Nông dân phục hồi vườn cà phê sau thu hoạch

Kim Ngân| 26/12/2022 10:49

Đến thời điểm này, vụ thu hoạch cà phê của người dân trên địa bàn tỉnh đã cơ bản kết thúc. Nông dân đang tích cực phục hồi vườn cây, giúp giữ ổn định năng suất, chất lượng cà phê vụ sau.

ADQuảng cáo

Sau một mùa nuôi trái, cho thu hoạch, cây cà phê bị ảnh hưởng nhiều đến sự sinh trưởng và phát triển, vườn cà phê dễ bị suy kiệt. Do đó, việc chăm sóc cà phê đúng kỹ thuật là điều rất quan trọng nhằm giúp vườn cây phục hồi nhanh chóng, tránh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả vụ mùa sau.

Gia đình ông Trần Văn Thanh, ở xã Nam Bình (Đắk Song), canh tác hơn 2 ha cà phê. Sau khi kết thúc đợt thu hoạch cuối cùng, ông  bắt tay ngay vào việc làm vệ sinh vườn cây, phòng trừ sâu rầy, mọt đục cành, nấm bệnh cho cây cà phê. Hơn 2.000 cây cà phê trong vườn được ông Thanh kiểm tra, tỉa tót rất cẩn thận.

Ông Thanh cho biết: “Bắt đầu tháng 12 đến qua Tết Nguyên đán là thời gian cây cà phê ra hoa, đậu quả. Do vậy, việc tiến hành khử trùng đất, loại bỏ nấm bệnh cũng như cắt cành, bón phân là các khâu quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng cho vụ mùa tới”.

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Trung, ở thôn 10, xã Trường Xuân (Đắk Song) trồng trên 4 ha cà phê. Hơn 2 năm nay, gia đình ông sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ và thu hoạch, sơ chế theo phương pháp sơ chế tự nhiên (Natural).

Ông Trần Văn Thanh, ở xã Nam Bình (Đắk Song) dọn dẹp vườn cà phê thông thoáng để phòng trừ bệnh hại

Do tỷ lệ thu hái 100% trái chín, nên thời gian thu hoạch cà phê kéo dài, cây bị mất sức khá nhiều. Để vườn cà phê phục hồi tốt, gia đình ông đã khẩn trương chăm sóc cho cây.

Theo đó, ít nhất là 15 ngày sau khi thu hái xong là ông cắt cành, tạo tán cho vườn cà phê. “Việc cắt cành kịp thời sẽ giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi cành dự trữ. Do vậy, sau thu hoạch tôi tiến hành cắt cành ngay chứ không để chậm trễ”, ông Trung cho hay.

ADQuảng cáo

Theo ông Trung, việc cắt cành sớm còn giúp cây phát triển tán cân đối, thông thoáng, cây sẽ quang hợp tốt hơn và hạn chế được một số loại nấm bệnh. Còn nếu để cành chồi nhiều, khi bón phân, các cành vô hiệu lấy đi phần lớn dinh dưỡng, gây hao hụt nguồn phân bón, ảnh hưởng đến việc sinh trưởng, năng suất vườn của cà phê.

Thạc sỹ Đỗ Văn Chung, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, sau khi tỉa cành, tạo tán, việc tưới nước cho cà phê có vai trò rất quan trọng trong quá trình phân hóa mầm hoa.

Sau thời điểm ra hoa, cà phê cần bón phân để bảo đảm năng suất, chất lượng cho vụ tới

Do đó, sau khi thu hoạch, bà con nên để cây có thời gian khô hạn sinh lý khoảng một tháng rưỡi để cây phân hóa mầm hoa. Khi mầm hoa cà phê xuất hiện đều ở các cành thì tiến hành tưới nước lần thứ nhất.

Cây cà phê sau khi trổ bông xong, khoảng từ 20 – 25 ngày hoa thụ phấn thành công và bắt đầu héo bông. Thời điểm này, bà con bắt đầu bón phân lần 2. Giai đoạn này, quả cà phê đã đậu nên bón phân giúp cho quả nhanh lớn hơn. Việc bón phân giai đoạn này là hết sức quan trọng, quyết định đến hiệu quả, năng suất, chất lượng cà phê của mùa vụ tới.

Theo ông Nguyễn Viết Vui, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông. Hiện toàn tỉnh có hơn 130.000 ha cà phê, diện tích cho thu hoạch khoảng 122.000 ha.

Để cây cà phê phát triển tốt, đạt năng suất, chất lượng, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai xây dựng các mô hình sản xuất cà phê có chứng nhận. Đồng thời, ngành Nông nghiệp hướng dẫn bà con nông dân đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác theo hướng hữu cơ để nâng tầm sản phẩm cà phê Đắk Nông trên trường quốc tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân phục hồi vườn cà phê sau thu hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO