Nông dân Quảng Trực "chao đảo" vì cà tím Nhật Bản

Minh Huyền| 28/05/2020 10:04

Cuối năm 2019, một số hộ dân ở xã Quảng Trực (Tuy Đức) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cà tím Nhật Bản. Tuy nhiên, khi đến kỳ thu hoạch thì cà tím lại tụt giá mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

ADQuảng cáo

Trước đây, gia đình anh Phạm Văn Chấn và chị Mai Thị Thu Sương ở bon Bu Lum, xã Quảng Trực có 6 sào đất trồng cà phê đã già cỗi, năng suất thấp. Sau khi tham quan mô hình trồng cà tím Nhật Bản ở tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ loại cây này, năm 2019, anh chị quyết định chặt bỏ vườn cà phê, cải tạo lại đất để trồng cây cà tím Nhật bản.

Gia đình anh Chấn đầu tư khá bài bản để trồng cà tím

Sau 45 ngày chăm sóc, cà tím đã cho thu hoạch. Tại thời điểm tháng 3 năm 2020, vườn cà tím của gia đình anh bước đầu thu hoạch từ 40 - 50kg quả/ngày/sào, với giá bán 7.000-8.000 đồng/kg. Bình quân sau khi trừ chi phí, gia đình anh chị thu được khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Theo anh Chấn, cà tím là loại cây dễ trồng, vốn đầu tư khoảng 7 - 8 triệu đồng/sào, mỗi sào trồng được 600 cây, mỗi lứa cà tím có thời gian thu hoạch từ 8 - 12 tháng tùy vào kỹ thuật chăm sóc của người trồng, mang lại lợi nhuận gấp khoảng 2 - 3 lần so với trồng cà phê. Trước khi trồng, anh đã được Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (TP. Hồ Chí Minh) cam kết bao tiêu sản phẩm, thu mua tại vườn nên gia đình yên tâm sản xuất.

Hiện nay, vườn cà tím của gia đình anh Chấn không bán sỉ được

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, từ cuối tháng 3/2020 trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số mặt hàng nông sản xuất khẩu ra thị trường nước ngoài bị ngưng trệ, trong đó có cà tím Nhật bản. Do vậy, Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải cũng tạm dừng thu mua cà tím Nhật bản của gia đình anh Chấn và các hộ dân khác. Theo anh Chấn, thời gian qua, giá bán lẻ cho người dân chỉ có giá từ 4.000-5.000 đồng/kg. Do sản lượng cà tím của gia đình khá nhiều nên dư thừa, thị trường lại ế ẩm, làm cho gia đình anh chị lâm vào cảnh “chao đảo”.

Hiện nay, trên địa bàn bàn xã Quảng Trực còn có nhiều hộ dân khác cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Gia đình anh Vũ Văn Điệp, bon Bu Lum cũng liên kết với Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải trồng 5 sào cà tím. Hoặc hộ gia đình anh Trần Văn Cương cũng trồng 3 sào... Tuy nhiên, do không có đầu ra cho sản phẩm nên các hộ dân trên buộc phải phá vườn cà tím để tìm hướng trồng loại cây khác...

Không nỡ để mất trắng, người dân tranh thủ hái cà tím về bán lẻ

Theo bà Dương Thị Thảo, đại diện đơn vị thu mua thuộc Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải, tại Quảng Trực có khoảng 7 hộ tham gia trồng cà tím và ký cam kết thu mua sản phẩm với công ty. Công ty chỉ ký hợp đồng thu mua sản phẩm với các hộ dân có hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà tím chứ không bán cây giống cho người dân. Trước khi ký hợp đồng thu mua, công ty cũng đã bàn bạc, trao đổi với người dân là khi gặp phải những trường hợp bất khả kháng như thiên tai, bệnh hại... thì công ty có thể ngừng thu mua.

Thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19 nên phía Nhật Bản và Hàn Quốc đã ngưng hoàn toàn việc nhập khẩu các sản phẩm, trong đó có cà tím nên công ty chúng tôi không thể xuất khẩu được. Sản phẩm bị tồn đọng quá nhiều, do đó, việc thu mua cũng bị ngưng lại.

Theo bà Thảo, trong thời gian tới, khi các nước mở cửa giao thương trở lại, công ty sẽ tiếp tục thu mua cà tím của các hộ dân. Trong đó, ưu tiên những hộ mới trồng sau này, chưa thu được lứa cà nào hoặc thu hoạch được ít để phần nào hỗ trợ người dân thu lại được số vốn đầu tư ban đầu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Quảng Trực "chao đảo" vì cà tím Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO