Nông dân ưu tư về giống, nguồn vốn

Thanh Nga - Đức Hùng| 28/12/2022 09:41

Tại Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với nông dân, HTX diễn ra vào chiều 27/12, nhiều nông dân đã bày tỏ những ưu tư về nguồn vốn, nguồn giống. Đây đều là những vấn đề khó khăn lớn của nông dân nhiều năm qua.

ADQuảng cáo

Chị Nông Thị Hiển, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Dong (Cư Jút) nêu vấn đề Chính phủ đã ban hành chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thế nhưng, trên thực tế, nông dân, HTX vẫn rất khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ chính sách này. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh cho biết kết quả triển khai chính sách này trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã có giải pháp nào tháo gỡ vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục cho vay theo hình thức tín chấp để nông dân, HTX vay được nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp?

Chị Nông Thị Hiển đề nghị tỉnh tiếp tục tạo điều kiện để nông dân được tiếp cận nguồn vốn nông nghiệp, nông thôn

Về vấn đề này, ông Thân Văn Chí, Phó Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) Chi nhánh Đắk Nông cho biết, tính đến 30/11/2022, tổng dư nợ của đơn vị hơn 12.000 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 81%. Nguồn vốn cho vay phần lớn tạo điều kiện cho các hộ dân đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Agribank Đắk Nông đang cho vay hơn 1.100 tỷ đồng không có tài sản bảo đảm. Qua các số liệu đã minh chứng rằng, Agribank đã giành phần lớn số vốn cho nông dân vay để phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thời gian tới, Agribank sẽ kết hợp chặt chẽ với hội nông dân, liên minh HTX và các tổ chức, đoàn thể để tháo gỡ những khó khăn, tạo cơ hội cho nhiều người được vay vốn.

ADQuảng cáo

Nông dân Trịnh Thị Thúy, thị trấn Đức An (Đắk Song) phản ánh tình trạng các cơ  sở  sản xuất, kinh doanh các loại giống cây trồng kém chất lượng diễn ra tràn lan.  Nông dân rất khó khăn, lo lắng về việc nhận biết nguồn gốc cũng như chất lượng giống cây trồng. Vấn đề này tỉnh có biện pháp gì để khắc phục ?

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười chỉ đạo tăng cường quản lý nguồn giống cây trồng, vật nuôi

Trả lời vấn đề này, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN – PTNT cho biết, trên địa bàn tỉnh có khoảng 280 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và hàng năm cung ứng ra thị trường khoảng 5 triệu cây giống.

Trong số này có khoảng 35 cơ sở có đăng ký kinh doanh, đáp ứng các tiêu chuẩn. Các cơ sở còn lại không đáp ứng các tiêu chuẩn quy định. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân mua cây giống không có truy xuất nguồn gốc, chất lượng không bảo đảm.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cây giống, vật tư nông nghiệp.

Nhờ đó, các loại  giống kém chất lượng, trôi nổi hoặc bán giá không đúng với thị trường giảm rất nhiều. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 10 ngày 30/8/2022 về tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng.

Ngành Nông nghiệp phối hợp với Hội Nông dân, Liên minh HTX tỉnh, các địa phương tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và người tiêu dùng.

UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp đang tập trung nỗ lực xây dựng cơ sở giống bảo đảm được chất lượng, quy mô hiện đại. Trên địa bàn tỉnh đã có 40 dự án có quy mô lớn được cấp phép đầu tư liên quan đến cây giống, con giống.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười chia sẻ: “Lãnh đạo tỉnh rất trăn trở khi chúng ta là tỉnh thuần nông, nhưng đến thời điểm này, sau 18 năm thành lập tỉnh, Đắk Nông vẫn chưa có một cơ sở cây giống bảo đảm quy mô, chất lượng. UBND tỉnh giao cho Sở NN – PTNT trong thời gian sớm nhất nghiên cứu, tìm ra giải pháp để tháo gỡ vấn đề này”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân ưu tư về giống, nguồn vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO