Phá bỏ rào cản cho kinh tế tư nhân phát triển

Lê Dung| 16/10/2017 10:42

Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng" – Quan điểm chỉ đạo này của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII đã và đang được tỉnh Đắk Nông tập trung triển khai thực hiện với nhiều giải pháp thiết thực.

ADQuảng cáo

Theo thống kê, khi mới thành lập tỉnh, Đắk Nông chỉ có 200 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký kinh doanh khoảng 320 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển lên hơn 3.200 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 31.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ lệ 96,88%.

Hoạt động sản xuất bao bì tại DNTN Tùng Anh (Đắk Song)

Doanh nghiệp tư nhân ngày càng lớn mạnh

Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp của tỉnh không ngừng lớn mạnh, đóng góp trên 55% tổng thu ngân sách của tỉnh. Kết quả này có được là do thời gian qua, tỉnh đã quan tâm ban hành, triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cụ thể.  

Trong đó, HĐND tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ trên địa bàn tỉnh; Chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao...

UBND tỉnh ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020; Kế hoạch thực hiện Chiến lược thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh tỉnh hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020; Chương trình hành động về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020…

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thành lập các đoàn công tác làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp. Nhờ đó đến nay, nhiều dự án lớn đã được đầu tư trên địa bàn và bước đầu đi vào hoạt động như: Dự án xây dựng Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông; Dự án Nhà máy Thủy điện Đắk Sin 1; các dự án chăn nuôi bò thịt, bò sữa...

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh cũng dần tạo dựng được thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tăng vốn điều lệ. Trong năm 2016, các doanh nghiệp đã góp phần tạo việc làm ổn định cho hơn 17.000 lao động tại địa phương; trong đó, hơn 92% số lao động làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân. 9 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã thành lập mới được 363 doanh nghiệp, tăng 23,4% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký là 1.455 tỷ đồng, tăng 70,1% so với cùng kỳ.

ADQuảng cáo

Cần thiết kế chính sách hỗ trợ phù hợp

Đến năm 2020, tỉnh Đắk Nông phấn đấu có khoảng 5.000 doanh nghiệp tham gia hoạt động. Số lượng doanh nghiệp có quy mô lớn ngày càng tăng, có đủ năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Để đạt được mục tiêu đó, cùng với việc phát huy nội lực, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp mong muốn các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, địa phương cần phải được thiết kế phù hợp. Từ đó sẽ tránh được hiện tượng gây nhũng nhiễu, phiền hà và những chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong năm 2016, điểm số về chi phí không chính thức của tỉnh đã được cải thiện, nhưng không đáng kể. Hơn 77% doanh nghiệp của tỉnh được hỏi đều cho rằng hiện tượng nhũng nhiều khi giải quyết thủ tục vẫn còn khá phổ biến; 71,2% doanh nghiệp được hỏi cũng cho rằng công việc đạt kết quả như mong đợi thì phải trả chi phí không chính thức. Có lẽ, đây chính là một trong những nguyên nhân gây cản trở cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Chế biến điều nhân xuất khẩu tại Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp)

Ông Trần Văn Thuân, Giám đốc Chi nhánh Viettel Đắk Nông, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có những hộ kinh doanh cá thể, doanh thu cả trăm tỷ mỗi năm, nhưng không muốn phát triển lên doanh nghiệp. Vậy, rào cản ở đây là gì? Khi lên doanh nghiệp, các hộ cá thể đó sẽ được hưởng lợi ích gì? Có lẽ, chúng ta nên trả lời các câu hỏi bằng chính Nghị quyết của Trung ương, các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2020. Có như vậy, số lượng doanh nghiệp của Đắk Nông mới tăng cao và hoạt động hiệu quả”…

Ông Nguyễn Nho Lý, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu An Phong (Đắk Song) thì cho rằng: “Trung ương cần sớm đưa Nghị quyết phát triển doanh nghiệp tư nhân vào thực tiễn cuộc sống và cụ thể hóa bằng những thông tư, hướng dẫn. Trong thông tư, hướng dẫn cũng phải đơn giản hóa điều kiện để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn lực hỗ trợ. Còn cứ mãi thiết kế ra một chương trình hỗ trợ, nhưng với yêu cầu quá khắt khe, quá nhiều, gần như “đánh đố”… thì rất khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp”…

Tuy nhiên, bất kỳ một chính sách, nghị quyết nào muốn đi vào thực tiễn thì còn phải có sự “chuyển mình” mạnh mẽ từ phía đối tượng hướng đến, đó chính là doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải là người đồng hành cùng chính sách đó.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Xuân Hải, UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh lưu ý, bên cạnh những nỗ lực hỗ trợ của Nhà nước, để phát triển đúng định hướng, các doanh nhân, doanh nghiệp của tỉnh cần phải tích cực phát huy nội lực; đồng thời, học tập, tìm hiểu, để nắm vững quy định của pháp luật, các nguyên tắc của kinh tế thị trường. Từ đó, doanh nghiệp mới có những đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong việc tạo ra các sản phẩm chủ đạo và phù hợp, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Mới đây, Chính phủ đã xem xét việc lược bỏ 2.000 điều kiện kinh doanh không phù hợp được cho là gây khó khăn, cản trở doanh nghiệp. Cùng với nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, vấn đề này đã và đang được cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh kỳ vọng sẽ phá vỡ được mọi rào cản trong sản xuất, kinh doanh để phát triển theo đúng tinh thần Nghị quyết số 10 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đề ra.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phá bỏ rào cản cho kinh tế tư nhân phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO