Phải quyết liệt đẩy nhanh thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư năm 2020

Nguyễn Hiền| 03/07/2020 08:53

Vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên dù tỷ lệ phân khai các nguồn vốn cho các công trình, dự án cao nhưng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn trong 6 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt thấp, chưa phát huy được vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

ADQuảng cáo

Tỷ lệ phân bổ các nguồn vốn đạt cao

Trong năm 2020, HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổng vốn chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước trên 2.000 tỷ đồng, bao gồm trên 1.840 tỷ đồng vốn trong nước và 256,9 tỷ đồng vốn ODA.

Theo báo cáo của UBND tỉnh chuẩn bị trình kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã thực hiện phân bổ trên 1.811 tỷ đồng, đạt 91,2% dự toán HĐND tỉnh giao và đạt 83,3% tổng kế hoạch vốn năm 2020. Trong đó, nguồn ngân sách địa phương đã giao trên 785 tỷ đồng, đạt trên 94% dự toán HĐND tỉnh giao.

Trường Cao đẳng Cộng đồng Đắk Nông là một trong những dự án giải ngân nguồn vốn chậm

Số vốn còn lại dự kiến sẽ được bố trí nâng cấp, sửa chữa tỉnh lộ 1; thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đối ứng cho dự án phát triển y tế theo ý kiến của HĐND tỉnh; cho vay lại chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa vào kết quả vay vốn Ngân hàng Thế giới; đối ứng chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2.

Nguồn ngân sách Trung ương đã giao trên 405 tỷ đồng, đạt trên 89%. Nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ trên 276 tỷ đồng, đạt 99,5% dự toán HĐND tỉnh giao. Nguồn vốn ODA phân bổ trên 176 tỷ đồng, đạt trên 68% dự toán HĐND tỉnh giao. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã phân bổ trên 167 tỷ đồng, đạt 100% dự toán HĐND tỉnh giao.

Nhưng tỷ lệ giải ngân đạt thấp

Điển hình, đối với nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân trên 326 tỷ đồng, chỉ đạt 41,5%. Nguyên nhân giải ngân chậm là do một số dự án chuyển tiếp có số vốn bố trí lớn nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc thực hiện nhưng tỷ lệ giải ngân thấp như: hồ chứa nước Đắk N’Tinh có vốn đối ứng ngân sách Trung ương 32 tỷ đồng chưa giải ngân; Dự án hồ chứa nước Nam Xuân (Krông Nô) được phân bổ 25 tỷ đồng chưa giải ngân…

Nguồn ngân sách Trung ương giải ngân được trên 180 tỷ đồng, chỉ đạt 44,4%. Nguyên nhân giải ngân chậm là do một số dự án chuyển tiếp có số vốn bố trí lớn nhưng lại chia làm nhiều gói thầu, mới đi vào mở thầu gói mới nên chưa triển khai hoặc đã triển khai nhưng tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp. Điển hình, dự án cấp bách sắp xếp ổn định dân di cư tự do, ổn định an ninh chính trị khu vực biên giới xã Quảng Trực và xã Đắk Ngo (Tuy Đức) được bố trí 20 tỷ đồng nhưng hiện chưa giải ngân...

ADQuảng cáo

Đối với nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đến nay giải ngân được trên 64 tỷ đồng, chỉ đạt 22,3%. Trong đó, các lĩnh vực giải ngân đạt thấp như lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chỉ đạt 20,5% kế hoạch; lĩnh vực công nghiệp và thủy lợi chỉ đạt 23% kế hoạch vốn. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cũng mới giải ngân được trên 30,8 tỷ đồng, chỉ đạt 18,5%.

Ước tính đến hết 6 tháng, tổng số vốn giải ngân toàn tỉnh khoảng trên 640 tỷ đồng, chỉ đạt 35,4%. Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguyên nhân chủ yếu là do các chủ đầu tư còn chậm hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án, đề xuất phương án triển khai chi tiết kế hoạch vốn được giao.

Sẽ điều chuyển vốn nếu giải ngân đạt dưới 50%

Nhằm bảo đảm thực hiện giải ngân đạt 100% kế hoạch trong năm 2020, UBND tỉnh đề nghị các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư phải coi việc thúc đẩy giải ngân kế hoạch năm 2020 là nhiệm vụ trọng tâm. Các đơn vị, địa phương cần quyết liệt thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ liên quan đến việc tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân năm 2020.

Đối với nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, đến hết ngày 15/7/2020, nếu các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch thì phải điều chỉnh cho các dự án quan trọng, cấp bách. Trên cơ sở báo cáo của các chủ đầu tư, dự kiến điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư trong tháng 7/2020 đối với các dự án ước khối lượng giải ngân đạt thấp hơn 50% như: Dự án đường giao thông từ thị trấn Kiến Đức đi liên xã Kiến Thành-Nhân Cơ-Nhân Đạo; Dự án hồ chứa nước Nam Xuân; Dự án Trường Cao đẳng Cộng đồng  Đắk Nông (giai đoạn I)...

Hiện nay, Kho bạc Nhà nước đã thông báo danh mục, mức vốn chuyển nhiệm vụ chi kế hoạch năm 2019 sang năm 2020. Vì vậy, các chủ đầu tư khẩn trương giải ngân số vốn chuyển nhiệm chi, thúc đẩy tỷ lệ giải ngân tổng kế hoạch vốn sang năm 2020, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch chuyển nhiệm chi trước tháng 9/2020.

UBND tỉnh cũng lưu ý, đối với các nguồn vốn thông báo sau, để bảo đảm giao kế hoạch vốn cho các dự án, tránh bị Trung ương thu hồi vốn, các chủ đầu tư phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh các dự án trước 25/6 đối với các dự án thuộc nguồn ngân sách Trung ương.

Đối với nguồn vốn ODA, Sở Nông nghiệp-PTNT khẩn trương rà soát kỹ lưỡng hồ sơ, thủ tục của các công trình để làm cơ sở cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh giao kế hoạch vốn năm 2020 nguồn vốn ODA và vốn vay lại.

Đối với nguồn ngân sách địa phương, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành công tác điều chỉnh và trình phê duyệt điều chỉnh các dự án. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, tổng hợp và đề xuất Ban Chỉ đạo 562 tổ chức làm việc để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho những dự án được bố trí kế hoạch vốn từ 10 tỷ đồng trở lên nhưng có tỷ lệ giải ngân còn thấp, nhằm thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn bảo đảm kế hoạch đặt ra.

Bí thư và chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo sâu sát các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư. Các chủ đầu tư phải tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hợp đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải quyết liệt đẩy nhanh thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO