phê sạch”

Hướng đến sản xuất cà phê bền vững

Để nâng cao hơn nữa việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh cây cà phê theo hướng bền vững, trong thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh việc triển khai áp dụng các giải pháp quản lý kỹ thuật tổng hợp cho cây cà phê. Các buổi hội thảo, tập huấn được thường xuyên tổ chức, giúp nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật canh tác cà phê bền vững…

Việc xây dựng mối liên kết, tổ chức sản xuất cũng được huyện triển khai dưới nhiều hình thức phù hợp hơn, như mối liên kết “4 nhà” (Nhà nước - nhà khoa học - nhà nông- doanh nghiệp) được quan tâm, chú trọng.

Cụ thể, trong gần 4 năm qua đã có 2 doanh nghiệp, 15 tổ hợp tác và 522 hộ gia đình tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững theo bộ tiêu chuẩn 4C, UTZ, Fairtrade… với diện tích hơn 1.400 ha. Trong đó, Công ty Cà phê Đức Lập với quy mô 150 hộ tham gia, diện tích hơn 320 ha; Hợp tác xã nông nghiệp Công Bằng, xã Thuận An với 110 hộ tham gia, diện tích 230,4 ha; xã Đức Mạnh có 15 tổ hợp tác với 160 hộ tham gia, diện tích hơn 610 ha. Từ chương trình này, bước đầu nông dân được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật một cách thuận lợi nhờ “bà đỡ” là các doanh nghiệp nên năng suất, chất lượng cà phê không ngừng được cải thiện.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Đắk Mil tích cực tham gia sản xuất cà phê bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO