Nông dân vẫn "đói" thông tin thị trường

Lê Dung| 03/10/2022 07:04

Thị trường luôn có nhiều biến động, khiến cho giá cả nhiều loại nông sản dao động theo. Thế nhưng, nhiều bà con nông dân vẫn khó cập nhật thông tin về thị trường để tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, hạn chế các rủi ro.

ADQuảng cáo

Nông dân khát thông tin

HTX Nông sản hữu cơ Bechamp Đắk Nông (Đắk Song) hiện đang sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản hữu cơ, nhất là hồ tiêu và cà phê.

HTX mới được thành lập, chỉ tập trung tới khâu sản xuất, nên “đầu ra” của sản phẩm rất hạn chế. Sản phẩm của HTX chỉ cung ứng cho các cửa hàng kinh doanh thức uống trong tỉnh.

HTX đang hướng tới việc xây dựng một nhà máy chế biến cà phê lớn theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cho cả thị trường trong nước và nước ngoài.

Vừa qua, một đối tác ở Hàn Quốc đặt mua cà phê bột của HTX. Thế nhưng, do chưa nắm bắt được thông tin của đối tác này, nên HTX đang rất dè dặt trong khâu hợp tác.

Xã viên HTX Nông nghiệp hữu cơ Bechamp Đắk Nông (Đắk Song) mong muốn được tiếp cận thêm thông tin về thị trường xuất khẩu

Ông Vũ Quang Chiểu, xã viên HTX cho biết: “Chúng tôi rất muốn biết được thông tin về các đối tác, thị trường xuất khẩu, những giấy tờ, thủ tục pháp lý có liên quan… Qua đó, giúp HTX chủ động trong sản xuất, có thể trực tiếp xuất khẩu đi các nước để nâng cao giá trị sản phẩm”.

Tương tự, xoài Đắk Gằn (Đắk Mil) hiện đã đạt chứng nhận VietGAP, là một trong những sản phẩm OCOP của địa phương. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ của loại trái cây này vẫn còn rất hạn hẹp.

Theo ông Đỗ Viết Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn, sản phẩm xoài của địa phương vẫn chủ yếu bán cho thương lái để xuất khẩu đi Trung Quốc. Hiện chưa có doanh nghiệp nào có đủ điều kiện tiến hành ký kết hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm cho bà con.

ADQuảng cáo

Vì vậy, hàng năm, xã đều kiến nghị các cấp, ngành hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh xoài Đắk Gằn ra thị trường trong nước và thế giới, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao.

“Mong rằng các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, cung cấp thông tin đa dạng về các thị trường xuất khẩu. Qua đó giúp trái xoài của bà con không phải gặp rủi ro, phụ thuộc vào một thị trường duy nhất”, ông Thành cho biết.

Bơ là một trong những sản phẩm của Đắk Nông đang bị rớt giá mạnh

Nâng cấp hệ thống thông tin thị trường

Thực tế hiện nay, một số nông dân vẫn giữ nguyên tư duy sản xuất cũ. Tức là thấy cây trồng nào tiêu thụ tốt, cho lợi nhuận cao là đổ xô vào trồng, không quan tâm đến các quy định, tiêu chuẩn của thị trường. Tình trạng này dễ dẫn đến mất cân đối thị trường.

Cũng có nhiều nhà nông đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa phục vụ xuất khẩu, nhưng khi thị trường tiêu thụ khó khăn, nông sản không bán được dẫn đến thua lỗ. Nhiều người phải chặt bỏ cây trồng, không đầu tư, khiến vụ mùa tiếp theo không đủ sản lượng để cung ứng cho thị trường...

Để khắc phục tình trạng trên, vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Quyết định phê duyệt Đề án “Nâng cấp hệ thống thông tin thị trường nông sản, giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030”.

Đề án đặt ra mục tiêu hoàn thiện và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin của Sở NN&PTNT. Đồng thời, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong sản xuất và thị trường nông sản tỉnh Đắk Nông trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.

Đề án được thực hiện trên cơ sở sử dụng phần mềm hệ thống thông tin thị trường nông sản được thiết kế ở phần mềm ứng dụng trên thiết bị di động. Từ đó hỗ trợ cán bộ, người cung cấp thông tin và người dân cập nhật dữ liệu một cách thuận tiện theo thời gian thực hiện lên hệ thống.

Đặc biệt, thông qua phần mềm sẽ kết nối được các thông tin bên ngoài liên quan tới nông nghiệp như: cơ chế, chính sách phát triển ngành Nông nghiệp, thông tin về nguồn gốc sản phẩm, dự báo về cung-cầu sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu, yêu cầu của thị trường thế giới…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân vẫn "đói" thông tin thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO