Nông sản Đắk Nông tìm đường vào Co.opMart

Lê Dung| 10/06/2022 09:09

Nông sản của Đắk Nông đa dạng về chủng loại, chất lượng tốt, nhưng hiện vẫn chưa kết nối được với các kênh phân phối hiện đại, nhất là hệ thống siêu thị Co.opMart. Đây là thiệt thòi lớn và tỉnh đang nỗ lực để đưa nông sản vào các siêu thị tên tuổi.

ADQuảng cáo

Nhà vườn tự xoay xở đầu ra

Mỗi năm, Trang trại Gia Trung (Gia Nghĩa) đang sản xuất được khoảng 150 tấn sầu riêng cung ứng cho thị trường. Sản phẩm của trang trại đã được chứng nhận VietGAP, đạt OCOP hạng 3 sao.

Trước kia, trang trại đã từng phối hợp đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị Co.opMart. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, siêu thị có rất nhiều vấn đề ràng buộc, nên chưa thành công.

Nông sản của người dân đang phải tự xoay xở đầu ra

Theo như cam kết, mỗi ngày, trang trại phải cung ứng đều đặn 2 tấn sản phẩm cho hệ thống siêu thị. Thế nhưng, sầu riêng của trang trại lại chín đồng loạt một thời điểm nhất định.

Những ngày không có hàng thì trang trại vi phạm hợp đồng, phải nộp phạt. Ngoài ra, trang trại còn phải trả thêm chi phí cho người hỗ trợ bán hàng với 2%. Khi sầu riêng trong siêu thị bán không hết, trang trại phải giảm giá tới 30% để khuyến mãi.

"Vì vậy, những năm sau đó, chúng tôi không ký với siêu thị nữa. Hàng năm, sản phẩm được thương lái ở miền Tây lên cắt hết và xuất đi Trung Quốc”, ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại chia sẻ.

 Đồ họa: Bình Minh - Lê Dung

Việc phải loay hoay tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm cũng mất khá nhiều thời gian đối với HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha (Đắk Glong). HTX hiện đang liên kết sản xuất rau, củ, quả các loại, với diện tích khoảng 30 ha theo hướng VietGAP.

Về lâu dài, HTX có khả năng mở rộng liên kết sản xuất trong vùng tới khoảng 400 ha. Theo ông Đặng Ngọc Hương, Giám đốc HTX, sản phẩm thường phải chở sang Lâm Đồng lấy thương hiệu rồi mới đưa xuống chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh để tiêu thụ.

Sản phẩm của HTX phải tiêu thụ lòng vòng như vậy suốt một thời gian dài. Mãi tận sau này, HTX mới được đối tác kiểm tra, đánh giá nguồn cung, chất lượng sản phẩm thực tế. "Phải mất nhiều thời gian, công sức, chúng tôi mới được đối tác lấy sản phẩm trực tiếp".

Đắk Nông mới chỉ có số ít sản phẩm được bán trong Siêu thị Co.opMart

Hướng đến chuỗi liên kết

Theo đánh giá của Sở NN - PTNT, sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông đa dạng về chủng loại, có chất lượng cao, nhưng đầu ra không ổn định. Nông sản vào được hệ thống siêu thị nói chung và Co.opMart nói riêng rất ít.

ADQuảng cáo

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, nguyên nhân một phần là do các bên thiếu sự liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Hoạt động sản xuất của bà con vẫn diễn ra manh mún, nhỏ lẻ.

Trong khi, thủ tục, chính sách bán hàng của hệ thống siêu thị còn nhiều phức tạp. Do đó, một số hợp tác xã, trang trại, hộ dân không đáp ứng được yêu cầu khi đưa sản phẩm vào siêu thị.

Toàn tỉnh mới chỉ có 5 đơn vị sản xuất đang cung ứng hàng hóa vào siêu thị Co.opMart Đắk Nông, với một số sản phẩm như: gạo, yến sào, thịt heo, rau muống, mồng tơi, củ cải… Đắk Nông đang có 10 sản phẩm do cửa hàng OCOP đại diện đăng ký bán hàng tại siêu thị.

​Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, trên địa bàn huyện rất cần những đơn vị đầu tư sản xuất, thu mua để tạo nên chuỗi liên kết cho bà con nông dân.

Nguồn lực sản xuất trong dân rất lớn, nhưng do chưa có sự liên kết chặt chẽ, nên sản phẩm chưa được đầu tư hiệu quả. Do đó, huyện rất mong Co.opMart sớm có sự liên kết, cùng hợp tác, cùng sản xuất, mở rộng đầu ra cho nông sản.

 Đồ họa: Bình Minh - Lê Dung

Để kết nối sản xuất, tiêu thụ ổn định cho nông sản của tỉnh, vừa qua, Sở NN-PTNT đã khảo sát, làm việc với các HTX, trang trại có sản phẩm đáp ứng về tiêu chuẩn, số lượng có thể đưa vào siêu thị.

Trong đó, đơn vị tập trung đánh giá một số sản phẩm chính như: sầu riêng, bơ, rau, củ các loại… Sở NN-PTNT cũng đề xuất với Co.opMart về nghiên cứu, khảo sát, phát triển các vùng nguyên liệu tại chỗ trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, đó là vùng nguyên liệu sầu riêng hiện tại khu vực Gia Nghĩa, với quy mô 200 ha và Đắk R’lấp, với quy mô khoảng 250 ha. Vùng nguyên liệu bơ ở xã Quảng Phú (Krông Nô) và xã Quảng Sơn (Đắk Glong), với khoảng 200 ha.

Vùng nguyên liệu rau, củ, quả ở xã Đắk Ha và Quảng Sơn (Đắk Glong), với 200 ha và tại xã Thuận Hà, Thuận Hạnh, Nam Bình (Đắk Song), với gần 700 ha.

 Đồ họa: Bình Minh - Lê Dung

Theo như cam kết, trước mắt, trong năm nay, Co.opMart sẽ thu mua khoảng 100 tấn sầu riêng, 100 tấn bơ và khoảng 300 tấn rau, củ, quả của Đắk Nông để đưa vào tiêu thụ tại hệ thống trên toàn quốc.

Trong đó, Co.opMart còn kiến nghị được thành lập một đơn vị có tư cách pháp nhân ở Đắk Nông để tổ chức thu mua các loại nông sản tại chỗ cho bà con. Với bước khởi động mới này, việc kết nối giữa nhà sản xuất với hệ thống siêu thị Co.opMart sẽ tốt hơn.

Điều này cũng góp phần giúp nông sản của Đắk Nông bớt phải chật vật tìm đầu ra hoặc vay mượn thương hiệu trong quá trình tiêu thụ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông sản Đắk Nông tìm đường vào Co.opMart
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO