Nông dân Đắk Nông trước cơ hội hội nhập

Văn Tâm| 27/04/2018 10:36

Trong hội nhập kinh tế quốc tế, bên cạnh sự nỗ lực của nông dân trong việc thay đổi và định hình về tư duy sản xuất phù hợp, bền vững rõ ràng cần sự vào cuộc của các cấp, ngành một cách mạnh mẽ.

ADQuảng cáo

Thời gian qua, việc nông dân chủ động nắm bắt những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiến bộ để áp dụng vào sản xuất đã trở nên phổ biến. Trên thực tế, hiện nay sản xuất nông nghiệp của Đắk Nông chủ yếu vẫn còn ở quy mô kinh tế hộ gia đình, do vậy, việc thay đổi tư duy sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất hàng hóa bảo đảm chất lượng, an toàn  thực phẩm là hướng đi tất yếu để nông dân có thể đứng vững trong nền kinh tế hội nhập.

Nông dân xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) chăm sóc hồ tiêu

Thay đổi tư duy nông hộ

Có thể nói cách thức lớn nhất đối với ngành nông nghiệp của Đắk Nông hiện nay là quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất lao động thấp cộng với đầu tư từ doanh nghiệp vào ngành nông nghiệp còn hạn chế dẫn đến năng lực cạnh tranh yếu. Bên cạnh đó, liên kết giữa các khâu trong chuỗi sản xuất chưa chặt chẽ, không kiểm soát được chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm làm cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, hiện nay có trên 75% dân số của tỉnh phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng đa phần người nông dân, vốn là đối tượng dễ bị “tổn thương” trong quá trình hội nhập vẫn chưa được trang bị nhiều kiến thức. Điều này dẫn tới năng lực cạnh tranh của một số ngành hàng trong lĩnh vực này vẫn còn yếu, điển hình là các nhóm nông sản chủ lực của tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, điều…

Khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, nông sản của tỉnh sẽ có cơ hội được xuất sang nhiều nước nhưng bên cạnh đó, nông sản các nước khác cũng sẽ được nhập khẩu ồ ạt hơn vào thị trường nội địa, tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt hơn về giá thành, chủng loại và chất lượng. Việc này nếu không được chuẩn bị kỹ để hội nhập sẽ khiến sản phẩm trong tỉnh có thể bị thua ngay trên “sân nhà”.

Qua tìm hiểu thì nhận thấy, trong bối cảnh cả nước đang sôi động trước không khí hội nhập quốc tế, nhưng dường như nhiều vùng sản xuất trong tỉnh, nông dân vẫn chưa cảm nhận được “luồng gió mới” đang tràn về. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa xác định được phương hướng, chưa bắt kịp với tiến trình hội nhập, nên khó có thể giúp nông dân tiếp cận thông tin để thay đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang hiện đại. Từ đó, tạo nên sự thay đổi lớn trong tư duy và phương pháp sản xuất.

Ông Đào Duy Hải, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hồ tiêu hữu cơ Đồng Thuận, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) cho rằng: “Trước xu thế hội nhập hiện nay, đâu đâu cũng làm nông nghiệp hữu cơ để có nông sản sạch. Vì vậy, nông dân Đắk Nông cũng cần dần dần thay đổi tư duy sản xuất theo kiểu nông hộ, nghĩa là chấm dứt cảnh mạnh ai nấy làm. Nếu vẫn cứ làm theo thói quen, truyền thống thì nông sản của ta không chỉ bị mất lợi thế trên “sân nhà” mà còn mất cơ hội vươn ra bên ngoài”.

ADQuảng cáo

Vấn đề hội nhập quốc tế không còn là mới, nhưng đối với nhiều nông dân trong tỉnh, nhất là ở các huyện nghèo, các xã vùng sâu vùng xa, mỗi tấn nông sản họ làm ra đều hòa chung vào các ngành hàng của cả vùng phân phối tiêu thụ nhiều nơi, kể cả xuất khẩu. Thế nhưng, đến bây giờ họ vẫn không hiểu tại sao sản phẩm do họ làm ra luôn chịu thua thiệt, giá cả bấp bênh, trong khi nhu cầu thị trường là rất lớn?

Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, toàn cầu hóa, tự do thương mại và hội nhập đem lại nhiều cơ hội mới và những khó khăn thách thức. Việt Nam là nước được hưởng lợi nhất so với 11 quốc gia tham gia CP TPP, tuy nhiên lợi thế cao hơn đồng nghĩa là rủi ro từ bên ngoài cũng cao hơn. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi sẽ phải cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất nước ngoài khi các hàng rào thuế quan và phi thuế quan được giảm bớt và loại bỏ…

"Chìa khóa" chính là chất lượng sản phẩm

Để giúp nông dân chủ động đổi mới khi hội nhập, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc phân cấp, trao quyền cho các cấp chính quyền địa phương để tối đa hóa hiệu quả sản xuất thì việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết thách thức về đổi mới thể chế và chính sách... là những vấn đề cần thiết hiện nay.

Là một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nhiều năm làm ăn với đối tác nước ngoài trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây, ông Lê Văn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Bơ M’nông ở thôn Tân Phú, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) nhìn nhận: "Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập, nông dân chủ yếu chạy theo năng suất, số lượng, Nhà nước cần có giải pháp tuyên truyền, giáo dục, quản lý để hướng nông dân vào khuôn khổ là sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng”.

Theo ông Hưng, đây quả thật là một bài toán lớn. Dẫn chứng cho vấn đề này, ông Hưng đưa ra một ví dụ như: Đối với cây hồ tiêu, năng suất trung bình tiêu trên thế giới làm theo hướng sản phẩm sạch tự nhiên chỉ đạt 1,5 tấn/1ha. Còn tại Việt Nam, năng suất được đẩy lên đến 15 tấn/ha. Bởi nông dân đẩy năng suất lên một cách quá thần tốc nên rủi ro cao và cuối cùng lại “trắng tay”.

Cũng đề cập đến vấn đề này, ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Chư Jút cho rằng: “Nếu người nông dân muốn hội nhập thành công CP TPP thì trước hết phải chú trọng vấn đề nâng cao chất lượng nông sản. Vì nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng thì mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu và mới tiến đến xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản. Như vậy, vấn đề nâng cao chất lượng nông sản là “chìa khóa” để nông dân tham gia tiến trình hội nhập”.

Là một trong những người nhiều năm gắn bó và tâm huyết với việc đưa cây, con giống mới đến với nông dân Tây Nguyên, Tiến sỹ Nguyễn Thiên Lương, Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, Bộ Nông nghiệp –PTNT, cho rằng: Nông nghiệp Đắk Nông chủ yếu vẫn là kinh tế hộ và kinh tế trang trại, để giúp nông dân đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe trong hội nhập, trước hết ngành Nông nghiệp tỉnh cần phải thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất một cách triệt để. Đáng chú ý là đối với các ngành hàng chủ lực như cây công nghiệp dài ngày, cần phải tái canh một cách bảo đảm, đồng thời lựa chọn cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống cho phù hợp với từng vùng để giúp nông dân thâm canh một cách bền vững. Cùng với đó, các cấp chính quyền, sở, ngành, các nhà khoa học, đặc biệt là các doanh nghiệp cần phối hợp đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng mối “liên kết 4 nhà” để giúp nâng cao khả năng hội nhập của nông dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Đắk Nông trước cơ hội hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO