Phải xử lý nghiêm trách nhiệm chủ đầu tư không giải ngân được nguồn vốn

Lam Giang| 01/07/2019 10:42

Đó là chỉ đạo của đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại phiên họp thường kỳ tháng 6/2019 của Thường trực HĐND tỉnh, khi đánh giá về tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019.

ADQuảng cáo

Nhà thầu triển khai thi công bờ kè phía Đông lòng hồ Hạ, thuộc Dự án hồ Gia Nghĩa - một trong những công trình trọng điểm của tỉnh. Ảnh: Lê Phước

Các chủ đầu tư chưa quyết liệt

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2019 do tỉnh quản lý là 1.902,221 tỷ đồng (bao gồm vốn Chính phủ vay về cho vay lại 93 tỷ đồng nhưng không gồm vốn trích lập quỹ phát triển đất 48 tỷ đồng), nhưng giải ngân đến hết 17/5/2019 được 337,947 tỷ đồng, đạt 18,8%. Ước thực hiện giải ngân đến hết ngày 30/6/2019 được 760,503 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch, cao hơn 12% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, kế hoạch giao năm 2019 ước đạt 38,9% kế hoạch, cao hơn 10% so với cùng kỳ; kế hoạch năm 2018 kéo dài sang năm 2019 ước đạt 43,8%.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Lưu Văn Trung, nhìn chung, tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn 6 tháng đầu năm 2019 cao so với cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn còn thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ đầu tư chưa quyết liệt, chủ động đôn đốc nhà thầu thi công; không báo cáo vướng mắc, khó khăn ngay khi gặp phải cho các cơ quan quản lý chuyên ngành để kịp thời tháo gỡ.

Cụ thể, nguồn cân đối ngân sách địa phương là 817,867 tỷ đồng (kế hoạch giao năm 2019 là 719,787 tỷ đồng; năm 2018 kéo dài sang 2019 là 95,08 tỷ đồng), ước giải ngân đến kỳ báo cáo được 345,64 tỷ đồng, đạt 42,4% kế hoạch (kế hoạch giao năm 2019 ước đạt 43,1%; năm 2018 kéo dài sang năm 2019 ước đạt 37,5%). Nguyên nhân giải ngân thấp là do trong năm 2019, có nhiều dự án được bố trí khởi công mới, nhưng chậm hoàn thiện các thủ tục đầu tư.

Các dự án vay lại chưa đủ điều kiện giao vốn nên chưa phân bổ chi tiết được số vốn Chính phủ vay về cho vay lại 93 tỷ đồng. Một số dự án do ban quản lý dự án các huyện, thị xã làm chủ đầu tư, đến nay sau khi hoàn thiện công tác sáp nhập, đổi tên gọi mới, nên gặp vướng mắc pháp lý trong hoàn tất thủ tục giải ngân, làm gián đoạn tiến độ giải ngân dự án. Các nguồn thu sử dụng đất, xổ số kiến thiết không đạt nên chưa bảo đảm nhập vốn cho các dự án triển khai.

Đối với nguồn vốn các chương trình mục tiêu hỗ trợ 465,245 tỷ đồng (kế hoạch giao năm 2019 là 404,407 tỷ đồng; năm 2018 kéo dài sang 2019 là 60,838 tỷ đồng), ước giải ngân đến kỳ báo cáo được 249,75 tỷ đồng, đạt 53,7% kế hoạch. Nguyên nhân giải ngân thấp là do một số dự án còn gặp vướng mắc giải phóng mặt bằng, chậm hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án. Các dự án ổn định dân di cư có số vốn bố trí lớn nhưng triển khai còn chậm. Những dự án bố trí vốn hoàn thành, chủ đầu tư còn chậm hoàn tất thủ tục giải ngân.

Nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia là 294,278 tỷ đồng; trong đó 289,175 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2019 mới được giao và duyệt chủ trương đầu tư danh mục các dự án, công trình, còn 5,103 tỷ đồng vốn năm 2018 kéo dài sang năm 2019, khối lượng giải ngân cũng không đáng kể.

ADQuảng cáo

Riêng nguồn vốn ODA là 147,944 tỷ đồng, ước giải ngân được 42,57 tỷ đồng, đạt 28,8%. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2019 giao 20,232 tỷ đồng nhưng do trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 của Bộ Tài chính dự án này không có trong danh mục được phân bổ vốn Chính phủ vay về cho vay lại nên dự án chưa đủ điều kiện giải ngân vốn theo Hiệp ước ký kết và quy trình kiểm soát chi về nguồn vốn ODA. UBND tỉnh đã có công văn báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét nhưng đến nay chưa có văn bản trả lời. Còn vốn năm 2018 kéo dài sang năm 2019 là 127,712 tỷ đồng, ước thực hiện giải ngân đạt 33,3%.

Nhà thầu triển khai thi công bờ kè phía Đông lòng hồ Hạ, thuộc Dự án hồ Gia Nghĩa - một trong những công trình trọng điểm của tỉnh. Ảnh: Lê Phước

“Bài ca giải ngân chậm”

Cũng theo ông Lưu Văn Trung, muốn giải ngân được nguồn vốn thì cùng với nghiêm túc chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành trong lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng và luật Đầu tư công, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các huyện, thị xã phải quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc sâu sát các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân đối với các dự án được giao làm chủ đầu tư. Các chủ đầu tư cũng phải khẩn trương hoàn thành các thủ tục để giải ngân vốn đầu tư các dự án hoàn thành, quyết toán. Đối với các dự án mới cần gấp rút hoàn thành các thủ tục đầu tư để sớm  đưa vào triển khai thi công. Các huyện Đắk R’lấp và Tuy Đức khẩn trương thực hiện việc sáp nhập Ban Quản lý dự án và Trung tâm phát triển quỹ đất theo kế hoạch đề ra, tạo điều kiện giải ngân nguồn vốn đầu tư đã giao cho huyện triển khai thực hiện các dự án.

Đặc biệt, đối với các dự án trọng điểm của tỉnh, các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Trong đó, dự án hồ Gia Nghĩa, các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án, nhất là đối với số vốn chuyển nhiệm vụ chi năm 2019. Riêng Tiểu dự án 1, UBND thị xã Gia Nghĩa khẩn trương hoàn thiện các phương án cũng như đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bảo đảm đồng bộ trong triển khai với Tiểu dự án 2. Thị xã cũng phải khẩn trương chi trả, bảo đảm trong năm 2019 chi trả hết số tiền đã được bố trí là 430 tỷ đồng.

Đối với dự án hạ tầng kỹ thuật bên trong và bên ngoài hàng rào Khu công nghiệp Nhân Cơ, chủ đầu tư phải tập trung đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân theo kế hoạch. Huyện Đắk R’lấp phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong việc giải quyết, xử lý dứt điểm tình trạng một số hộ dân ngăn cản không cho các nhà thầu thi công.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Lê Diễn cho rằng, với một tỉnh còn nghèo, khó khăn như Đắk Nông, mỗi đồng vốn đều có giá trị rất lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương vậy mà năm nào cũng lặp đi lặp lại “bài ca giải ngân chậm”, phải chuyển nguồn từ năm này sang năm khác. Nguyên nhân chính của điệp khúc này là do chế tài, trách nhiệm đối với chủ đầu tư chúng ta làm chưa nghiêm. Do đó, UBND tỉnh cần phải làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc giải ngân nguồn vốn chậm, thậm chí không giải ngân được phải chuyển nguồn, thu hồi vốn. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cần có giải pháp đẩy nhanh nguồn vốn cũng như xử lý rốt ráo, nghiêm minh trách nhiệm của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan chậm giải ngân hoặc không giải ngân được nguồn vốn.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, đến 30/9, nếu chủ đầu tư nào không thực hiện được thì kiên quyết chuyển vốn, thậm chí thay thế chủ đầu tư. UBND tỉnh xác định rõ nguyên nhân, công bố rộng rãi danh sách các chủ đầu tư giải ngân chậm, không giải ngân được vốn, nhà thầu thi công yếu kém… Nếu đến cuối năm 2019, chủ đầu tư nào để mất vốn (Trung ương thu hồi) thì phải xử lý trách nhiệm của người đứng đầu theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải xử lý nghiêm trách nhiệm chủ đầu tư không giải ngân được nguồn vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO