Nông dân tích cực chăm sóc cà phê sau thu hoạch

Văn Tâm| 24/01/2018 09:19

Cà phê sau vụ thu hoạch thường mất sức sinh trưởng khá nhiều và đây cũng là thời kỳ cây phân hóa mầm hoa nên cần rất nhiều dinh dưỡng bổ sung. Chính vì thế, thời gian này, bà con trồng cà phê ở các địa phương trong tỉnh tích cực chăm sóc để phục hồi lại vườn cây.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Văn Hùng ở thôn 2, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong đang tỉa cành, tạo tán lại cho vườn cà phê

Bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2017-2018, dù gặp một số ảnh hưởng do thời tiết làm một số nơi giảm năng suất, nhưng nhìn chung người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hết sức phấn khởi bởi năng suất bình quân cũng như sản lượng tăng hơn vụ 2016-2017 từ 7-10%.

Theo nông dân, năng suất cà phê tăng cũng đồng nghĩa với việc vườn cây mất sức nhiều và cần phải kịp thời đầu tư, chăm sóc nhiều hơn để phục hồi, chống sự phát sinh gây hại của các loại dịch bệnh, tạo đà cho các chu kỳ phát triển tiếp theo.

Gia đình ông Trần Văn Kiên ở thôn 2, xã Đắk Ha (Đắk Glong) có 1,5 ha cà phê. Năm nay, gia đình ông thu hoạch được gần 7 tấn nhân, cao hơn năm ngoái 0,2 tấn. Theo ông Kiên thì vụ thu hoạch cà phê năm nay không cập rập như mọi năm. Vì năm nay rơi vào năm nhuận nên gia đình ông thu hái xong trước Tết Nguyên đán gần một tháng. Do vậy, việc tỉa cành, tạo tán lại vườn cây có phần thong thả hơn.

Ông Kiên cho biết: “Năm nay vườn cà phê của gia đình đạt năng suất cao tôi rất vui mừng. Nhưng nhìn vườn cây sau khi hái xong thân cành xơ xác bởi sau một năm mang quả làm cây bị suy kiệt tôi thấy xót lắm nên sau hái tôi tập trung chăm sóc cây ngay”.

ADQuảng cáo

Ông chú trọng việc bón các loại phân theo hướng dẫn, học tập được qua các lớp tập huấn như: Bón lân bảo đảm cho việc phân hóa mầm hoa, tăng số hoa và số quả, bón kali giúp tăng tỷ lệ hoa đậu quả cao chống chọi thời tiết bất thuận. Bên cạnh đó, ông Kiên còn tập trung nhân công để tiến hành công đoạn tỉa cành, tạo tán, chủ yếu là tỉa cành chân vịt, cành tổ quả, cành già, cành còi cọc, cành vô hiệu mọc trong tán sát mặt đất cho vườn cây trong thời gian ngắn nhất. Đến nay công đoạn này đã hoàn thành.

Còn gia đình ông Phạm Công Khánh, ở thôn 9, xã Nam Bình (Đắk Song) có hơn 3 ha cà phê ở giai đoạn kinh doanh. Hơn 3 năm qua, gia đình ông Khánh đã tham gia sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Đoàn Kết, xã Nam Bình.

Theo ông Khánh, để vườn cây sau giai đoạn thu hoạch sinh trưởng, phát triển tốt, bảo đảm năng suất cho vụ sau, ông đã áp dụng hợp lý các quy trình kỹ thuật.  Đó là sau khi tỉa cành, rửa vườn để loại trừ rong rêu, tảo đỏ, nấm hồng; sử dụng biện pháp sinh học phòng trừ mọt đục cành, rệp sáp, ông tiến hành bổ sung dinh dưỡng cho vườn cây. Trong đó, ông chú trọng bổ sung thêm các thành phần dưỡng chất đa lượng, trung, vi lượng cho cây. Cũng theo ông Khánh, yếu tố dinh dưỡng trung, vi lượng như lưu huỳnh, magiê, canxi rất cần thiết cho cà phê trong mùa khô, giúp nở hoa tốt, tỷ lệ đậu quả cao, năng suất chất lượng tốt.

Sau thu hoạch vườn cà phê bị mất sức, ông Nguyễn Văn Hùng ở thôn 2, xã Đắk Ha (Đắk Glong) áp dụng các biện pháp kỹ thuật phục hồi vườn cây

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp – PTNT) thì thời điểm sau thu hoạch thường chuyển tiếp từ mùa mưa sang mùa khô, giai đoạn này cũng phát sinh nhiều loại sâu bệnh hại cho vườn cây. Vì vậy, bà con cần chú ý phòng trừ các bệnh rỉ sắt, đốm mắt cua, rệp sáp, rệp vẩy, bọ xít  tấn công gây hại cà phê. Đặc biệt chú ý đến rệp sáp, bà con nông dân phải theo dõi thường xuyên vườn cây để phát hiện rệp khi chớm xuất hiện để tiến hành phun thuốc ngay. Nếu để rệp sáp phát triển mạnh, xâm nhập vào cuống hoa, chùm trái non sẽ rất khó diệt trừ.

Theo đó, để phòng trừ rệp sáp thì phun thuốc Fastac 5EC, Motox 2.5 EC hay Butal 10WP. Khi vườn cà phê bị rệp vẩy tấn công thì sử dụng thuốc Binhmor 40EC, đối với vườn bị nhiễm bọ xít phun thuốc Cypermap 10EC. Cùng với đó, bà con cũng nên để cho vườn cây có thời gian khô hạn sinh lý vừa đủ rồi mới tưới nước, tưới đúng thời điểm, đủ lượng nước  để giúp cà phê sinh trưởng, phát triển tốt. Việc bón phân cần cân đối giữa các loại phân hữu cơ, vô cơ, sinh học phù hợp cho mùa khô, nhất là sử dụng phân ủ hoai mục từ các phế phẩm nông nghiệp, phân chuồng cũng cần được nhà nông chú ý.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân tích cực chăm sóc cà phê sau thu hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO