PCI - Đường lớn… đang mở

Hà An| 26/04/2017 10:05

Tại hội thảo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Đắk Nông năm 2017 được tổ chức tại thị xã Gia Nghĩa vừa qua, các chuyên gia cho rằng, Đắk Nông đang có nhiều cơ hội cũng như khả năng để tăng cả về điểm số lẫn thứ hạng trên cuộc đua PCI trong những năm tới.

ADQuảng cáo

“Với tâm thế “tiến công” hoàn toàn, dường như “đường đua” PCI đang rộng mở để Đắk Nông cụ thể hóa quyết tâm cũng như chiến lược đã được vạch sẵn. Đây cũng là một trong những lợi thế so với các tỉnh hiện đang ở thứ hạng cao với thế “phòng thủ”, ít có sự đổi mới. Vấn đề còn lại ở đây là cách thức, hình thức chuyển tải thông điệp của tỉnh đến với doanh nghiệp như thế nào; việc cụ thể hóa những quyết sách đó ra sao nhằm đạt hiệu quả cao nhất…" - Tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Bắc Ninh chia sẻ khi đánh giá về triển vọng PCI của Đắk Nông trong thời gian tới.

Với việc thành lập, đưa vào hoạt động trung tâm hành chính công tỉnh đã tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan

Đã có nhiều “điểm sáng”

Báo cáo PCI do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI)  Chi nhánh tại Đà Nẵng đã chỉ ra trong năm 2016, PCI Đắk Nông có 5 lĩnh vực được gọi là “điểm sáng” trong cải cách điều hành gồm: Gia nhập thị trường dễ dàng hơn; môi trường kinh doanh minh bạch hơn; dịch vụ lao động có tín hiệu tích cực; chi phí không chính thức có dấu hiệu giảm và nền hành chính thân thiện hơn.

Đơn cử, trong gia nhập thị trường, có 63% doanh nghiệp được hỏi cho biết thủ tục tại bộ phận “một cửa” được niêm yết công khai, trong khi con số này ở năm 2015 chỉ có 45%. Nếu như năm 2015, có 42% doanh nghiệp được hỏi cho biết, cán bộ nhiệt tình, thân thiện thì năm 2016, con số này tăng lên 43%. Năm 2016, tỷ lệ doanh nghiệp được hỏi về cán bộ có ứng dụng công nghệ thông tin tốt cũng tăng từ 21 lên 22% so với năm 2015.

Môi trường kinh doanh năm 2016 minh bạch hơn đã được thể hiện ở 3 nhóm gồm: Tỷ lệ doanh nghiệp được hỏi truy cập vào Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh tăng 11%; các tài liệu về ngân sách đủ chi tiết để doanh nghiệp sử dụng khi kinh doanh tăng 29% và các tài liệu về ngân sách được công bố ngay sau khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cũng tăng 33% so với năm 2015.

Cùng với môi trường kinh doanh thì môi trường hành chính của Đắk Nông cũng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá về mức độ thân thiện cao hơn. Có 68% doanh nghiệp được hỏi cho biết cán bộ nhà nước thân thiện, trong khi năm 2015 chỉ có 43%; 79% doanh nghiệp cho biết họ không phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký, tăng 39%;  57% doanh nghiệp cho rằng thủ tục giấy tờ đơn giản, tăng 12% và 95% cho biết phí và lệ phí được công khai, tăng 13% so với năm 2015. Đều này đã thể hiện rõ những chuyển biến tích cực về nỗ lực xây dựng nền hành chính công minh bạch, thân thiện và gần hơn với người dân, doanh nghiệp…, đây cũng là tín hiệu tốt.

Cần một thông điệp rõ ràng

Bên cạnh những “điểm sáng” đã nêu, theo kết quả điều tra, quan ngại mà Đắk Nông cần lưu ý đó là tính năng động, tiên phong của lãnh đạo tỉnh, tiếp cận đất đai, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thanh, kiểm tra… Đây là các chỉ số mà cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chưa có sự chuyển biến nhiều trong điều hành của chính quyền các cấp. Trong khi đó, sự nỗ lực cải thiện những chỉ số này thời gian qua cũng đã được Đắk Nông thể hiện.

ADQuảng cáo

Theo Tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc, đánh giá một cách tổng quát thì bộ máy hoạt động của Đắk Nông bước đầu đã có hiệu quả. Tỉnh đã có quyết tâm cao trong cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc thực hành các biện pháp để đối thoại, thành lập tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, ban hành các chỉ thị, văn bản để chú trọng nhấn mạnh tính kỷ cương, kỷ luật của cán bộ, tập trung nâng cao chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, kiểm soát các cuộc thanh, kiểm tra…

Tuy nhiên, quá trình triển khai, do chúng ta chưa có một phương pháp hợp lý để tối ưu hóa các chủ trương, chính sách trên nên chưa tác động mạnh đến “cảm xúc” của cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy, cái quan trọng hiện nay là Đắk Nông cần phát đi một thông điệp rõ ràng hơn, cụ thể hơn trong quyết tâm cải thiện PCI. Thông điệp đó cũng không hẳn là phải “đao to, búa lớn” mà quan trọng nó đáp ứng đúng nguyện vọng của đa phần doanh nghiệp trên cơ sở khả năng thực thi của chính quyền.

Các phiên giao dịch việc làm, đào tạo nghề đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuyển dụng lao động, giúp người lao động tiếp cận với ngành, nghề phù hợp

Và những hành động cụ thể

Trên thực tế, trong năm 2017, Đắk Nông đã phát đi thông điệp “đồng hành, chia sẻ khó khăn và giải quyết đến kết quả cuối cùng cho doanh nghiệp”. Đây cũng là thông điệp được đánh giá là phù hợp với điều kiện Đắk Nông trong xu thế hiện nay.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để làm được điều này, Đắk Nông cần có những hành động cụ thể, rõ ràng hơn như nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ tổ hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp để làm tốt công tác phối hợp, tiếp nhận và đề xuất phương án giải quyết khó khăn. Từ đây, tỉnh cần lựa chọn và giải quyết đến cùng một số khó khăn, vướng mắc kéo dài mang tính tiêu biểu hiện nay cho doanh nghiệp để tạo niềm tin, ấn tượng tốt từ phía doanh nghiệp với chính quyền.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải nâng cao hơn nữa kỷ cương, kỷ luật hành chính, kiên quyết xử lý những cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh để hạn chế thấp nhất tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. Quá trình thực hiện, tỉnh cũng cần phát huy tối đa lợi thế truyền thông để truyền tải thông điệp nhằm tạo sự lan tỏa về quyết tâm cải cách của tỉnh đến với doanh nghiệp, người dân.

Một vấn đề quan trọng nữa đó là trong phương pháp triển khai chính sách, tỉnh cần lưu tâm hơn nữa đến hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bằng việc tổ chức các diễn đàn chuyên đề, các cơ chế đặc thù trong hỗ trợ tiếp cận thông tin về chính sách ưu đãi của trung ương, địa phương…

Từ phân tích, nhận định của các chuyên gia thì triển vọng về tăng trưởng PCI của Đắk Nông trong năm 2017 và những năm tiếp theo là khá rõ ràng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng thế nào còn phụ thuộc lớn vào nỗ lực của chính quyền các cấp và cả các tỉnh, thành trong cả nước. Cái quan trọng hơn, qua chỉ số này, các cấp, ngành đã nhận diện rõ hơn trách nhiệm, mục tiêu để triển khai thực hiện, góp phần chung tay xây dựng một môi trường kinh doanh,  môi trường hành chính công bình đẳng, hiệu quả, gần gũi với nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng chung trên các lĩnh vực.

Đầu tư nâng cao chỉ số PCI chính là đầu tư cho tăng trưởng

Tại một cuộc họp UBND tỉnh liên quan đến nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa qua, đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Chúng ta nỗ lực để nâng cao thứ hạng PCI của Đắk Nông không phải nhằm mục đích làm đẹp cho tỉnh mà cần xem đây như là mục tiêu, động lực để góp phần tích cực vào tăng trưởng. Bởi vì trong nỗ lực cải thiện PCI, đồng nghĩa với việc chúng ta xây dựng hệ thống chủ trương, chính sách điều hành, quản lý linh hoạt hơn, hiệu quả thiết thực hơn để doanh nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta cũng từng bước xây dựng một nền hành chính công hiện đại, bình đẳng, hiệu quả, gần với nhân dân hơn. Quá trình triển khai, chúng ta có những tiếp thu nhiều chiều, nhất là ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp để điều chỉnh chủ trương, chính sách ngày càng phù hợp. Vì vậy, đầu tư vào nâng cao chỉ số PCI chính là đầu tư cho tăng trưởng, đây là con đường ngắn nhất, ít tốn kém nhất để tăng trưởng bền vững.

Trên cơ sở đó, đồng chí Nguyễn Bốn yêu cầu các cấp, ngành trong tỉnh cần bám sát kế hoạch, nhiệm vụ được giao để thực hiện nghiêm túc chứ không làm theo kiểu hình thức, phô trương để làm đẹp. Việc triển khai các nhiệm vụ cải thiện chỉ số PCI phải mang lại hiệu quả thực tế cho doanh nghiệp, cho công tác điều hành của chính quyền, hiệu quả đó phải có tính bền vững, phù hợp với quy định cũng như xu thế phát triển.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PCI - Đường lớn… đang mở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO