Nông dân Ðắk Glong thay đổi tư duy để phát triển kinh tế

Phan Đinh| 16/11/2022 08:48

Thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đắk Glong đã tiếp cận được nhiều thông tin về phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều bà con đã biết cách làm ăn, có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

ADQuảng cáo

Gia đình chị Nguyên Thị Ngọc Bích, ở xã Đắk Ha (Đắk Glong), từng là hộ nghèo. Để vươn lên thoát nghèo, chị đã chủ động tìm hiểu thông tin và được biết ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn để cải tạo vườn cà phê.

Trên cơ sở thông tin có được, chị đã tiếp cận, vay vốn ngân hàng để phục vụ đầu tư sản xuất cà phê. Sau một thời gian, vườn cà phê của chị phục hồi, phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Ngoài ra, chị còn tiếp cận thông tin từ các kênh truyền thông chính thống, trực tiếp tham quan thực tế để học hỏi cách làm ăn từ các hộ nông dân khác. Khi có kiến thức, chị quyết định trồng thêm rau, ổi, chuối và các cây ăn quả để "lấy ngắn nuôi dài".

Khi kinh tế dần ổn định, chị tiếp tục vay vốn của ngân hàng để đầu tư chăn nuôi dê, heo. Các vật nuôi này vừa tạo thêm thu nhập, vừa giúp chị có nguồn phân bón cho cây trồng.

HTX Danofarm ở xã Quảng Sơn hướng dẫn cách trồng rau sạch cho các hộ dân

Thời gian qua, chị thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do hội nông dân, hội LHPN, các cơ quan chuyên môn tổ chức để học tập các kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi.

Chị Bích cho biết: “Từ khi được tiếp cận các thông tin về làm kinh tế và được các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện giúp đỡ, được vay vốn ngân hàng, gia đình tôi đã thoát nghèo, kinh tế ngày càng phát triển”.

Chị Đỗ Thị Thơm, ở xã Đắk Ha, có 1 ha cà phê già cỗi. Nhờ địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chị đã học hỏi và mạnh dạn chuyển sang trồng dâu nuôi tằm.

Theo chị Thơm, trồng dâu nuôi tằm khá phù hợp với điều kiện của gia đình chị. Mô hình này vốn đầu tư không nhiều, chỉ cần chú trọng kỹ thuật và công chăm sóc là có thu nhập ổn định.

ADQuảng cáo

Cây dâu cần ít phân, gần như không có sâu bệnh. Còn con giống chỉ cần lựa chọn ở những nơi có uy tín thì sẽ nuôi đạt năng suất cao. Nhờ trồng dâu, nuôi tằm mà gia đình chị đã thoát nghèo, kinh tế khấm khá lên.

Hiện nay, mỗi tháng chị nuôi 6 hộp tằm. Mỗi hộp đạt khoảng 60-70 kg kén, giá bán từ 150.000-180.000 đồng/kg. Mỗi năm, chị Thơm nuôi từ 6-7 lượt, trừ chi phí, chị thu về khoảng 300 triệu đồng.

Nhiều hộ dân ở Đắk Glong có thu nhập ổn định từ trồng dâu, nuôi tằm

Trồng dâu, nuôi tằm cũng là hướng đi được nhiều nông dân ở Đắk Glong lựa chọn. Năm 2019, từ tìm hiểu thực tế thị trường, điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương, HTX Danofarm, xã Quảng Sơn (Đắk Glong), đã xây dựng mô hình trồng dâu nuôi tằm.

Chị H’Jang, thành viên HTX Danofarm, tham gia mô hình với diện tích 6 sào dâu. Chị H’Jang cho biết, trồng dâu nuôi tằm khá phù hợp với trình độ của đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ được HTX tư vấn, thông tin, giới thiệu về cách trồng dâu, nuôi tằm, tạo đầu ra ổn định, nên bà con rất phấn khởi để đầu tư thâm canh. Từ đó, bà con có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Hiện nay, HTX Danofarm có hơn 30 hộ trồng trên 40 ha dâu để nuôi tằm. Bà Tạ Thị Liên, Giám đốc HTX Danofarm cho biết, ngoài việc hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng dâu tập trung, thông tin kiến thức bổ ích về nông nghiệp, HTX cũng khuyến khích trồng dâu xen trong vườn cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái…

Thời gian qua, HTX đã đầu tư máy móc, liên kết để sản xuất tơ tằm, các sản phẩm làm từ tơ tằm, giúp tạo đầu ra ổn định cho thành viên, nông dân. HTX tiếp tục thông tin, tư vấn, hỗ trợ nhiều cách làm kinh tế khác để giúp người dân nâng cao đời sống.

Theo lãnh đạo UBND huyện Đắk Glong, qua thực tế cho thấy, việc tiếp cận thông tin về làm kinh tế đã giúp bà con nông dân thay đổi tư duy, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao đời sống.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Ðắk Glong thay đổi tư duy để phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO