Nông dân Đắk Ru thu hái cà phê chín muồi: Lợi ích kép

Đức Hùng| 26/11/2019 09:32

Bằng việc liên kết với doanh nghiệp thu mua cà phê, nhiều người dân ở xã Đắk Ru (Đắk R'lấp) đã thu hoạch cà phê chín muồi để bán với giá cao hơn so với thị trường, đồng thời đây cũng là cách sản xuất cà phê bền vững, đem lại lợi ích kép.

ADQuảng cáo

Thu hoạch cà phê chín tỉ lệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất

Ông Nguyễn Thanh Phong, ở thôn 8, xã Đắk Ru có hơn 3 ha cà phê. Hơn 4 năm nay ông liên kết với doanh nghiệp thu mua cà phê nên năm nào ông cũng đợi cà phê có tỉ lệ quả chín cao mới bắt đầu hái. Cách hái cà phê của gia đình là chia thành nhiều đợt, lựa cây cà phê có tỷ lệ quả chín cao để hái.

Ông Phong cho biết, trước đây ông chỉ thu hái cà phê có tỉ lệ quả chín cao rồi về phơi nhưng từ khi liên kết được với công ty thu mua cà phê chín ông hái và bán tươi. Mỗi vụ thu hoạch ông chia thành 3 đợt. Đợt 1 và đợt 2 ông lựa những cây cà phê có tỉ lệ quả chín cao để hái, còn đợt 3 hái đồng loạt.  

Việc hái cà phê chín tốn công hơn, nên ông phải thuê nhân công cao hơn thị trường từ 20 ngàn đồng/ngày công. Nếu thuê khoán thì ông trả cho nhân công 1.500 đồng/kg cà phê tươi, cao hơn 500 đồng/kg so với giá đại trà. Hiện nay, doanh nghiệp đang thu mua cà phê tươi chín với giá khoảng 10.500 đồng/kg, cao hơn từ 3.500 - 4.000 đồng/kg so với giá trị trường.

"Tính ra trừ công hái tôi thu tầm 9.000 đồng/kg cà phê tươi. Trong khi bán xô theo giá thị trường chỉ thu được tầm 5.500 đồng/kg sau khi trừ công cán. Tôi thấy hái cà phê chín hiệu quả hơn nhiều so với hái cà phê xanh. Năm vừa qua, diện tích cà phê của gia đình tôi thu được 20 tấn cà phê tươi chín 100%, tính ra tôi đã có thu nhập cao hơn giá bán xô trên thị trường 70 triệu đồng sau khi trừ chi phí", ông Phong cho biết.

ADQuảng cáo

Lựa cà phê chín 100% để chế biến giúp nâng cao chất lượng cà phê

Tương tự, anh Mai Văn Nguyên, ở thôn 8, xã Đắk Ru, có 2 ha cà phê. 3 năm nay, gia đình anh đều hái cà phê chín 100% vì có sự liên kết với doanh nghiệp thu mua cà phê. Mỗi vụ thu hoạch, anh Nguyên chia thành nhiều đợt để bảo đảm việc hái cà phê chín. Anh Nguyên cho biết, việc hái chín gặp khó khăn về công hái nhưng đổi lại giá bán cao hơn nhiều, nên giúp gia đình khắc phục khó khăn về nhân công bằng cách trả công cao hơn thị trường. "Tôi thấy việc hái cà phê quả chín mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đã cố gắng khắc phục khó khăn về công hái. Bù lại gia đình có thu nhập cao hơn", anh Nguyên chia sẻ.

Hiện nay Công ty Cổ phần cà phê chất lượng cao Đắk Nông, thôn 8, xã Đắk Ru, đang liên kết thu mua cà tươi hái chín của 40 hộ dân trên địa bàn, với diện tích 50 ha, sản lượng khoảng 120 tấn quả cà phê tươi mỗi năm. Quy trình sản xuất cà phê của công ty yêu cầu người dân chăm sóc cây bằng các loại phân, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Việc dùng thuốc bảo vệ thực vật phải cách thời gian thu hoạch từ 2 - 3 tháng và không sử dụng thuốc xịt cỏ trong quá trình chăm sóc cà phê. Cà phê tươi hái chín 100% sẽ được công ty thu mua với giá 10.000 - 10.500 đồng/kg, cao hơn giá thị trường từ 3.500 - 4.000 đồng/kg.

Tỷ lệ quả cà phê chín phải đạt trên 80%

Theo Tiêu chuẩn ngành 10TCN 478:2001 về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cà phê do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành ngày 9/1/2002, sản phẩm cà phê sau thu hoạch tỷ lệ quả chín phải đạt từ 90 - 95%; tỷ lệ tạp chất không quá 0,5%. Vào đợt tận thu tỷ lệ quả chín phải đạt trên 80%, tỷ lệ tạp chất không quá 1%. Việc thu hái cà phê trong một vụ được thực hiện ít nhất 2 lần trở lên. Các biện pháp sơ chế, bảo quản cà phê sau thu hoạch cũng được Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn khá chi tiết để người dân áp dụng, không làm giảm chất lượng cà phê.

Theo ông Trần Văn Phú, Giám đốc Công ty Cổ phần cà phê chất lượng cao Đắk Nông, việc liên kết thu mua cà phê chín đã giúp công ty có được vùng nguyên liệu đầu vào chất lượng để sản xuất cà phê chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Công ty đang thực hiện chế biến theo dòng sản phẩm cà phê honey. Hiện nay công ty đang có nhu cầu liên kết với các hộ sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh để mở rộng diện tích vùng nguyên liệu. Các hộ liên kết chỉ cần đáp ứng quy trình sản xuất của công ty, giảm thuốc bảo vệ thực vật, không dùng thuốc trừ cỏ, sử dụng phân hữu cơ, thu hoạch cà phê chín 100%.

"Về phía người sản xuất sẽ được lợi về giá, công thu hái cà phê tươi chín được tính vào tiền thu mua làm sao để người dân có lợi nhất để người sản xuất gắn bó lâu dài với công ty", ông Phú cho biết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Đắk Ru thu hái cà phê chín muồi: Lợi ích kép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO