Phập phồng... nuôi heo (kỳ 2): Đủ cách để tự… cứu mình

Nhóm PV kinh tế| 18/05/2017 10:05

Đang phải “đơn thương độc mã” để ứng phó với nguy cơ phá sản, trước khi chờ những chính sách hữu hiệu từ phía nhà nước, người nuôi heo trên địa bàn tỉnh đã phải tìm nhiều cách để tự cứu mình trong điều kiện heo xuống giá sâu nhiều tháng liền.

ADQuảng cáo

Nở rộ hình thức… “tự cung, tự cấp”

Mấy tháng nay, đi về vùng nông thôn hay cả đô thị, phong trào mổ heo bán lẻ hoặc chung nhau mổ heo ăn thịt diễn ra như “tết”. Bản thân người chăn nuôi cũng không ngờ “con heo hội nhập” của mình tưởng chừng có chỗ vững chắc tại siêu thị, thị trường truyền thống trong, ngoài nước... thì nay lại quay về chính những người chăn nuôi tìm cách tiêu thụ.

Ông Lê Sỹ Tùng, một người dân ở xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) cho biết: Mặc dù heo hơi ở các trang trại, hộ chăn nuôi giảm mạnh nhưng khi ra chợ mua thịt heo thì giá vẫn cứ “bình chân như vại”, không giảm là bao. Vì vậy, người dân trong xã đã tự mổ heo để bán với giá vừa phải hoặc mấy hộ chung nhau mua heo để mổ. Với cách làm này, họ đã tự tiêu thụ một phần lượng heo trong dân, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để vớt vát ít vốn liếng, vừa giảm chi phí mua thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày.

Một số người dân cho biết, những nhà nuôi nhiều thì không nói làm gì, đối với những hộ nuôi vài chục con heo đổ lại thì thời điểm này, nếu tự mổ bán với giá thấp hơn ở chợ cũng vớt vát được thêm chút ít chứ bán theo giá heo hơi là lỗ nặng.

Tuy nhiên, cách làm này cũng chỉ là biện pháp tình thế hoặc có chăng cũng là một phản ứng tự nhiên về mặt lợi ích khi giá heo hơi với giá heo thương phẩm chênh nhau quá lớn. Tùy vào điều kiện, có hộ thì mang heo đến lò mổ để mổ rồi mang về bán, có hộ tự chung đụng heo và mổ luôn, không qua một khâu trung gian nào cả.

Là chủ trang trại, nhưng gần 1 tháng nay, chị Lê Thị Cúc (bên phải), xã Đắk Ha (Đắk Glong)  đã trở thành người bán thịt heo bất đắc dĩ... Ảnh: Lê Dung

Chị Lê Thị Cúc, chủ Trang trại heo Cúc Hà ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) hơn một tuần nay đã bán được 15 con heo bằng cách tự giết mổ và bán.

Chị Cúc cho biết: “Mỗi ngày, gia đình tôi mổ 2 con với gần 1,5 tạ/con và bán với giá chung cho tất cả các loại thịt là 50.000 đồng/kg. Do Trang trại có số lượng heo lớn nên nếu cứ tiếp tục nuôi thì sẽ lỗ to. Trong khi, bán cho thương lái thì giá lại quá thấp, với bình quân khoảng 23.000 đồng/kg heo hơi. Vì vậy, trong đàn, con nào to, gia đình tôi sẽ chọn để mổ thịt trước. Heo được đưa tới các lò mổ để ra thành phẩm nên được kiểm định chặt chẽ về chất lượng, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng”.

Qua tìm hiểu được biết, có những xã, thời đểm này, mỗi ngày gần chục con heo được người dân tự mổ để bán. Giá bán cũng không thống nhất vì tùy vào loại heo và nhu cầu trong dân nhưng bình quân rẻ hơn ở các chợ khoảng từ 15 đến 20 ngàn đồng 1kg thịt. Về phía chính quyền, trong những lúc này, mặc dù hoạt động giết mổ gia súc tự phát không đúng theo quy định nhưng cũng đành chịu vì đây là cách để người dân tự cứu vãn tình thế trong cơn biến động sâu về giá heo hơi hiện nay.

Có cung ắt có cầu, khi người dân nhận thấy việc mua thịt heo ở các điểm nhỏ lẻ tự phát rẻ nên đã “bỏ chợ về làng” ủng hộ người chăn nuôi. Có người thấy thịt heo rẻ còn mua dự trữ hoặc chế biến ra các thực phẩm khác. Có người cho rằng thịt heo “rẻ như rau” dại gì không mua để ăn. Từ đây, nhu cầu sử dụng thịt heo trong dân đã tăng khá mạnh so với thời điểm trước khi heo giảm giá. Còn người chăn nuôi nhỏ lẻ chí ít cũng có được thị trường để tiêu thụ, vớt vát phần nào vốn liếng đầu tư.

Tính đến chăn nuôi bền vững

ADQuảng cáo

Khi giá heo xuống thấp, nhiều hộ phải “treo” chuồng hay tự xẻ thịt để bán kiếm thêm được đồng nào hay đồng đó thì có không ít người đã biết đầu tư, chọn lựa con giống tốt để nuôi, cung cấp cho thị trường đàn heo thịt có chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. Do đó, ngay tại thời điểm này, việc chăn nuôi không những hòa vốn mà còn có lời.

Gia đình ông Nguyễn Huy Tưởng, tổ dân phố 4, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) là một trong số những hộ chăn nuôi đã thực hiện được điều đó.

Ông Tưởng chia sẻ: "Trại nuôi của tôi có trên 30 con heo nái, trong chuồng lúc nào cũng có khoảng 250 – 300 con heo thịt. Mặc dù thị trường thu mua heo chững lại nhưng từ đầu năm đến nay tôi bán được hơn chục tấn heo hơi rồi. Mặc dù giá có thấp hơn trước nhưng so với thị trường, giá heo của tôi lúc nào cũng bán cao hơn”.

Theo ông Tưởng thì để bạn hàng ưa chuộng heo của mình, ông đã lựa chọn nuôi các loại giống heo chuẩn từ heo mẹ đến heo đực giống được tuyển chọn ở các trang trại uy tín. Nhờ đó, đàn heo sinh sản của ông bán ra tại thời điểm có giá thấp nhất cũng trên 32.000 đồng/kg. Trong khi các trại khác bán với giá 26.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Huy Tưởng, tổ dân phố 4, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) chú trọng tuyển chọn khâu giống nhằm tạo ra chất lượng thịt tốt, có giá bán cạnh tranh hơn. Ảnh: Văn Tâm

Ông Tưởng cho biết thêm: "Lợi thế của tôi là tự sản xuất giống ra để nuôi nên có lỗ thì cũng lỗ ít hơn so với các hộ đi mua giống về nuôi. Hơn nữa, con giống tốt, cho ra heo thịt có chất lượng thì không sợ tư thương ép giá và lúc nào cũng cao hơn giống heo thông thường”.

Để có được đàn heo thịt có chất lượng, được thương lái tìm mua, ông Tưởng đã không ngừng sưu tầm các giống heo đực với các ưu điểm vượt trội để phối giống cho đàn heo nái trong chuồng. Từ đầu năm đến nay, ông đã đầu tư gần 50 triệu đồng để mua 3 con heo đực giống, có con lên đến 15 triệu đồng như giống Du100 Đài Loan, Landrace…

Ông Tưởng giải thích, khi phối với các giống này sẽ cho ra heo con có thân hình dài, tỷ lệ nạc cao, chất lượng thịt thơm ngon… Trước thực trạng “cung” vượt “cầu” hay thông tin thị trường truyền thống ngừng nhập heo thế nào đi nữa thì trước hết để tự “cứu lấy mình”, các hộ chăn nuôi không nên chạy theo số lượng mà tập trung chăn nuôi vào chiều sâu, chọn con giống chất lượng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chăn nuôi theo hướng bền vững… sẽ giúp giảm thiểu được rủi ro trong quá trính sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Thành, tổ 1, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa), người có thâm niên trong nuôi heo cho biết: Nếu người chăn nuôi làm chủ được lượng đàn, hạ giá thành sản xuất bằng cách tự sản xuất con giống, tận dụng tối đa các nguồn thức ăn tự sản xuất thì trong trường hợp giá heo có xuống thấp cũng đỡ lỗ rất nhiều. Bởi vì nhiều hộ chăn nuôi khi heo được giá chút đỉnh là không ngần ngại tăng đàn, trong khi điều kiện vệ sinh chuồng trại không bảo đảm, chế độ chăm sóc không đáp ứng được yêu cầu nên tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh.

Măt khác, với việc tăng đàn nhanh, nguồn lực đầu tư có hạn, khi gặp biến động xấu về giá sẽ rất khó cầm cự, thương lái ép giá dẫn đến thua lỗ lớn, thậm chí phá sản. Vì vậy, chăn nuôi bền vững chính là yếu tố quan trọng để người dân từng bước làm chủ được thế cuộc, tự mình cứu mình trong điều kiện thị trường đầu ra thiếu tính ổn định.

(Còn nữa)

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phập phồng... nuôi heo (kỳ 2): Đủ cách để tự… cứu mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO