Nông dân Đắk Sin trồng tiêu theo hướng bền vững

Hoàng Thanh| 06/10/2015 09:24

Xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) trước đây từng được ví là “vương quốc tiêu” của tỉnh. Thời điểm "hoàng kim" toàn xã có tới 1.000 ha tiêu. Nhờ năng suất cao, giá cả ổn định nên nhiều hộ nông dân đã khá và giàu lên từ cây tiêu.

ADQuảng cáo

Người dân Đắk Sin học cách pha chế phân hữu cơ vi sinh bón cho cây tiêu. Ảnh: T.B

Tuy nhiên, từ năm 2001, xuất hiện dịch bệnh trên cây tiêu khiến diện tích tiêu trên địa bàn ngày càng “co” lại. Khoảng thời gian từ năm 2004 – 2010 là thời điểm tiêu ở Đắk Sin bị bệnh chết hàng loạt, khiến nhiều hộ dân lao đao, rơi vào cảnh nợ nần, thậm chí trắng tay.

Nguyên nhân tiêu chết hàng loạt ở Đắk Sin sau đó đã được cơ quan chức năng và các kỹ sư nông nghiệp mổ xẻ. Theo đó, một trong những nguyên nhân là nông dân canh tác chưa đúng qui trình kỹ thuật dẫn đến tiêu mắc một số bệnh "nan y” như thối rễ, chết nhanh… Sau đận lao đao ấy, rất nhiều hộ nông dân trên địa bàn không còn mặn mà với cây tiêu nữa. Nhiều hộ nhổ trụ bán và trồng các loại cây công nghiệp khác như cà phê, cao su…

Vài năm trở lại đây, giá tiêu tăng cao và ổn định, nhiều hộ dân ở Đắk Sin lại đầu tư vào trồng tiêu. Hiện nay toàn xã có trên 570 ha tiêu, trong đó quá nửa đã cho thu hoạch. Riêng trong năm nay địa bàn có 60 ha tiêu được trồng mới.

Khác với trước đây, bà con trên địa bàn đã thực hiện việc trồng tiêu theo hướng bền vững, áp dụng khoa học kỹ thuật và tuân thủ qui trình chăm sóc chặt chẽ. Hầu hết bà con đều dùng phân hữu cơ và vi sinh để bón cho tiêu, không dùng phân hóa học tràn lan như trước đây.

Gia đình anh Lê Tiến Mạc ở thôn 1 là một ví dụ. Trước đây gia đình anh trồng rất nhiều tiêu. Khi đó việc trồng và chăm sóc anh chỉ học theo kinh nghiệm những người đã trồng trước mình. Ngoài phân hóa học, thuốc trừ sâu, có thời điểm gia đình anh còn mua phân gà tươi về bón cho tiêu. Vì vậy mà vườn tiêu giảm năng suất và bị bệnh hàng loạt, sau đó chết hết. Sau nhiều lần trồng lại không thành công, gia đình anh đã chuyển toàn bộ diện tích này sang trồng cao su. Tuy nhiên, cây cao su tại địa bàn cũng không mang lại hiệu quả kinh tế nên gia đình anh quay lại trồng tiêu.

ADQuảng cáo

Năm 2014, anh Mạc đã dùng 0,5 ha trước đây trồng màu sang trồng tiêu. Qua tư vấn của Hội Nông dân xã và tìm hiểu cặn kẽ kỹ thuật trồng hồ tiêu theo hướng bền vững, trước khi dựng trụ, gia đình anh xử lý hố trồng tiêu bằng vôi, sau đó bón phân chuồng đã hoai rồi mới trồng. Khi tiêu bén rễ, anh dùng phân vi sinh để tiêu phát triển rễ. Từ đó đến nay anh hoàn toàn sử dụng 2 loại phân này để bón cho tiêu, không dùng một chút phân hóa học nào. Nhờ chăm sóc đúng qui trình, đến nay vườn tiêu của anh Mạc phát triển tốt, chỉ 1 năm nữa là cho lứa quả đầu tiên.

Gia đình anh Nguyễn Đồng ở thôn 12 cũng vậy. Năm ngoái gia đình anh trồng 1.000 trụ tiêu và chỉ dùng phân chuồng đã hoai và phân vi sinh để bón cho tiêu. Hiện nay, vườn tiêu của anh đã phủ kín trụ, chỉ năm sau là sẽ có tiêu thu hoạch.

Nông dân tìm hiểu cách chăm sóc tiêu bằng phân vi sinh EMZ –USA

Theo bà Lý Thị Minh, Bí thư Đảng ủy xã Đắk Sin, vài năm trở lại đây, thực hiện Nghị Quyết 04 của Tỉnh ủy, địa phương đã  lãnh đạo nhân dân trên địa bàn quyết tâm thực hiện Nghị quyết này. Đảng bộ xã cũng có nghị quyết phát triển tiêu theo hướng công nghệ cao.

Theo đó, ngoài việc tuân thủ qui hoạch của huyện, địa phương thường xuyên chỉ đạo nhân dân chú trọng chăm sóc tiêu theo hướng hiệu quả, bền vững. Để giúp nông dân, ngoài việc quan tâm đào tạo đội ngũ khuyến nông ở cơ sở, địa phương còn tạo điều kiện cho các cơ quan chuyên môn tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc tiêu ngay tại địa phương. Bên cạnh đó tranh thủ “kéo” các mô hình trình diễn về địa phương.

Qua Hội Nông dân huyện, mới đây địa phương đã có một mô hình trình diễn về phân bón vi sinh cho cây tiêu tại gia đình anh Lê Tiến Mạc ở thôn 1. Qua một thời gian triển khai, hiện mô hình này sinh trưởng và phát triển tốt, không có sâu bệnh, địa phương đang hướng dẫn nông dân học tập mô hình này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Đắk Sin trồng tiêu theo hướng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO