Phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển trung hạn, giai đoạn 2016-2020: Cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

Lương Nguyên| 14/08/2018 09:56

Trong điều kiện ngân sách trung ương ngày càng siết chặt, ngân sách địa phương hạn hẹp thì việc cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, huy động tốt nguồn lực đầu tư khác là việc làm cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển trong giai đoạn hiện nay.

ADQuảng cáo

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển trung hạn, giai đoạn 2016-2020 do tỉnh quản lý là hơn 8.400 tỷ đồng (chưa tính nguồn vốn dự phòng 846 tỷ đồng). Trong đó, nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia là 581,5 tỷ đồng; nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu hơn 3.225 tỷ đồng; nguồn vốn ODA là 811,059 tỷ đồng; nguồn Trái phiếu Chính phủ 771,3 tỷ đồng và nguồn ngân sách địa phương là 3.020,1 tỷ đồng.

Đến nay, sau gần 3 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã phân bổ được hơn 5.100 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch. Cụ thể, các chương trình mục tiêu từ ngân sách trung ương hỗ trợ đã phân bổ cho tỉnh được 1.674 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đã thực hiện phân bổ 244,282 tỷ đồng, đạt 42% kế hoạch; vốn trái phiếu Chính phủ đã phân bổ được 641,3 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch; vốn cân đối ngân sách địa phương đã phân bổ 1.852, 421 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh báo cáo với Đoàn công tác của tỉnh về tiến độ thực hiện Dự án tuyến đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê. Ảnh: Lê Phước

Cơ cấu lại nguồn vốn

Theo đánh giá của UBND tỉnh, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng kế hoạch vốn phân bổ thời gian qua cơ bản được giải ngân đúng tiến độ, cam kết. Tuy nhiên, việc bố trí kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Trung ương mới đạt ở mức độ trung bình, chưa đáp ứng được nhu cầu để thực hiện các chương trình, dự án cấp bách của địa phương. Trong khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội của tỉnh là rất lớn, nhất là những năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm của tỉnh. Chưa kể, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, tỉnh vẫn gặp không ít những khó khăn, thách thức.

Đơn cử, hằng năm, trung ương phân bổ vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia, trái phiếu Chính phủ còn chậm, phân thành nhiều đợt, gây khó khăn trong quá trình triển khai, dẫn đến kế hoạch giải ngân thấp. Một số dự án không được bố trí vốn thanh toán nợ sau khi được quyết toán hoàn thành, số quyết toán cao hơn mức phân bổ trong trung hạn, gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Nguồn lực nội tỉnh còn khó khăn, trong khi nhu cầu thanh toán nợ xây dựng các công trình, dự án ngân sách Trung ương dừng hỗ trợ là rất lớn, tạo gánh nặng trong cân đối ngân sách địa phương…

Hiện nay, trong bối cảnh Chính phủ ưu tiên xử lý giảm nợ công, tiếp tục thắt chặt đầu tư công thì việc thu xếp nguồn lực phát triển theo kế hoạch đã đề ra là hết sức cấp thiết. Từ thực tế giải ngân vốn trong những năm qua, cũng như dự báo tình hình trong giai đoạn 2019-2020, đối với kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cần thiết phải cơ cấu lại nguồn vốn, tạo bước chuyển đột phá, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, nhất là khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư.

Liên quan đến giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đầu tư công giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Đình Đạo, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND tỉnh cho rằng, hiện nay, tình trạng lãng phí, dàn trải trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản còn xảy ra nhiều. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các cấp có thẩm quyền trong quyết định, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư nhà nước. Về cân đối vốn thì dự án đầu tư chỉ được phê duyệt khi cân đối được nguồn vốn.

ADQuảng cáo

Cũng theo ông Đạo, riêng đối với nguồn ngân sách địa phương, với các dự án phân bổ theo nhu cầu của cấp huyện, trong điều kiện nguồn đầu tư hạn chế, UBND tỉnh cần xem xét kỹ hiệu quả đầu tư, cũng như các điều kiện liên quan khác của từng dự án để quyết định đầu tư đúng mục đích, đúng đối tượng. Hằng năm, sau khi Nghị quyết HĐND tỉnh thông qua, UBND tỉnh nên xem xét khả năng cân đối nguồn lực cho các dự án, tính ưu tiên để bố trí dứt điểm nguốn vốn đến năm 2020, tránh tình trạng nợ đọng kéo dài.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Vốn đầu tư phải tập trung vào lĩnh vực, dự án trọng tâm, trọng điểm. Ngoài nguồn vốn Trung ương, địa phương phải linh hoạt, chủ động tăng cường các nguồn thu, hạn chế chi thường xuyên để tập trung chi cho đầu tư phát triển. Một trong những giải pháp cấp bách nữa là  tỉnh cần thắt chặt, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, cũng như ban hành hệ thống giải pháp khả thi, thực thi nghiêm túc các chế tài xử lý khi xảy ra các sai phạm trong đầu tư công.

Thi công tuyến đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê. Ảnh: Lê Phước

Thu hút dòng vốn trực tiếp nước ngoài

Một trong những nguồn vốn giải ngân đạt khá trong 3 năm gần đây đó là nguồn ODA. Qua gần 3 năm triển khai, nguồn vốn này được thực hiện khá tốt, bảo đảm cam kết các hiệp định. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Đắk Nông được đầu tư hơn 811 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA để thực hiện cho 8 dự án đã ký kết hiệp định vay. Đến nay, nguồn vốn này đã phân bổ được hơn 725 tỷ đồng, đạt 89% kế hoạch đề ra.

Thực tế, trong những năm qua, với việc thực hiện chính sách thắt chặt đầu tư công nên nguồn vốn ODA đóng một vai trò quan trọng trong đầu tư phát triển của tỉnh. Thông qua nguồn vốn này, nhiều dự án được triển khai xây dựng, đi vào hoạt động như: Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2; Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất cho các tỉnh Tây Nguyên; Dự án hỗ trợ xử lý chất thải y tế Bệnh viện tỉnh Đắk Nông; Dự án giảm nghèo bền vững khu vực Tây Nguyên…

Tương tự, tình hình thu hút các dự án từ nguồn vốn FDI cũng đã có chuyển biến. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 4 dự án FDI, với số vốn đăng ký là hơn 1.211 tỷ đồng, nâng tổng số dự án FDI trên địa bàn lên 7 dự án, với số vốn đăng ký hơn 500 triệu USD. Ngoài ra, tình hình kêu gọi các Dự án NGO (tổ chức phi Chính phủ) đã được các cấp, ngành chú trọng. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã kêu gọi được 4 dự án, nâng tổng số dự án NGO trên địa bàn lên 6 dự án.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cần tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ thể chế, quy định pháp luật liên quan; nâng cao hơn nữa chất lượng các văn kiện, hiệu quả các cuộc đàm phán. Với những dự án có nguồn vốn đầu tư lớn, với tác động kinh tế, xã hội cao cần có cơ chế ưu tiên về mặt bằng triển khai, nguồn nhân lực thực thi bảo đảm và hệ thống pháp lý đồng bộ, minh bạch…

Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nêu rõ, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa là 2.000.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 1.120.000 tỷ đồng; vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng. Mục tiêu trọng tâm của Nghị quyết là cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển trung hạn, giai đoạn 2016-2020: Cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO