Nông dân hội nhập, liên kết làm ăn để cùng phát triển

25/03/2019 10:50

Với sự vào cuộc tuyên truyền, hướng dẫn của các tổ chức đoàn thể, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh không còn bó hẹp trong việc tự sản xuất, kinh doanh mà đã hiểu được tinh thần hội nhập và có xu hướng hội nhập, liên kết làm ăn để cùng phát triển.

ADQuảng cáo

Đồng chí Ngô Thanh Danh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở thị xã Gia Nghĩa. Ảnh: Thanh Nga

Đoàn kết, thống nhất, tạo thành một tập thể

Tôi cho rằng, qua công tác tuyên truyền trên các kênh thông tin, hiện nay nông dân của tỉnh Đắk Nông nắm được xu thế cũng như tình hình về hội nhập. Tinh thần hội nhập được nông dân thực hiện ngay tại vườn rẫy, chuồng trại của mình, nhất là lực lượng sản xuất, kinh doanh giỏi.

Tôi nghĩ rằng, nông dân cần phải hiểu hội nhập một cách bao quát. Hội nhập trong một vùng, hội nhập trong quốc gia, hội nhập khu vực và hội nhập thế giới. Muốn hội nhập tốt thì phải có sự đoàn kết, thống nhất, tạo thành một tập thể để có sự tương tác, đối tác với những đối tác khác. Nếu từng nông dân một, từng chủ trang trại nhỏ lẻ thì hội nhập vô cùng khó, có thể ban đầu thành công nhưng phát triển lớn lên theo nhu cầu của hàng hóa thế giới thì lại không đáp ứng nổi.

Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông

Tôi đi xuống các cơ sở, gặp nông dân ở các thôn, bon thì thấy hiện nay bà con đã nắm được tinh thần hội nhập và có nhu cầu tham gia vào kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng nhau phát triển, liên kết sản xuất. Thời gian tới, Hội nông dân các cấp tiếp tục tập hợp nông dân phát triển nhiều hơn nữa các tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng hợp tác, đi tới sự hội nhập tốt hơn.

(Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông)

***

Định hướng chị em sản xuất "3 sạch"

Tuyên truyền về hội nhập và phát triển là một trong những nhiệm vụ được các cấp Hội LHPN tỉnh chú trọng. Từ hoạt động tuyên truyền đã giúp các chị có kiến thức, nắm bắt thời cơ cũng như thách thức để sản xuất trong thời kỳ hội nhập. Chương trình “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” phát động từ năm 2010 là chương trình xuyên suốt hoạt động của các cấp hội và nằm trong chuỗi về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, an toàn thực phẩm. Từ chương trình, các cấp hội phụ nữ của tỉnh đã định hướng chị em sản xuất thực phẩm sạch, trồng các loại cây trồng sạch, chăn nuôi sạch.

Bà Hà Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Nông

Đáng chú ý, trong 3 năm qua, các cấp hội đã triển khai phong trào “Phụ nữ khởi nghiệp” được Thủ tướng Chính phủ phát động. Năm 2018, Hội LHPN tỉnh tổ chức “Ngày phụ nữ khởi nghiệp”; trong đó có 20 ý tưởng khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch, hướng tới sản xuất chuỗi giá trị đã được thực hiện và bước đầu thành công. Từ ý tưởng khởi nghiệp, các cấp hội đã hướng dẫn, tư vấn chị em sản xuất sạch, xây dựng chuỗi sản xuất sạch theo trình tự như thế nào và mời chuyên gia hỗ trợ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm. Qua đó, các chị đã trồng nấm sạch, rau sạch, chăn nuôi sạch và xây dựng các cửa hàng bán thực phẩm sạch. Bám sát Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phụ nữ vừa sản xuất được sản phẩm chất lượng cao, an toàn, đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, bảo đảm môi trường.

(Bà Hà Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Nông)

***

Liên kết các hộ nhỏ lẻ sản xuất theo quy trình

Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò của Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông được thể hiện thông qua việc thành lập HTX, THT để liên kết các hộ sản xuất nhỏ lẻ, cá thể nhằm mở rộng quy mô, sản xuất theo một quy trình, tạo ra sản phẩm đồng nhất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tham gia HTX các thành viên sử dụng chung các dịch vụ đầu vào, đầu ra, sản xuất theo một quy trình, đáp ứng được nhu cầu thị trường và cung cấp số lượng lớn cho ngành công nghiệp chế biến. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có những sản phẩm của HTX đạt tiêu chuẩn quốc tế và tham gia xuất khẩu. Như cà phê của HTX Công Bằng Thuận An (Đắk Mil) đạt tiêu chuẩn Fair trade, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, HTX trở thành điểm cung cấp hàng cho các doanh nghiệp rang xay trong nước. HTX Nông nghiệp, thương mại Tia Sáng xuất khẩu chanh dây đông  lạnh, nước chanh dây sang thị trường Hàn Quốc…

ADQuảng cáo

(Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông)

***

HTX sản xuất ra các sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu thị trường

Ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Krông Nô

HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu hơn 120 ha cacao với trên 100 thành viên tham gia. Trong xu thế hội nhập, HTX sản xuất ra các sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. HTX đang sản xuất theo quy trình an toàn cho người sản xuất và người sử dụng đồng thời đạt các tiêu chuẩn quốc tế để từng bước mở rộng thị trường. Hiện nay, HTX đang thực hiện các bước để được cấp chứng nhận Flo (Tiêu chuẩn được thiết lập và chứng nhận dưới sự kiểm soát của Tổ chức Ghi nhãn Công bằng thương mại Quốc tế) cho cây ca cao. Khi đạt các tiêu chuẩn này thì hàng hóa của HTX có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, IreLand...

(Ông Vũ Văn Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Krông Nô (xã Tân Thành, Krông Nô))

***

Nắm bắt, sử dụng các thiết bị hiện đại để phục vụ sản xuất

Ông Lê Trọng Nghĩa, thôn 4, xã Trường Xuân (Đắk Song)

Năm 2003, gia đình tôi thuê đất trồng 30 ha dó bầu trên vùng đất trống, đồi trọc. Qua tìm hiểu từ những người bạn am hiểu, tôi thấy cây dó bầu tạo ra trầm nhân tạo và ngày càng có giá trị kinh tế rất cao vì hiện nay trên thế giới đang rất hiếm. Hiện nay, tôi đã học hỏi được kỹ thuật tạo trầm nhân tạo và thu nhập 10 triệu đồng mỗi cây, cao hơn so với những cây trồng khác. Hiện tại, tôi đang thí điểm áp dụng kỹ thuật để nâng cao chất lượng trầm.

Cây dó bầu thường bị sâu ăn lá làm chết và chu kỳ mỗi tháng mình phải xịt thuốc một lần. Nếu mình xịt thuốc bằng bình hay máy bình thường thì người mình cũng bị “tắm thuốc sâu” giống như là những con sâu. Vì vậy, năm 2010, tôi nhờ bạn bè nghiên cứu, giới thiệu và mua chiếc máy bay không người lái trị giá 500 triệu đồng để xịt thuốc cho vườn cây, bảo đảm an toàn sức khỏe, giảm nhiều công lao động, 1 ha chỉ phun nửa tiếng là xong. Tôi nghĩ rằng, thời kỳ 4.0 rồi, nông dân nên nắm bắt, sử dụng các thiết bị hiện đại để phục vụ sản xuất, đem lại hiệu quả hơn.

(Ông Lê Trọng Nghĩa, thôn 4, xã Trường Xuân (Đắk Song))

***

"Lấy đi của đất, của cây bao nhiêu thì phải bù lại bấy nhiêu hoặc nhiều hơn nữa"

Ông Lương Văn Hiệp, chủ Trang trại Hiệp Thành ở thôn 8, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa)

Với tôi, những năm qua, trong canh tác các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, chanh dây cũng đã thử thách chính mình để vượt qua các khuyến cáo chuyên môn bằng việc trồng cây với mật độ dày gấp 2-3 lần so với bình thường. Đối với 10 ha cà phê, trang trại áp dụng một quy trình trồng với mật độ dày hơn rất nhiều so với bình thường. Cụ thể, nông dân trồng khoảng 1.000-1.400 cây/ha nhưng gia đình trồng lên đến 4.000 cây/ha. Cũng như cà phê, 2 ha hồ tiêu được trồng với mật độ dày, khoảng 3.000 cây/ha, trong khi bình thường nông dân trồng khoảng 1.000-1.600 cây/ha.

Để đạt hiệu quả, trang trại đã tự xây dựng, triển khai bộ quy trình canh tác riêng. Trong đó, nguyên tắc chính đó là “lấy đi của đất, của cây bao nhiêu thì phải bù lại bấy nhiêu hoặc nhiều hơn nữa”. Có nghĩa là trồng càng dày, năng suất càng cao thì càng phải dưỡng đất, tăng cường đầy đủ các yếu tố theo hướng hữu cơ, bền vững. Trung bình mỗi ha cà phê, trang trại đạt mức năng suất 10 tấn/ha. Năng suất hồ tiêu của trang trại cũng đạt mức khá cao, ổn định qua nhiều năm nay, khoảng 5 tấn/ha.

(Ông Lương Văn Hiệp, chủ Trang trại Hiệp Thành ở thôn 8, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa))

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân hội nhập, liên kết làm ăn để cùng phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO