Phập phồng... nuôi heo (kỳ cuối): Hợp lực để tăng sức cạnh tranh

T.B| 24/05/2017 10:15

Qua biến động bất lợi của thị trường heo đợt này, một lần nữa cho thấy vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, liên kết trong sản xuất đang rất cần những hành động thiết thực hơn, mang lợi ích chung chứ không theo kiểu “mạnh ai nấy làm” như hiện nay.

ADQuảng cáo

Người chăn nuôi vẫn luôn trong tình trạng lo âu vì thị trường đầu ra thiếu tính bền vững

Người buôn bán chi phối thị trường

Từ đợt heo giảm giá sâu, một lần nữa chúng ta đang thấy nghịch lý của thị trường trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Điều đáng nói là nghịch lý này luôn diễn ra với xu thế bất lợi thuộc về chính người chăn nuôi và những người tiêu dùng. Vậy nhưng, đến thời điểm hiện nay, người chăn nuôi vẫn chưa nhận được sự quan tâm cụ thể nào từ phía nhà nước như trợ giá, ổn định thị trường…

Rất nhiều người tiêu dùng đặt ra câu hỏi, tại sao heo hơi thì giảm giá sâu, còn heo thịt tại các chợ, siêu thị giá vẫn cứ “bình chân như vại”.

Theo khảo sát của chúng tôi, tại thời điểm đầu năm 2017, giá thịt heo thành phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh vẫn giữ ở mức khoảng 75.000 đến 80.000 đồng/kg. Khi giá heo hơi giảm sâu, có thời điểm xuống còn 16.000 đến 18.000 đồng/kg thì giá heo thịt thành phẩm trên thị trường vẫn gần như “trụ vững”. Đến giữa tháng 4/2017, khi mà người dân phản ứng bằng việc tự mổ heo để tiêu thụ, không qua các khâu trung gian thì thị trường thịt heo thành phẩm mới bắt đầu có phản ứng bằng việc giảm giá nhẹ.

Theo Sở Công thương thì trong tháng 4 và những ngày đầu tháng 5 vừa qua, giá bình quân thịt heo thành phẩm trên thị trường toàn tỉnh từ 70.000 - 75.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với những tháng trước đó. Trong khi, giá heo hơi bình quân giảm tới 10.000 đến 12.000 đồng/kg. Không cần phải tính toán nhiều cũng thấy với việc giá heo hơi giảm sâu, người chăn nuôi lỗ nặng còn thương lái và các tư thương tham gia mua bán thịt heo thương phẩm thì lại trúng đậm.

Khi hỏi vì sao giá heo thương phẩm chỉ giảm rất ít thì các tiểu thương cho rằng do thịt heo trước khi đến tay người tiêu dùng phải trải qua nhiều khâu trung gian như: Thương lái đi thu gom mua, tập kết ở một điểm và bán lại cho lò giết mổ. Sau đó, lò giết mổ lại bán lại cho thương lái, rồi thương lái bán lại cho người bán lẻ, người bán lẻ bán cho người tiêu dùng nên chi phí trung gian “đội” lên khá cao.

Thế nhưng, lý giải trên là thiếu thuyết phục vì khi heo hơi chưa giảm giá, các công đoạn này vẫn diễn ra trong chuỗi lưu thông mặt hàng này. Cùng vấn đề này, có người lý giải vì sợ giảm giá, sau khi heo hơi tăng lại khó tăng giá trở lại?  

Như vậy, trong đợt heo giảm giá này, ai được, ai mất đã rõ. Vấn đề ở đây là việc phản ứng của thị trường chúng ta hiện nay chưa thực sự “nhạy” do một bộ phận thương lái, tư thương làm chủ thế cuộc.

Tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ

Theo Cục Thống kê tỉnh, tính đến hết tháng 4/2017, tổng đàn heo toàn tỉnh là  121.475 con (không tính đàn heo sữa), giảm 8,56% so với cùng kỳ năm 2016. Số lượng đàn giảm là do heo giảm giá sâu, nhiều hộ chăn nuôi, chủ trang trại giảm đàn để giảm suất đầu tư, chuyển sang nuôi những loại vật nuôi khác.

Báo cáo của Sở Công thương cho thấy, toàn tỉnh hiện có khoảng 55 cơ sở chăn nuôi heo tập trung theo quy hoạch được phê duyệt, với quy mô bình quân khoảng 60 con heo thương phẩm/cơ sở trở lên. Chưa kể quy mô các trang trại còn nhỏ, so với tổng đàn thì số heo được chăn nuôi tập trung chiếm tỷ lệ rất ít. Phần lớn heo trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu đang được người dân chăn nuôi theo mô hình nông hộ, nhỏ lẻ, yếu tố tự phát cao. Đây là một trong những thách thức lớn không chỉ về mặt quản lý nhà nước mà ngay cả tính cạnh tranh về thị trường đầu ra đối với người chăn nuôi, nhất là khi gặp biến động bất lợi về giá.

ADQuảng cáo

Qua đợt giảm giá thị trường heo lần này lại một lần nữa cho thấy, vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch đang là yếu tố quan trọng để phát triển ngành chăn nuôi heo bền vững. Trên thực tế, năm 2011, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 1133/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch phát triển chăn nuôi và giết mổ tập trung tỉnh Đắk Nông đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 cũng như một số văn bản khác liên quan để các địa phương làm cơ sở xây dựng quy hoạch chi tiết ngành chăn nuôi.

Đến nay, tất cả các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và ban hành quy hoạch chi tiết về chăn nuôi giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020 để quy hoạch vùng, số lượng vật nuôi, cơ sở giết mổ tập trung trên cơ sở dự báo về nhu cầu thị trường đầu ra của từng sản phẩm. Thế nhưng, đa phần các huyện đều chưa đạt được mục tiêu về tỷ lệ đàn được chăn nuôi tập trung theo lộ trình đề ra.

Đắk R’lấp là địa phương thuộc vùng quy hoạch trọng điểm của tỉnh trong chăn nuôi heo. Theo đó, mục tiêu của huyện đề ra là đến năm 2015, toàn huyện sẽ có khoảng 25.040 con heo được nuôi tập trung theo quy hoạch, chiếm 35 đến 40% tổng đàn heo trên địa bàn.

Đến năm 2020, toàn huyện có khoảng 80.575 con heo được nuôi tập trung, chiếm khoảng 70% tổng đàn heo trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện có khoảng 20 trang trại nuôi heo nhưng số trang trại quy mô lớn từ 500 con heo thương phẩm trở lên rất ít và rơi vào các trang trại nuôi heo gia công, còn lại là trang trại quy mô dưới 100 con.

Chưa kể, toàn huyện có hơn 60% số heo trên địa bàn hiện vẫn chủ yếu chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, tự phát ở các nông hộ. Vì vậy, ngoài một số trang trại chăn nuôi gia công có cam kết bao tiêu sản phẩm thì đa phần các trang trại quy mô nhỏ, hộ chăn nuôi heo trên địa bàn hiện vẫn phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm qua các thương lái để tiêu thụ.

Thị trường đầu ra của con heo cũng đang chủ yếu trên địa bàn nội tỉnh, chưa đi vào các kênh như nhà máy chế biến, siêu thị. Từ đây, chi phí đầu ra cho sản phẩm thịt heo đã “đội” lên khá cao do phải qua nhiều công đoạn. Khi có biến động bất lợi về giá, những con heo chăn nuôi nhỏ lẻ đã bị “đánh bật” ra khỏi thị trường, ngay cả thị trường truyền thống do giá thành cao, không cạnh tranh được với giá heo của các tỉnh, thành lân cận.

Việc chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát cũng đang dẫn đến tình trạng phân tán sức cạnh tranh trên thị trường,  tạo điều kiện để người buôn bán ép giá. Hơn thế, khi có biến động xấu về thị trường cũng như dịch bệnh, việc triển khai các biện pháp can thiệp cũng ít tính khả thi hơn.

Từ đây cho thấy, việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi heo nói riêng, trong đó chú trọng việc chăn nuôi tập trung  đang là yêu cầu cần thiết để không chỉ ứng biến linh hoạt hơn khi thị trường bất lợi mà còn tăng tính cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

Để làm được điều này, bản thân người chăn nuôi phải có sự liên kết thành những tổ, nhóm, hợp tác hoặc tổ hợp tác xã nhằm hình thành những mô hình chăn nuôi lớn với số đàn đủ các yếu tố về số lượng, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ…

Về phía nhà nước, ngoài việc đẩy mạnh quy hoạch, quản lý quy hoạch vùng, tỉnh cũng cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các mô hình liên kết trong chăn nuôi; hỗ trợ người dân trong xây dựng quy trình chăn nuôi đủ tiêu chuẩn, cũng như thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Khi ngành chăn nuôi được quy hoạch bài bản, nếu gặp thiệt hại do giá cả xuống thấp, dịch bệnh, các cấp, các ngành cũng phải có hình thức hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, thiết thực nhằm bảo đảm tính bền vững trong sản xuất cho người dân.

Heo xuất sang Campuchia tăng mạnh

Tại Hội nghị Giao ban thảo luận các biện pháp tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, do Cục Chăn nuôi tổ chức, ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, tình hình xuất bán heo của tỉnh này có một số tín hiệu lạc quan.

Trước đây, mỗi ngày cơ quan chức năng Đồng Nai đóng dấu kiểm dịch cho khoảng 4.200 con heo xuất bán ngoại tỉnh, thì hiện con số này lên tới khoảng 8.000-9.000 con, tăng gấp đôi.

Lượng heo này được đưa về tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh và đi một số tỉnh giáp biên giới Tây Nam để bán sang Campuchia. Đây là thông tin đáng mừng trong bối cảnh xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc vẫn đang rất hạn chế (chỉ khoảng 1.000 con một ngày).

T.B

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phập phồng... nuôi heo (kỳ cuối): Hợp lực để tăng sức cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO